Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

ĐÓN XEM VÀ CHỤP ẢNH NGUYỆT THỰC TOÀN PHẦN DUY NHẤT CỦA NĂM VÀO NGÀY 4/4/2015

Theo Hội Thiên Văn Việt Nam dẫn nguồn NASA’s GSFC, vào chiều tối ngày 4/4/2015 khi Mặt trăng mọc dần lên ở chân trời đông, người dân Việt nam cùng cư dân của một số vùng trên thế giới sẽ có cơ hội quan sát được hiện tượng nguyệt thực toàn phần. Bóng tối của Trái đất sẽ bao phủ hoàn toàn Mặt trăng trong khoảng thời gian rất ngắn chỉ khoảng 04 phút 43s, từ 18h57ph54s tới 19h02ph37s (theo F. Espenak, NASA’s GSFC tại eclipse.gsfc.nasa.gov/eclipse.html).

LunarEclipseDec20th1146PM_PST.
Tại Việt Nam, theo các tính toán của NASA, nguyệt thực nửa tối sẽ bắt đầu từ lúc 16h01 khi trăng đi vào vùng bóng nửa tối của Trái đất, nhưng nguyệt thực nửa tối sẽ rất khó nhận biết vì Mặt trăng chỉ tối hơn bình thường một chút. Vào lúc 17h15, Mặt trăng sẽ bắt đầu vào vùng bóng tối của Trái đất bắt đầu giai đoạn nguyệt thực một phần, màu sắc của vùng bóng Trái đất in trên Mặt trăng sẽ chuyển dần từ đen xám sang ửng đỏ khi vùng bóng này lớn dần. Nguyệt thực toàn phần lần này khá đặc biệt bởi nó diễn ra vào thời điểm thời tiết thuận lợi, vào giai đoạn toàn phần diễn ra Mặt trăng cũng lên cao hơn so với chân trời, thuận lợi cho quan sát. Và theo thống kê đây có lẽ là lầnnguyệt thực toàn phần ngắn nhất của thế kỷ 21.

Mô phỏng nguyệt thực toàn phần 4/4/2015
Hội Thiên Văn Nghiệp Dư Hà Nội

Thông tin chi tiết về thời gian diễn ra hiện tượng như sau (Thời gian đã được quy đổi sang giờ Hà Nội)
  • 16:01 - Mặt trăng đi vào vùng bóng nửa tối ( bắt đầu)
  • 17:15 - Bắt đầu pha một phần
  • 18:57 - Bắt đầu pha toàn phần
  • 19:00 - Đạt cực đại
  • 19:02 - Kết thúc pha toàn phần
  • 20:44 - Kết thúc pha một phần
  • 21:59 - Mặt trăng đi ra khỏi vùng bóng nửa tối ( kết thúc hoàn toàn)
Thời điểm bắt đầu quan sát ở nước ta là khoảng từ sau 18h khi mà Mặt trăng bắt đầu mọc dần lên ở chân trời phía đông tới khi nguyệt thực kết thúc.

Nguyệt thực toàn phần sẽ bắt đầu vào lúc 18h57 và toàn bộ Mặt trăng sẽ chuyển sang màu đỏ. Nguyệt thực toàn phần đạt cực đại vào lúc 19h00 cũng là lúc Mặt trăng nhuốm màu đỏ rõ, đẹp nhất. Do có màu đỏ mà người ta hay gán tên gọi “Trăng máu” cho hiện tượng này.

Chúng ta sẽ tiếp tục quan sát được pha nguyệt thực toàn phần cho đến 19h02 (pha toàn phần rất ngắn, chỉ hơn 4ph). Sau đó mặt trăng sẽ dần ra khỏi vùng tối, màu sắc dần trở về bình thường cho đến khi trăng ra khỏi vùng bóng tối hoàn toàn vào lúc 20h44 và kết thúc nguyệt thực một phần.

Nguyệt thực là hiện tượng xảy ra do Mặt Trăng đi qua điểm giao nhau giữa quỹ đạo của nó quanh Trái Đất và quỹ đạo của Trái Đất quanh Mặt Trời ở phía đối diện với Mặt Trời. Khi đó, nó đi vào vùng bóng tối của Trái Đất và chỉ nhận được một phần rất nhỏ ánh sáng từ Mặt Trời.
Capture_zps9uhiyujh.

Gợi ý hướng dẫn cho những ai thích quan sát và chụp ảnh của hai thành viên Hội Thiên Văn Hà Nội: Hoàng Quốc Phương - Nguyễn Tùng Lâm

Gợi ý quan sát:

Trong lần nguyệt thực toàn phần lần này, thời gian và góc độ quan sát sẽ thuận lợi hơn rất nhiều so với lần nguyệt thực diễn ra vào ngày 8/10/2014 vừa rồi, vì vậy nếu ai đã từng được chiêm ngưỡng hiện tượng trăng máu vừa qua thì hoàn toàn có thể hi vọng một buổi quan sát tuyệt vời hơn rất nhiều trong lần này.

Bạn hãy chọn một khu vực rộng rãi nhất và trong lành nhất có thể, càng tránh xa khỏi ánh đèn đô thị càng tốt. Đây là một hiện tượng thiên văn có thể quan sát được bằng mắt thường nhưng sẽ thú vị hơn nếu bạn có một chiếc ống nhòm hoặc kính thiên văn. Mặt Trăng rất lớn nên dễ dàng định vị được trong quá trình quan sát.

Gợi ý chụp ảnh lại hiện tượng.

Bạn có thể lưu giữ lại hiện tượng thú vị này để có thể chia sẻ với bạn bè và mọi người. Nếu bạn đã có trong tay một chiếc camera bất kì thì việc này vô cùng đơn giản, sau đây là một vài chia sẻ nho nhỏ có thể giúp các bạn ghi lại được những bức hình đẹp nhất.
  • Đối với camera điện thoại:
Để chụp được hình trên thiết bị di động của mình, bạn nên trang bị những ống kính tele đi kèm có thể gắn trực tiếp ra mặt sau, điều này sẽ hỗ trợ phần nào khả năng phóng đại của camera. Hoặc bạn cũng có thể chụp gián tiếp thông qua ống nhòm hoặc kính thiên văn, hình ảnh thu được sẽ khá bất ngờ. Nếu không có các dụng cụ hỗ trợ thì bạn vẫn hoàn toàn có thể chụp bằng tay không. Cách cài đặt như sau: đối với chụp trực tiếp, bạn nên đặt điện thoại lên một vị trí tựa chắc chắn hoặc trên một tripod, điều này sẽ giúp ảnh không bị rung do tay và có máy có thể chụp ở tốc độ rất thấp mà hình không bị nhòe. Các bạn không nên sử dụng chế độ zoom trong điện thoại vì nó không giải quyết được vấn đề gì ngoài việc làm giảm độ chi tiết của ảnh – hãy cứ chụp bình thường và phóng lớn lên sau ở khâu hậu kì. Ưu tiên chế độ chỉnh tay trong trường hợp này. Do điều kiện ánh sáng trong pha toàn phần rất yếu nên bạn hãy hạ thấp tốc độ chụp xuống thấp nhất có thể, và từ từ tăng dần tốc độ khi Mặt Trăng bắt đầu sáng hơn ở pha một phần ( thời gian chụp có thể tính bằng giây hoặc lâu hơn tùy loại máy, vì vậy điều cực kì cần thiết là bạn phải giữ máy bất động trong thời gian chụp), đặt mức Iso trong khoảng từ 200-400 để hạn chế nhiễu. Thiết lập cân bằng trắng ở chế độ ánh sáng Mặt Trời ban ngay ( trong khoảng 5000-6000k), chọn chế độ lấy nét bằng tay để lấy nét chuẩn nhất vào một vật ở rất xa (như tòa nhà hay ánh đèn phía xa chẳng hạn), và nếu máy có khả năng, hãy chụp ở định dạng Raw , điều này sẽ rất tốt cho khâu hậu kì.​
  • Đối với máy ảnh du lịch:
Máy ảnh du lịch có lợi thế hơn so với điện thoại ở khả năng zoom quang học (từ 3x cho tới 60x tùy loại). Hãy thiết đặt ở chế độ chỉnh tay hoàn toàn hoặc bán tự động. Iso thay đổi linh động từ 100 đến 800 tùy độ sáng trong các pha của Mặt Trăng, đặt máy lên một mặt cố độ hoặc tripod để có thể chụp ở tốc độ thấp, lấy nét ra vô cực, chụp hẹn giờ sau vài giây để tránh rung do tay. Việc thay đổi khẩu độ trong máy ảnh du lịch không mang lại nhiều thay đổi cho lắm nên việc này bạn cứ để máy tự lo liệu, và hãy chụp file Raw nếu có thể. Có một số loại adapter giúp gắn máy ảnh lên ống nhòm hoặc kính thiên văn.​
  • Đối với dòng máy DSLR:
Không có gì tuyệt vời hơn khi bạn có trong tay một ống tele cỡ 200~400mm, một tripod chắc chắn và một kính lọc Mặt Trăng(nếu có). DSLR set chụp ở chế độ ưu tiên khẩu độ Av. Hãy khép khẩu xuống f8-f11 để đảm bảo độ sắc nét. Bạn nên tắt chế độ khử nhiễu trên máy ảnh để có một bức ảnh chân thật nhất, và có thể bạn sẽ phải trừ đi vài Ev vì khung cảnh bạn định chụp sẽ rất chênh sáng, hãy sử dụng chế độ đo sáng điểm để máy đo sáng tốt nhất. Tắt chế độ chống rung trên ống kính nếu bạn đặt máy trên tripod. Và đương nhiên rồi, hãy chụp ở định dang Raw. Sử dụng dây bấm mềm hoặc chụp trễ sau 2 giây để tránh rung, nếu bạn khắt khe hơn thì hãy khóa gương lật trước khi chụp. Đối với dslr có một lợi thế là bạn có thể không cần dùng ống kính của máy ảnh mà gắn nó trực tiếp lên kính thiên văn, lúc này chiếc kính thiên văn sẽ trở thành một ống siêu tele với tiêu cự từ 500-1500mm qua ngàm chuyển. Hãy chụp cách thời gian 1 phút mỗi tấm để sau khi hoàn thành, bạn sẽ làm được một đoạn phim ngắn về quá trình diễn ra nguyệt thực.
Bạn cũng có thể tham khảo nếu thích chụp chuỗi trăng như bức ảnh "trăng máu" tuyệt đẹp của bạn Hung Dữ trong lần Nguyệt Thực lần trước 8/10/2014.
Bài giới thiệu và hướng dẫn cách chụp tại Camera Tinh Tế: Trăng Máu 8/10/2014
2609672_10367717_10152782795244511_4801776518131427081_n.

 

https://www.tinhte.vn/threads/don-xem-va-chup-anh-nguyet-thuc-toan-phan-duy-nhat-cua-nam-vao-ngay-4-4-2015.2444936/