Thứ Tư, 10 tháng 6, 2015

PHÁT HIỆN CÁC ỐNG PLASMA KHỔNG LỒ TRONG TẦNG KHÍ QUYỂN TRÁI ĐẤT

plasmatubes.
Plasma được xem là trạng thái thứ 4 của vật chất ngoài các trạng thái khác là rắn, lỏng và khí. Mặc dù 99% vật chất thấy được trong vũ trụ tồn tại dưới dạng plasma nhưng nó lại không phổ biến trên Trái Đất. Tuy nhiên, mới đây Cleo Loi - một sinh viên của trường đại học Sydney - đã lần đầu tiên phát hiện thấy sự tồn tại của một loạt các ống plasma khổng lồ với kích thước khoảng 10-50 km chiều rộng và từ vài trăm cho tới vài nghìn km chiều dài, bắt đầu ở vị trí cách mặt đất khoảng 600 km ở tầng điện ly trên (ionosphere) của khí quyển rồi trải dài lên tầng plasma (plasmasphere). Không chỉ thế, cô còn tạo ra một đoạn phim trình diễn chuyển động của các ống plasma này theo thời gian thực.

Được cho là nguyên nhân gây nên giao thoa sóng vô tuyến trong không gian, các ống plasma này có thể làm nhiễu hệ thống định vị vệ tinh cũng như các quan sát thiên văn khi sử dụng kính thiên văn vô tuyến. Do vậy, việc có thêm những hiểu biết cụ thể về chúng như trong nghiên cứu này sẽ giúp các nhà khoa học có thể tìm ra các biện pháp phòng ngừa và xử lý một cách hiệu quả.

Thực ra thì sự tồn tại của các cấu trúc plasma trong vùng khí quyển này đã được dự đoán từ hơn 60 năm trước. Theo giải thích của các nhà khoa học, tầng trong cùng của quyển từ là tầng điện ly, và tầng ngay trên đó là tầng plasma. Chính trong vùng từ trường này, dưới tác động của gió Mặt Trời thổi liên tục, các nguyên tử bị ion hóa, từ đó tạo ra các ống plasma và các vạt lớn electron tự do trong bầu trời. Tuy về lý thuyết là thế nhưng trước nghiên cứu của Cleo Loi, chưa ai có thể khẳng định được sự tồn tại của các cấu trúc plasma này. Ngoài ra, cô còn có thể xác định được hình dạng, sơ đồ hóa và thực hiện các phép đo chi tiết về chúng.

Để có thể quan sát được các cấu trúc này, Loi và đồng nghiệp đã sử dụng kính thiên văn vô tuyến Murchison Widefield Array (MWA) đặt tại sa mạc Western Australia. Tuy nhiên, cách mà cô dùng nó thì không bình thường chút nào. Cụ thể, thiết bị quan sát gồm 128 ăng ten với diện tích 7km vuông này được chia thành hai khu vực nhận tín hiệu riêng rẽ. Theo cách này cô đã biến kính thiên văn thành “một cặp mắt” giúp họ quan sát hiệu quả hơn bản chất 3D của các cấu trúc và sự di chuyển của nó. Đặc biệt, khi kết hợp với phép tam giác đạc (triangulation) họ có thể xây dựng một bản đồ động học 3 chiều của các ống plasma trên một diện tích rộng lớn. “Chúng tôi đã thấy những vân nổi bật trên bầu trời nơi mà những ống plasma mật độ cao đan xen với các ống plasma mật độ thấp. Vân này trôi từ từ và thẳng hàng một cách đẹp đẽ với các đường sức từ của trái đất, giống như các cực quang vậy” Loi cho biết.

Tuy nhiên, kết quả này lại được xem là “quá đẹp để có thể tin” nên rất nhiều đồng nghiệp và những người hướng dẫn cấp cao đã nghi ngờ rằng quá trình quan sát có sai sót gì đó, và nhận định của Loi là quá vội vàng và thiếu căn cứ. Cũng may là với những bằng chứng xác thực trong tay, Loi đã thành công trong việc thuyết phục cộng đồng khoa học về kết quả nghiên cứu của mình. Công trình này hiện đã được bình duyệt và đăng trên tạp chí khoa học về địa vật lý Geophysical Research Letters.

Được biết, vừa qua Loi đã được nhận nhận giải thưởng Bok 2015 do Hiệp Hội Thiên Văn Australia (Astronomical Society of Australia) trao tặng cho nghiên cứu của mình.

Dưới đây là video mô phỏng hình ảnh của những ống plasma trong không gian 3D
 
 
 
Nguồn: Gizmag

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét