Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

LÊ XUYÊN, VĂN KHÔNG LÀ NGƯỜI? (KỲ CUỐI)

Tác giả : Du Tử Lê

(Tiếp theo và hết).
Chúng ta thường nghe nói “văn tức là người”. Nhưng “chân lý” này dường không đúng với nhà văn Lê Xuyên.
Theo ghi nhận của một số nhà văn cùng thời với tác giả “Chú Tư Cầu” như Văn Quang, Nguyễn Thụy Long thì, trong số độc giả của nhà văn Lê Xuyên, có rất nhiều người thuộc nữ giới. Họ tìm đến ông vì hâm mộ tài năng họ Lê. Nhưng trong đời thường, Lê Xuyên là người ít nói, ông sống nghiêm túc tới độ nhiều văn nghệ sĩ không tin ông có một đời riêng ngăn nắp, nghiêm túc đến như vậy.
Trong một bài viết ở dạng hồi ký, nhà báo Hồ Ông kể: Tuy cùng làm việc với nhà văn Lê Xuyên ở nhật báo Thời Thế, nhưng ông không có dịp gặp mặt họ Lê. Lý do, ông chỉ ghé qua tòa soạn, đưa bài, xong ông về ngay tòa soạn báo Con Ong của ông Minh Vồ. Theo ông, đó là một nơi tập trung nhiều anh em với những cuộc “đấu hót” tưng bừng. Nên:
“ Dù rất ái mộ lời văn ‘đối thoại dấm dẳng’ pha chất sex nhẹ nhàng kiểu ‘cởi cái nút áo người yêu cả tuần lễ chưa xong’, rất Lê Xuyên, rất Nam Bộ với những ngôn ngữ địa phương thuần túy, không hề bị pha trộn với ngôn ngữ của thời đại...” (Bđd).
Chính vì chưa gặp họ Lê lần nào, nên ký giả Hồ Ông vẫn đinh ninh tác giả “Chú Tư Cầu”, “Rặng Trâm Bầu” là một nhà văn Nam Bộ bậm trợn, chịu chơi không thua gì mấy ông nhà văn khác. Cảm nghĩ của Hồ Ông đã bị ông Minh Vồ “xổ toẹt” ngay, khi chủ nhiệm Con Ong cho Hồ Ông biết: “… Lê Xuyên nó còn hiền lành hơn thầy tu, nhát hơn con gái nhà lành nữa đấy. Nghe nói tục là nó biến ngay, đố dám!"
Sự bán tín, bán nghi của Hồ Ông về đời thường, Lê Xuyên “…còn hiền lành hơn thầy tu, nhát hơn con gái nhà lành nữa…”, cuối cùng cũng được giải tỏa nhân dịp ông và các bạn trong tòa soạn Con Ong là, Dê Húc Càn (tức Dương Hùng Cường) nhà văn Hùng Phong, được chủ nhiệm Con Ong rủ đi ăn hủ tíu ở quán “Mũi Tàu”, Chợ Lớn thì, bất đồ, ông Minh Vồ bật dậy, chạy ra ngoài quán, gọi lớn:
“Lê Xuyên! Lê Xuyên! Vào đây ăn sáng với tụi tao đã!’ Nghe thế tôi cũng mừng rỡ vì tình cờ lại được gặp người mình vẫn ái mộ. Tôi nhìn ra ngoài thấy Minh Vồ đang tíu tít nắm chiếc guidon xe Vespa giữ ghịt lại như sợ Lê Xuyên bận rộn sẽ không chịu vào quán.

“Lê Xuyên, năm đó trạc khoảng trên 40 tuổi, người hơi nhỏ con, ăn mặc tươm tất. Anh vừa kịp kéo ghế ngồi xuống và Minh Vồ thay vì giới thiệu, đã chỉ tôi bô bô hỏi Lê Xuyên: ‘Mày chắc biết thằng Hồ Ông, nó viết báo Thời Thế bên mày nó ký bút hiệu Gã Kéo Màn đó?’. Lê Xuyên nhìn tôi và đưa tay bắt tay tôi, nhẹ lắc đầu: ‘Nghe tên thì quen nhưng hôm nay mới gặp. Gã Kéo Màn còn trẻ quá há!’. Tôi chưa kịp nói gì, Minh Vồ đã quát chủ quán cho thêm một tô hủ tíu, rồi quay qua nói với Lê Xuyên: ‘Tao bắt gặp quả tang mày hôm Thứ Bảy’. Lê Xuyên thực thà hỏi: ‘Quả tang chuyện chi?’ - ‘Mày còn giả bộ hỏi nữa’. Nghe Minh Vồ nói thế, Lê Xuyên càng ngạc nhiên: ‘Mà chuyện chi chớ?’ Minh Vồ cười một tràng lớn rồi oang oang nói: ‘Hôm Thứ Bảy tao lái xe ngang trường Hai Bà Trưng, tao thấy mày chạy xe Vespa yên sau chở một em thơm như múi mít, thơm hơn em Phấn trong Chú Tư Cầu của mày, nó ôm eo ếch mày, duỗi cặp giò trường túc trắng muốt. Tao còn nhớ nó mặc mini-jupe ngắn lòi cả cái quần sì-líp màu hồng, lông nách nó thì bay phất phới, phất phới!’. Giọng Minh Vồ bình thường vốn đã lớn, nhưng có lẽ nhằm chủ đích chọc Lê Xuyên, nên anh càng cố nói oang oang cho cả quán cùng nghe, khiến ai cũng quay nhìn về phía bàn chúng tôi.

“Lúc đó Lê Xuyên mặt đỏ gay, đứng dậy không kịp chào ai, bước vụt ra xe Vespa phóng một mạch. Minh Vồ đắc ý cười hô hố, quay nói với tôi: ‘Đó cậu thấy tôi nói có sai đâu! Lê Xuyên viết văn thì dữ dằn như thế, nhưng ngoài đời hắn còn hiền hơn cả mấy ông thầy tu nữa!’ (Bđd).
Bản chất nghiêm túc, hiền lành của “Chú Tư Cầu”, cũng được nhiều bạn văn của “Chú Tư Cầu” đề cập. Như trong bài viết “Nhà văn Lê Xuyên những ngày cuối đời” của Văn Quang, có đoạn:
“... Thỉnh thoảng tôi đưa bài đến báo Thời Thế, đôi khi vào buổi trưa, tôi lại rủ Lê Xuyên đi ăn trưa, hôm có tiền thì chui vào Chợ Lớn ăn cơm Tàu Bát Đạt. Có lần tôi rủ:
- Chúng tớ có cái phòng thuê ở trên lầu ba để thỉnh thoảng chơi phé, lấy tiền xâu gửi lại tay quản lý nên bất cứ lúc nào cần phòng là có ngay. Ông có muốn nằm lại đây một buổi không?
“Bản tính anh hiền lành nên hỏi lại:
- Nằm làm gì, tôi phải về làm việc chứ.
- Ông ngây thơ thật hay ngây thơ cụ, ông cứ lên với tôi là biết ngay ‘nằm làm gì’. Ông muốn Tàu cũng có mà ta cũng có.
“Dĩ nhiên đến nước này thì ông bạn tôi phải hiểu, nhưng ông lắc đầu quầy quậy như anh con trai mới lớn bị bà mẹ bắt lấy vợ sớm. Tôi đưa ông trở lại tòa soạn và xác nhận với anh em rằng ‘Lê Xuyên nó đứng đắn thật các ông ạ’." (8)
Tuy nhiên, ở mặt khác, mặt cư xử, ăn ở với bạn bè thì căn cứ theo hồi ký của nhà văn Nguyễn Thụy Long, cũng như trong bài viết về những ngày cuối đời của “Chú Tư Cầu”, nhà văn Văn Quang kể lại chuyện, một ông Tướng vùng bị nhật báo Thời Thế đăng tải phóng sự điều tra về tội tham nhũng của ông ta. Ông tướng này nhờ một ông Đại tá, một Trung tá đi gặp nhà văn Văn Quang để xin tờ Thời Thế chấm dứt loạt bài điều tra tham nhũng đó. Chẳng đặng đừng, nhà văn Văn Quang phải điện thoại cho “Chú Tư Cầu” khi đó là Tổng thư ký báo Thời Thế, nhờ giúp đỡ. Bằng vào tình bạn giữa hai người “Chú Tư Cầu” nhận lời với điều kiện phải để ông “thu xếp với anh em” trước đã.…
Sau đó, ông Văn Quang gọi điện thoại cho chủ nhiệm Hồ Anh, lúc ấy ông mới biết, trước ông, đã có 2 Thượng nghị sĩ, dân biểu can thiệp, nhưng Lê Xuyên vẫn thản nhiên cho đăng tiếp. Và:
“… Ông Hồ Anh bảo tôi cứ nói chuyện với Lê Xuyên, nếu anh ấy chịu thì không có gì trở ngại.
“Chỉ có thế thôi. Rất bất ngờ, hôm sau tôi đọc được hàng chữ trên trang nhất: ‘Vì có người bạn chúng tôi can thiệp nên chúng tôi thấy cần phải chấm dứt loạt phóng sự này’. Quả thật đó là điều khiến tôi hết sức cảm động và ngay lúc đó tôi trở nên áy náy vì biết đâu đó là một sự thật mà công sức của anh phóng viên trẻ đã bỏ ra bị tôi ‘kỳ đà cản mũi’. Tôi gọi lại cho Lê Xuyên, anh chỉ cười:
- Thông cảm với phóng viên rồi, nó bảo ngưng cũng được, viết thế đủ rồi.” (Bđd)
Đoạn cuối bài viết của mình, nhà văn Văn Quang ghi:
Buổi chiều ngày 5-3 (2004), đúng hai giờ lễ động quan bắt đầu, giữa trời nắng chang chang, chúng tôi đưa người quá cố đến nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Có rất nhiều người bên hè phố lặng lẽ tiễn đưa anh. Đám tang nhà văn Lê Xuyên không ồn ào như đám tang của những nhà nghệ sĩ mà ở đây người ta cho rằng đó là những ‘nhà nghệ sĩ lớn’, nhưng những con người thầm lặng ấy đưa tiễn anh với tất cả tấm lòng mình. Họ không nói gì, không có kèn saxo như trong đám tang Trịnh Công Sơn, không có những giọt nước mắt dài ngắn thở than của những danh ca nghệ sĩ, không có những bài ‘điếu văn’ lâm ly bi đát, nhưng đám tang Lê Xuyên đầy ắp những tình yêu thương từ xa xưa đọng lại, từ bốn phương, tám hướng lãng đãng bay về phủ kín khung trời Sài Gòn.” (Bđd)
.
Tôi nghĩ không thể có một vòng hoa nào trân quý, xứng đáng hơn vòng hoa mà đám đông thầm lặng đã dành cho tài hoa và, nhân cách chói lòa của nhà văn Lê Xuyên/ Lê Bình Tăng.
Du Tử Lê
(Mar. 2016)_________
Chú thích:
(8) Nguồn Wikipedia – Mở.

 http://dutule.com/D_1-2_2-105_4-7720_5-10_6-1_17-306_14-2_15-2/le-xuyen-van-khong-la-nguoi-ky-cuoi.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét