Ngày 3: Đà Lạt - Lang Biang - TP.HCM

Đà Lạt muôn đời vẫn vậy, vẫn lạnh, vẫn buồn, vẫn thông reo vi vu, vẫn đẹp một cách tinh tế. Và ở Đà Lạt vẫn có nhiều nơi chúng ta vẫn muốn đi ngắm nghía dù cho đã lên bao nhiêu lần.


Ga Đà Lạt

Ngoài hoa ra thì Đà Lạt vẫn còn rất nhiều những công trình kiến trúc cho du khách tham quan nhìn ngắm. Sáng nay tỉnh dậy trong bầu trời trong xanh, bắt xe chạy vội ra chợ Đà Lạt, mua vài ký hồng, vài ký khoai lang, như những thứ đặc sản quen thuộc về làm quà. Rồi tiếp tục cùng cả đoàn thăm thú thành phố trong sương.

Theo lịch trình, cả đoàn sẽ đi đến Ga Đà Lạt và đi tàu ở đây để biết được đi tàu ở trên đỉnh cao này nó như thế nào. Nhưng liên hệ đặt vé thì phía bên nhà ga cho biết chuyến 9h50p mới còn vé, vậy là tranh thủ thời gian, cả đoàn ghé thăm chùa Tàu và thưởng thức món sữa chua đặc trưng của Đà Lạt, sữa chua phô mai.


chùa Tàu

Chùa Tàu hay còn có tên gọi là Thiên Vương Cổ Sát hay còn gọi là chùa Phật Trầm tọa lạc trên đồi Rồng, tại số 385 đường Khe Sanh, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 5 km về hướng Đông Bắc. Chùa được Hòa thượng Thọ Dã thuộc Hội quán Triều Châu xây dựng năm 1958 gồm 3 gian nhà bằng gỗ lợp tôn. Sau đó được trùng tu và xây dựng thêm những công trình mới. Chùa mang một phong cách riêng bởi chùa nằm trong không gian vô cùng rộng rãi, thoáng mát, nằm trên một ngọn đồi cao, tách biệt với thành phố Đà Lạt ồn ào.


Cổng vào chùa


bên trong





Chùa trên đồi thông

Ngay dưới chân chùa Tàu là một dãy những nhà dân có cái “bàn xoay kỳ lạ”, nghe chủ nhà giới thiệu là chỉ cần nhiều người đặt tay lên nó sẽ xoay, xoay ngày càng nhanh. Cơ mà đương nhiên là mình chẳng tin, đặt tay lên chẳng thấy nó xoay gì cả, trừ khi có thằng bên cạnh cũng đẩy tay cho nó xoay. Với lại nếu là bàn xoay kỳ lạ thì nó phải có 1 – 2 cái thôi, đằng này nhà nào cũng có một cái cho khách du lịch chơi.

Bên cạnh cái bàn xoay, mỗi nhà đều có bán món sữa chua đặc sản ở Đà Lạt, sữa chua khá giống với loại bình thường mình hay ăn nhưng được cho thêm phô mai. Được làm một cách đặc biệt với lượng phô mai thích hợp, ăn vào có mùi thơm hơn, béo hơn, mềm hơn, ngậm vào một cái là tan trên đầu lưỡi, ngọt ngọt, chua chua, béo béo, lạnh lạnh, ăn rất thích.




Sữa chua phô mai


Rời chùa Tàu, cả đoàn tranh thủ về Ga Đà Lạt để trong bị trễ giờ tàu chạy. Ngày chủ nhật nhưng Đà Lạt cũng không đông đúc lắm, vẫn yên ả chầm chậm trôi. Đà Lạt được mệnh danh là thành phố 3 không, không đèn xanh đèn đỏ, người giao thông gặp ngã tư là tự tránh nhau, không có xe xích lô và không có máy lạnh (thực ra giờ thì một số nơi cũng đã lắp máy lạnh rồi nhưng còn rất ít).

Ga Đà Lạt được xem là nhà ga cổ kính nhất Việt Nam và Đông Dương. Nhà ga được người Pháp xây dựng từ năm 1932 đến 1938 thì hoàn thành, là nhà ga đầu mối trên tuyến Đường sắt Phan Rang-Đà Lạt dài 84 km. Nhà ga có phong cách kiến trúc độc đáo, có ba mái hình chóp, là cách điệu ba đỉnh núi Langbiang hoặc nhà rông Tây Nguyên.


Nhà chờ bên trong ga


đầu kéo

Sau khi người Pháp rời Việt Nam, việc chạy tàu từ Đà Lạt đi Tháp Chàm vẫn được duy trì. Đến thời Mỹ chiếm đóng, tuyến đường sắt này chủ yếu phục vụ việc vận chuyển thiết bị cho chiến tranh nên đã bị quân giải phóng cắt đứt và nhà ga này ngừng hoạt động năm 1972. Có 3 tuyến đường được khai thác lúc bấy giờ là: Tháp Chàm - Đà Lạt - Nha Trang; Tháp Chàm - Đà Lạt; Sài Gòn - Tháp Chàm - Đà Lạt đều đều lăn bánh. Đến năm 1972, khi chiến tranh trở nên ác liệt, tuyến đường sắt này buộc phải ngưng hoạt động. Sau giải phóng, tuyến đường sắt này được khôi phục và chính thức kéo còi vào ngày 19-5-1975.

Để có thể chạy tàu hỏa ở vùng cao, tuyến đường sắt này có đầu kéo và đường ray khá đặc biệt, đường ray và đầu máy răng cưa. Lúc bấy giờ, đường ray răng cưa và đầu máy răng cưa được xem là độc đáo nhất thế giới. Đường sắt có 3 đường ray, một nằm giữa được thiết kế có răng cưa để tàu có thể leo dốc an toàn. Vì phải lên Đèo Ngoạn Mục để có thể lên thành phố Đà Lạt. Tuyến đường sắt phải xây dựng qua nhiều hầm chui, phía sau phải có đầu tàu đẩy. Các kiến trúc sư đã xây dựng đường ray ròng rã suốt 10 năm và phải tốn chi phí cao gấp 2, 3 lần bình thường.


2 khách xinh xinh

Đường sắt răng cưa là kiểu đường sắt chỉ có ở Đà Lạt và Thuỵ Sĩ. Đầu máy hơi nước nhập từ Thuỵ sĩ do hãng Fuca sản xuất. Loại đầu máy này hoạt động trên cả đường răng cưa và đường sắt thường duy nhất còn lại trên thế giới. Nhưng chiếc đầu máy đặc biệt này đã được chính hãng Fuca mua lại. Việt Nam đã bán mất một di sản, một chứng nhân lịch sử của tuyến đường sắt Phan Rang – Đà Lạt, hiện nay, cũng không còn vết tích của những đoạn đường sắt răng cưa.

Đoàn Caravan sẽ ngồi tàu ở Ga Đà Lạt đi đến Trại Mát, đây là đường sắt thường và đầu kéo cũng là loại được chuyển từ Bắc vào, tuyến này dài 7 km. Đây là tuyến đường sắt duy nhất còn hoạt động ở Đà Lạt và thu hút khá đông khách du lịch. Sau khi đến Trại Mát, du khách có thể đến thăm chùa Linh Phước, một trong những chùa lớn và đẹp ở Đà Lạt.


Chụp nhanh một đôi bạn trẻ


Đi qua những vùng trồng rau




Đến ga Trại Mát

Cảm giác ngồi ở tàu Đà Lạt cũng khác, đoàn tàu chỉ có 3 toa, ngồi dọc thành 2 băng ghế đối diện nhau. Tàu chạy xuyên qua những vùng trồng rau với nhà lồng đặc trưng của Đà Lạt. Chạy khoảng 10 - 15 phút là đến ngay ga Trại Mát. Từ đây đi bộ khoảng 1 km là đến chùa Linh Phước. Dạo một vòng về lại là kịp giờ tàu quay về lại ga Đà Lạt.

Chùa Linh Phước cách trung tâm thành phố Đà Lạt 8 km, trên quốc lộ 20. Chùa còn được gọi là Chùa Ve Chai vì trong sân chùa có con rồng dài 49 m được làm bằng 12.000 vỏ chai bia. Chùa Linh Phước là một công trình kiến trúc khảm sành đặc sắc của thành phố Đà Lạt. Ngoài ra, ngay bên cạnh chùa cũng có khu làm đồ mỹ nghệ, điêu khắc, nhà trưng bày đá quý, sành sứ cổ …


Chùa Linh Phước


Con rồng vỏ bia




Khu điêu khắc


Kỷ lục cây hóa thạch


Đồ mỹ nghệ


Đương nhiên giá không rẻ



Lên Đà Lạt phải thử bánh tráng nướng

Đương nhiên không phải của hot girl bán


bên trong chùa


Cả đoàn sau khi tham quan chùa Linh Phước thì được anh trưởng đoàn thông báo là đã liên lạc được với ban quản lý khu du lịch Lang Biang và được cho phép chạy thẳng xe lên Lang Biang. Trước đó thì do buổi sáng trời có mưa trên đỉnh núi nên ban quản lý là từ chối cho đoàn lên, đây là một tin vui nên ai cũng vui mừng hồ hởi.

Tranh thủ ăn trưa nhanh tại một quán ăn ở trung tâm thành phố Đà Lạt. Cả đoàn lại nối đuôi nhau để lên Lang Biang. Lần này, đoàn caravan sẽ leo đỉnh đồi radar (đồi thông tin), đây là đỉnh thấp nhất trong 3 đỉnh của Lang Biang, cao 1.929 m. Tuy vậy, đường lên đỉnh lại có những đoạn khá dốc và việc đi xe theo đoàn cùng với việc tránh xe “u-oát” của khu du lịch chạy rất nhanh ngược hướng cũng gây ít nhiều khó khăn.


chân núi Lang Biang


đường lên đỉnh

Thông thường, với khách du lịch, nếu muốn lên đỉnh Lang Biang có 2 cách. Một là đi bằng xe của khu du lịch, phải mua vé để được chở lên. Cách thứ 2 là đi bộ lên, mất thời gian khoảng 1 – 2 giờ để đi bộ, đoạn đường đi lên cũng chỉ khoảng 7 km. Lần này, đoàn caravan được đặc cách chạy thẳng xe lên tận đỉnh đồi luôn.

Đứng trên đồi cao, nhìn thẳng xuống dưới có cảm giác rất sướng. Hôm đoàn lên trời mây mù nhiều và có nhiều mây đen, bầu trời không được đẹp lắm nhưng cũng đủ khiến cho ai ai cũng phải say mê nhìn ngắm. Ai chụp hình thì chụp hình, ai tụ tập thì tụ tập. Vài xiên thịt nướng, mấy cây xúc xích, vài lon bia mát lạnh, ngồi hóng gió thổi vù vù và uống từng ngụm bia khiến cho tinh thần thật sảng khoái.


Cảnh nhìn từ trên đỉnh








dô thật nhiệt tình




Làm tấm lưu niệm


Xuống núi



2 giờ chiều, đoàn bắt đầu xuống núi để quay về lại Sài Gòn. Tuy nhiên, trong quá trình xuống núi đã có xe gặp trục trặc. Do đỗ đèo dùng phanh quá nhiều khiến cho dầu phanh sôi lên, thay đổi tính chất khiến phanh mất hiệu lực, không dùng được nữa. Cả đoàn phải kè theo xe về đến Bảo Lộc, vô một ga ra đã liên hệ trước gần đó để sửa xe. Đây chính là lợi thế khi đi theo đoàn, nếu có hỏng hóc gì, cả đoàn sẽ giúp đỡ và cùng nhau chờ đợi để đi tiếp.

Khi bắt đầu xuống đéo là từng hạt mưa lại rơi xuống ngày càng nặng hạt trên những tán thông, trời sụp tối rất nhanh, từng chiếc xe lại lên đèn sáng cả một đoạn đèo trong đêm. Cứ thế, từ từ lăn bánh về đến Sài Gòn đã gần 12 giờ đêm, kết thúc một chuyến caravan cực kỳ nhiều trải nghiệm và nhiều niềm vui khó tả. Mỗi người lại quay về với cuộc sống thường nhật của mình và đau đáu về những chuyến caravan quyến rũ tiếp theo.