Dubai từ lâu đã mang danh là một thành phố xa xỉ. Nếu như đầu năm rồi, cảnh sát giao thông được trang bị Google Glass để phát hiện hành vi trái phép khi tham gia giao thông, thì năm nay, lính cứu hỏa tại đây sẽ được trang bị túi phản lực (jetpack) - đồ chơi thường xuất hiện trong những sản phẩm dính mác Hollywood, ví dụ như 'Thunderball' (phim Bond 4) hay gần nhất là trong 'Kingsman: The Secret Service' và 'Tomorrowland'.


Cụ thể, lực lượng Dân Phòng Dubai (Dubai Civil Defense) vừa ký một hợp đồng với công ty quân sự Martin Aircraft (trụ sở tại New Zealand) để mua 20 jetpack, kèm theo máy móc giả lập và dụng cụ huấn luyện. Mặc dù hai bên không tiết lộ những con số cụ thể, nhiều người dễ đoán ra hợp đồng có giá trị không dưới hàng triệu đô-la. Theo báo giá trên catalogue, mỗi jetpack được bán ở mức 250.000 USD. Con số này có khiến nhiều người người mất hồn nhưng không quá bất ngờ với một chính quyền mà họ sẵn sàng chi 1,5 tỷ USD để trang bị Bugatti Veyron cho cảnh sát tuần tra.

Trung tá Ali Hassan Almutawa - thuộc Ban điều hành Dân Phòng Dubai - phát biểu: "Chúng tôi kỳ vọng các jetpack nằm trong lực lượng ứng biến trước tiên trong các tình huống khẩn cấp. Thi thoảng, chúng tôi gặp khó khăn để leo lên các cao ốc (trong các vụ hỏa hoạn). Thiết bị bay này có thể len lỏi vào những không gian hạn chế. Chúng tôi dự định tích hợp thêm camera dò nhiệt vào đó". Theo tuyên bố mới nhất từ Tổng cục dân phòng Dubai, lính cứu hỏa được trang bị jetpack sẽ là người xác định tầng nào (trên cao ốc) bị cháy, sau đó đưa ra quyết định nên xử lý ra sao.


Trở lại với jetpack, thiết bị này gồm 1 động cơ 2 thì V4 dung tích 2 lít cho công suất 200 mã lực. Jetpack có thể đạt vận tốc 45mph (tương đương 75km/h), lên đến độ cao 3.000ft (tương đương 1.000m) và vận hành tối đa trong khoảng 45 phút. Xin phép nói thêm, tòa nhà cao nhất Dubai - Burj Khalifa - chỉ cao 828m.

Bộ khung cũng như các linh kiện của jetpack được in 3D từ sợi carbon. Thiết bị chịu được sức nặng 120kg. Do đó, lính cứu hỏa hay bất cứ ai bay trên jetpack có thể mang thêm hộp dụng cụ y tế hỗ trợ. Ngoài ra, jetpack được gắn thêm một chiếc dù phòng trường hợp bay nửa đường bị... đứt gánh.

Đại diện phía Martin Aircraft, CEO Peter Coker tuyên bố rằng công ty đang phát triển mẫu mã tương tự nhưng không cần người lái và có thời lượng vận hành lâu hơn. Tại quê hương New Zealand, Cơ quan Hàng không Dân dụng (CAA) xếp jetpack vào hạng mục 'vật thể bay hạng nhẹ'. Tuy nhiên, các nhà sáng chế đang bàn bạc với chính quyền để xếp thiết bị của họ vào một hạng mục mới bởi jetpack có cách điều hướng (qua hệ thống quạt và đường ống) giống với máy bay trực thăng hơn là các vật thể bay dựa trên cơ thế phản lực.




Theo engadget