Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015

KẸT CỨNG CỬA NGÕ PHÍA NAM TP.HCM


Các phương tiện giao thông kẹt cứng ở khu vực cầu Chà Và, Q.8, TP.HCM chiều 14-1 - Ảnh: Thuận Thắng
Dù các tuyến đường ra vào TP.HCM ở một số khu vực, nhất là phía nam và phía tây nam, đã được đầu tư mở rộng, nhưng tình trạng kẹt xe nghiêm trọng vào giờ cao điểm vẫn thường xuyên diễn ra.
Ông Trần Ngọc Phát - người dân ở Q.7 - cho biết gần một năm nay, việc ra vào trung tâm TP ngày càng khó khăn hơn, quá nhiều xe từ khu Nam Sài Gòn đổ vào trung tâm TP, nhất là vào giờ cao điểm sáng và chiều.
Ông Phát còn nói không chỉ riêng khu Nam Sài Gòn, nếu đi từ miền Tây lên hoặc đi từ Tây Ninh về thì kẹt xe là chuyện bình thường. Đi từ hướng Bình Chánh về cũng vậy.
Những cây cầu ngáng cửa khu Nam Sài Gòn
Khu vực ngoại thành phía nam Sài Gòn (Q.7, Q.4, Q.8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè...) và trung tâm bị ngăn cách bởi kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi, kênh Tẻ. Trong những năm gần đây, nhiều cây cầu để kết nối vào khu trung tâm được xây dựng giúp người dân rút ngắn khoảng cách đi lại.
Tuy nhiên, những tuyến đường kết nối lên cầu chưa được mở rộng tương xứng, việc tổ chức giao thông còn nhiều bất cập, cộng với tốc độ phát triển nhanh của các khu dân cư phía nam Sài Gòn khiến những cây cầu bắc qua kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Tẻ đang dần bị quá tải và trở thành nỗi ám ảnh của người dân vào mỗi giờ cao điểm sáng và chiều.
Cầu Chà Và nằm gần cuối kênh Tàu Hủ (nối giữa Q.5 và Q.8) luôn có mật độ xe cộ qua lại rất đông. Khoảng 17g30 ngày 13-1, ở khu vực cầu Chà Và (phía Q.8), xe cộ phải nhích từng chút. Tại chân cầu có ba cảnh sát giao thông đứng hướng dẫn, phân luồng xe nhưng tình trạng ùn ứ vẫn không giảm.
Càng về chiều, lượng xe phía Q.5 đi qua cầu Chà Và để về hướng Q.8 càng đông. Làn đường phía Q.5 và mặt cầu Chà Và rộng hơn 10m (một chiều lưu thông) nhưng phía Q.8 mặt đường chỉ rộng 5-6m, tạo thành nút thắt cổ chai ngay dưới chân cầu.
Đó là chưa kể khi xe đổ dốc cầu thì không thẳng mà phải đột ngột quẹo phải vào đường Cao Xuân Dục (Q.8) để tiếp tục đi về hướng cầu Nhị Thiên Đường.
Ngoài lượng xe máy, ôtô rất lớn phía Q.8 và huyện Bình Chánh ra vào trung tâm TP, hàng trăm chuyến xe buýt có điểm cuối tại bến xe Q.8 đều đi qua cầu Chà Và, góp phần làm giao thông tại khu vực này ùn tắc nặng hơn.
Cách cầu Chà Và khoảng 1km là cầu Nguyễn Tri Phương. Vào giờ cao điểm, dù trên cầu thông thoáng nhưng đường dẫn lên cầu (phía Q.8) lại thường xảy ra cảnh xếp hàng rồng rắn. Nguyên nhân là có một chốt đèn tín hiệu giao thông nằm ngay dưới chân cầu Chánh Hưng (nằm gần cầu Nguyễn Tri Phương).
Tại đây thường xuyên xảy ra xung đột giao thông giữa xe từ trên cầu Chánh Hưng xuống và xe chạy trên đường Hưng Phú, gây kẹt xe dây chuyền đến cầu Nguyễn Tri Phương.
Cũng bắc ngang kênh Tàu Hủ, cầu Chữ Y (nối Q.5 - Q.8) có tổ chức giao thông khá phức tạp. Từ Q.5 qua Q.8, ra đến giữa cầu thì có một nhánh quẹo phải xuống P.8 (Q.8) và một nhánh chạy thẳng xuống P.3 (Q.8).
Người dân cho biết vào những lúc không có lực lượng chức năng điều tiết giao thông, trên cầu cũng thường xảy ra ùn ứ. Giờ cao điểm có thể mất hàng chục phút để đi qua cây cầu dài vài trăm mét này.
Còn cầu Nguyễn Văn Cừ phía Q.1 có tuyến đường Trần Hưng Đạo cắt ngang dưới chân cầu. Do đó vào mỗi buổi sáng, dòng xe bị chặn đứng tại giao lộ này và kéo dài lên đến giữa cầu.
Buổi chiều, đường Dương Bá Trạc (Q.8) cũng thường xuyên bị kẹt xe do những con đường nhỏ và hẻm cắt ngang tuyến đường này không có đèn tín hiệu dẫn đến cầu Nguyễn Văn Cừ.
Bà Nguyễn Thị Hiền (nhà ở Q.8) cho biết cầu Nguyễn Văn Cừ (Q.8 - Q.5) chỉ thông thoáng được mấy năm kể từ khi khánh thành. Còn bây giờ chiếc cầu này trở nên quá chật chội, ngày nào cũng xảy ra ùn ứ xe.
Sơ đồ một số cây cầu trên kênh Tàu Hủ và kênh Đôi thường xuyên kẹt xe - Đồ họa: Việt Anh
Chờ dự án
Quốc lộ 1 đi về miền Tây (huyện Bình Chánh) từ nhiều năm nay trở thành điểm ùn tắc giao thông nặng. Dù có dự án mở rộng đường, mở thêm đường nối thẳng vào đường dẫn đường cao tốc... nhưng đến nay vẫn im lìm và tuyến quốc lộ 1 vẫn “oằn mình” ngày ngày chịu cảnh quá tải.
Được đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương “chia lửa” nhưng ở quốc lộ 1, bắt đầu từ đoạn nút giao đường Võ Văn Kiệt - quốc lộ 1 đến giáp tỉnh Long An, mặt đường tại đây chỉ khoảng 9m nên cửa ngõ đi miền Tây luôn trong tình trạng chật ních xe cộ.
Ở khu vực này, dự án đại lộ Đông Tây vẫn chưa được kết nối vào đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Lúc đầu TP dự kiến đầu tư xây dựng công trình này, sau đó do thiếu vốn dự án được bàn giao về Bộ Giao thông vận tải.
Hiện Bộ Giao thông vận tải vẫn chưa bố trí vốn đầu tư dự án này do TP chưa triển khai công tác đền bù giải tỏa. Dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 50 đoạn từ Q.8, huyện Bình Chánh đến giáp ranh tỉnh Long An nhằm giảm áp lực giao thông cho tuyến quốc lộ 1 cũng thiếu vốn và chậm triển khai.
Ở cửa ngõ tây bắc TP.HCM, đường Trường Chinh (Q.Tân Bình) đang bị quá tải từ nhiều năm nay. Đều đặn sáng từ 6g30 đến gần 8g hằng ngày, tuyến đường này ken đặc các phương tiện hướng vào trung tâm TP.
Đi từ cầu Tham Lương đến nút giao thông Lăng Cha Cả và đến ngã tư Bảy Hiền có khi phải mất hàng giờ đồng hồ. Mới đây, Khu quản lý giao thông đô thị số 1 vừa kiến nghị Sở GTVT TP.HCM bố trí 12,5 tỉ đồng để cải tạo mặt đường Trường Chinh, đoạn từ Xuân Hồng đến Cộng Hòa (Q.Tân Bình) để sửa chữa, nâng cấp một số đoạn đường ở cửa ngõ này.
Tuy nhiên, theo nhiều người dân trên tuyến đường này, chỉ có những dự án lớn, mở rộng mặt đường hoặc làm đường trên cao mới giải quyết được tình trạng kẹt xe ở cửa ngõ này.
Hiện nay, tại cửa ngõ phía tây bắc TP từ quốc lộ 22 vào trung tâm TP có hai điểm ùn tắc giao thông nặng nề. Một là nút giao thông An Sương là điểm giao giữa quốc lộ 1 với quốc lộ 22 và đường Trường Chinh. Sở GTVT đã nhiều lần điều chỉnh phân luồng giao thông ở nút giao này nhưng cũng chỉ cải thiện một phần.
Để giải quyết ùn tắc giao thông tại đây, Khu quản lý giao thông đô thị số 3 lập dự án đầu tư xây dựng hai hầm chui dưới cầu vượt An Sương theo hướng Trường Chinh - quốc lộ 22. Đến nay, do thiếu vốn nên dự án này chưa được triển khai. Hai là nút giao thông Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý.
Tại khu vực này, đường Trường Chinh đoạn từ Cộng Hòa đến Quốc lộ 1 rộng 60m cho 10 làn xe lưu thông nhưng đường Trường Chinh bị “thắt cổ chai” đoạn từ Cộng Hòa đến Âu Cơ chỉ còn bốn làn xe.
Khu quản lý giao thông đô thị số 1 đã lập dự án đầu tư mở rộng nút giao thông này, nhưng dự án đình trệ hơn bốn năm nay vì chưa có vốn đầu tư.
“Điểm đen”
Nhiều người dân ở Q.8 còn bức xúc việc xây dựng cầu Nhị Thiên Đường 2 nhưng không xây mới cầu Nhị Thiên Đường 1 đã xuống cấp. Từ nhiều năm nay, cơ quan chức năng phải “xẻ” một phần ba cầu Nhị Thiên Đường 2 dành cho ôtô có tải trọng lớn lưu thông, cầu cũ chỉ cho ôtô nhỏ. Việc này dẫn đến kẹt xe luôn xảy ra ở cầu Nhị Thiên Đường 2.
Trong các cây cầu nối từ vùng Nam Sài Gòn vào trung tâm TP, cầu Kênh Tẻ là cây cầu xảy ra tình trạng kẹt xe dữ dội nhất do mặt cầu hẹp. Hầu như buổi sáng nào cũng bị kẹt xe từ 6g30 đến khoảng 8g.
Ngoài ra, lượng ôtô từ khu dân cư Trung Sơn (Bình Chánh) đổ vào khu trung tâm đông cũng là nguyên nhân gây kẹt xe tại cây cầu này.
Riêng cầu Khánh Hội là cây cầu nằm phía đầu kênh Bến Nghé, nối Q.1 và Q.4. Cây cầu khá rộng và có lối đi dành cho người đi bộ nên rất ít khi xảy ra kẹt xe trên cầu. Thế nhưng, đường Nguyễn Tất Thành - đường dẫn lên cầu phía Q.4 - lại chưa được nâng cấp, khiến đoạn đường dài khoảng 2km này lại trở thành “điểm đen”.
Điệp khúc thiếu vốn
Trả lời về áp lực giao thông đang gia tăng từ hướng Nam Sài Gòn vào trung tâm TP, ông Lê Quyết Thắng - giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1 - cho biết trong quy hoạch giao thông TP đã có các dự án xây dựng cầu Kênh Tẻ 2, cầu Nhị Thiên Đường 1 và cầu Ông Lãnh 2. Thế nhưng vấn đề chính là thiếu kinh phí đầu tư xây dựng các cầu này.
Tương tự, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP cho biết đang nghiên cứu xây dựng cầu Kênh Tẻ 2 để giảm áp lực giao thông ở cầu Kênh Tẻ hiện hữu. Sở cũng đang tính toán dự án mở rộng trục đường Bắc Nam đoạn từ đường Hoàng Diệu đến đường Nguyễn Văn Linh nhưng nguồn vốn ngân sách còn hạn chế nên chưa thể đầu tư xây dựng.
Cuối tháng 9-2010, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo UBND Q.8 tập trung phối hợp với các sở, ngành và đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai, khởi công dự án xây cầu Bình Tiên vào tháng 10-2010.
Dự án cầu đường Bình Tiên có tổng chiều dài 3,2km gồm điểm đầu tuyến là nút giao thông đường Bình Tiên và Phạm Văn Chí (Q.6), điểm cuối tuyến là đại lộ Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh). Thế nhưng, suốt hơn bốn năm qua dự án này vẫn nằm trên giấy.
Quốc lộ 13 - cửa ngõ phía đông TP.HCM - cũng thường xuyên xảy ra các vụ ùn ứ xe kéo dài hàng chục phút. Cửa ngõ này là tuyến đường chính vào bến xe Miền Đông và bị đường sắt Bắc - Nam cắt ngang nên các vụ ùn ứ xảy ra vào nhiều thời điểm trong ngày.
Đến nay công trình nâng cấp và mở rộng quốc lộ 13 (cửa ngõ nối TP.HCM với tỉnh Bình Dương) - một thành phần của dự án nâng cấp và mở rộng cầu Bình Triệu 2 kéo dài đến 10 năm mà chưa triển khai được.
Theo Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) - đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án, nguyên nhân chính là kinh phí đền bù giải tỏa của dự án quá lớn, lên đến hơn 5.000 tỉ đồng. CII phải chia dự án ra làm nhiều tiểu dự án để từng bước đầu tư xây dựng mở rộng quốc lộ 13.
 
NGỌC ẨN - MẬU TRƯỜNG
 
 

Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

Hình ảnh loạn đả tại Chung kết Phi tiêu thế giới 2015

Trong lúc trận chung kết Giải Phi tiêu vô địch thế giới 2015 tại Melbourne (Úc) giữa Michael van Gerwen (Hà Lan) và Simon Whitlock (Úc) đang diễn ra, các CĐV đã mất bình tĩnh và có hành động phi thể thao.


Sự cố bắt đầu khi Michael van Gerwen đang vượt lên dẫn trước với tỷ số 8-4 và một số CĐV quá khích đã la hét ầm ĩ và lấy ghế nhựa ném vào các CĐV khác.

Ngay sau đó là sự hỗn loạn nhưng do CĐV quá đông nên lực lượng an ninh không thể vãn hồi trật tự và phải đến khi có sự can thiệp của cảnh sát chống bạo động, tình trạng này mới chấm dứt.
Chung cuộc, Michael van Gerwen thắng  với tỷ số  9-8 và đăng quang ngôi vô địch.

Lúc yên ả ban đầu 

Và tan hoang sau loạn đả

Nhà vô địch phi tiêu 2015 Michael van Gerwen
 
 
 

Thứ Ba, 13 tháng 1, 2015

ĐẰNG SAU HIỆN TƯỢNG PHI CÔNG VIETNAM AIRLINES "LÂM BỆNH" HÀNG LOẠT


VietnamPlus

Thời gian qua, hàng loạt phi công của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã viết đơn xin nghỉ ốm khiến hoạt động bay của hãng bị xáo trộn.
Nguyên nhân được đưa ra là do mức lương quá thấp nên có thể các phi công muốn chuyển việc sang các hãng hàng không khác. Do đó, Vietnam Airlines đã phải có Nghị quyết đồng thời kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải không chấp thuận việc lôi kéo chuyển dịch lao động giữa các hãng hàng không Việt Nam từ nay đến năm 2020.


Hiện tượng lãn công tập thể
Chiều 12/1, Vietnam Airlines đã tổ chức họp báo thông tin về việc hàng loạt phi công của hãng nộp đơn xin nghỉ việc.
Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết: “Từ ngày 30/12/2014 đến 4/1/2015 đã có đến 117 lượt phi công báo ốm, 90% số đó nằm ở các đội bay tàu bay Airbus, trong đó chỉ có 10 trường hợp có giấy chứng nhận của cơ quan y tế. Số lượng này gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Vietnam Airlines coi đây là sự việc nghiêm trọng và là hiện tượng bất thường.

Đánh giá về thực trạng phi công nghỉ ốm trên, ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vietnam Airlines khẳng định, đây là hiện tượng lãn công tập thể thông qua lý do báo ốm có sự chuẩn bị trước, đã ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tổng công ty.
“Các phi công này có thể muốn chuyển việc sang các hãng hàng không khác. Việc này gây xáo trộn lịch bay và ảnh hưởng đến tư tưởng của đội ngũ phi công và uy hiếp an toàn khai thác máy bay. Nếu không có biện pháp xử lý kiên quyết, dứt điểm sẽ tiếp tục tái diễn trong dịp cao điểm phụ vụ Tết Âm lịch sắp tới”, ông Phạm Viết Thanh bày tỏ sự lo ngại.

Việc phi công đồng loạt báo ốm đã ảnh hưởng đến lịch bay của hãng. Cụ thể, trong dịp nghỉ Tết Dương lịch, có ngày Vietnam Airlines đã phải huy động 90% lực lượng khai thác dự bị, có ngày có đến 7-8 chuyến phi công báo ốm.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Ngọc Minh, hãng có phương án dự bị tuân thủ nghiêm ngặt quy chuẩn an toàn an ninh nên không xảy ra hiện tượng thiếu tàu bay, thiếu phi công.


Lương phi công tăng theo lộ trình
Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến việc số lượng phi công nộp đơn xin chấm dứt hợp đồng, một số phi công thuộc Đoàn bay 919 cho rằng, mức lương hiện tại của Vietnam Airlines là quá thấp so với các hàng hàng không khác và thấp hơn nhiều so với phi công nước ngoài được Vietnam Airlines thuê.
Theo công bố của Vietnam Airlines trước khi thực hiện IPO, mức lương trung bình dành cho phi công trong năm 2013 là 74,8 triệu đồng/tháng, vị trí tiếp viên là 18,7 triệu đồng/tháng.

Hàng loạt phi công của Vietnam Airlines báo ốm, nộp đơn xin chấm dứt hợp đồng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) 
  © Việt Hùng/Vietnam+ Hàng loạt phi công của Vietnam Airlines báo ốm, nộp đơn xin chấm dứt hợp đồng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Trước thông tin lực lượng lao động kỹ thuật cao muốn ra đi vì lý do thu nhập, ông Nguyễn Bùi Lâm, Phó Ban Tổ chức và Phát triển nguồn nhân lực Vietnam Airlines cho biết: “Việc cải tiến thu nhập của lực lượng phi công đã được thực hiện theo đúng lộ trình, đến cuối năm 2015 sẽ tương đương 75-80% so với phi công nước ngoài ở chức danh tương tự.”
Cụ thể, đến tháng 7/2015 thu nhập của cơ trưởng B777-A330 (bao gồm cả lưu trú) là 117 triệu đồng/tháng, đối với chức danh giáo viên là 217 triệu đồng/tháng. Chức danh tương ứng đối với loại tàu bay A321 là 158 triệu đồng/tháng và 198 triệu đồng/tháng.
Trước câu hỏi về việc nghi vấn hãng hàng không nội địa nào có liên quan đến hiện tượng bất thường kể trên, ông Phạm Ngọc Minh khẳng định: “Chúng tôi không bao giờ nghĩ chuyện vừa rồi là do Vietjet Air. Chúng tôi không đặt hãng hàng không cụ thể nào lên bàn nghị sự. Chúng tôi chỉ quan tâm đến lực lượng lao động, các anh chị em trong Tổng Công ty đang lao động hết mình.”


Can thiệp sâu vào chính sách?

Khách hàng mua vé tại đại lý vé máy bay của Vietnam Airlines. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN) 
  © Huy Hùng/TTXVN Khách hàng mua vé tại đại lý vé máy bay của Vietnam Airlines. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
"Cơn khát nhân sự" trong ngành hàng không diễn ra thời gian gần đây chủ yếu do tốc độ tăng trưởng nhanh của hàng không tư nhân đã dẫn tới hiện tượng chảy máu chất xám trong ngành hàng không.
Để hạn chế thực tế này, ngày 6/1/2015 vừa qua, Hội đồng thành viên Vietnam Airlines đã ra Nghị quyết sẽ xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm, lôi kéo nhân viên sang hãng hàng không khác.
Hãng cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải không chấp thuận việc lôi kéo chuyển dịch lao động giữa các hãng hàng không Việt Nam từ nay đến năm 2020; kiến nghị Cục Hàng không Việt Nam không cấp bằng, chứng chỉ với các phi công, kỹ sư máy bay của các hãng hàng không trong nước tự ý nghỉ việc chuyển nơi khác đồng thời xem xét việc các hãng hàng không nội địa chỉ được mở rộng quy mô phát triển đội bay và được cấp phép khai thác khi đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực (phi công, kỹ sư máy bay, điều hành khai thác bay, tiếp viên).

Đến ngày 7/1, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cũng đã có Chỉ thị về quản lý, đảm bảo nguồn nhân lực tại Vietnam Airlines. Bộ trưởng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam tạm thời chưa chấp nhận việc chuyển đổi nhà khai thác đối với các lao động kỹ thuật cao của Vietnam Airlines.

Dưới góc độ của chuyên gia kinh tế, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, trong trường hợp này, Bộ Giao thông Vận tải đã can thiệp sâu vào chính sách với ý tạo bất lợi cho các đối thủ của Vietnam Airlines trong quá trình thị trường đang phân bổ lại nguồn nhân lực.

“Toàn bộ các chính sách này chỉ nên thuộc nội bộ các doanh nghiệp, không nên có sự can thiệp của Bộ chủ quản. Một chính sách đơn giản là Vietnam Airlines phải tăng phúc lợi cho công nhân, cán bộ của mình để giữ họ ở lại. Đó chính là đặc điểm bình thường trong thị trường khi cầu về lao động tăng lên do có nhiều hãng mới gia nhập ngành, phúc lợi lao động tăng nhờ cạnh tranh,” ông Thành nói.

Cũng theo chuyên gia này, thực trạng này đã bộc lộ một thực tế, trước đây vì độc quyền, Vietnam Airlines có quyền đặt giá lao động kỹ thuật dưới mức thị trường và bây giờ đang muốn níu kéo quyền lợi đó bằng các phương tiện hành chính./.
  
http://www.msn.com/vi-vn/news/other/%C4%91%E1%BA%B1ng-sau-hi%E1%BB%87n-t%C6%B0%E1%BB%A3ng-phi-c%C3%B4ng-vietnam-airlines-l%C3%A2m-b%E1%BB%87nh-h%C3%A0ng-lo%E1%BA%A1t/ar-AA84Ic8