Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

Em ơi, Hà Nội Phố (Phú Quang – Phan Vũ)

Những ngày đầu tháng 12, trời Hà Nội trở lạnh. Chúng tôi có dịp lang thang trên những con phố Hà Nội. Những cảm xúc về một “Em ơi, Hà Nội phố” như ùa về. DongNhacXua.com xin giới thiệu đến người yêu nhạc xưa bài thơ nổi tiếng của Phan Vũ, cũng như bản phổ tuyệt vời của nhạc sỹ Phú Quang.
TÔI VIẾT BÀI THƠ “EM ƠI, HÀ NỘI PHỐ”
(Nguồn: nhà thơ Phan Vũ viết trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 04/10/2010)
TTCT – Ngày 25-9 tại Hà Nội, Em ơi, Hà Nội phố – sau “gần nửa thế kỷ ra đời nhưng vẫn chưa trở về Hà Nội” như lời tác giả, đã được nhà thơ Phan Vũ đọc lần đầu tiên trong đêm thơ tổ chức cho riêng ông ở Thư viện Hà Nội. TTCT giới thiệu bài viết của nhà thơ về cuộc hành trình gần 50 năm của Em ơi, Hà Nội phố và trích đăng một số khổ của bài thơ.
Nhà thơ Phan Vũ đọc Em ơi, Hà Nội phố trong đêm thơ của riêng ông vào tối 25-9 tại Thư viện Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Nhà thơ Phan Vũ đọc Em ơi, Hà Nội phố trong đêm thơ của riêng ông vào tối 25-9 tại Thư viện Hà Nội – Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Tôi viết Em ơi, Hà Nội phố từ năm 1972 nhưng trong một thời gian dài, vì những lý do riêng, bài thơ chưa đến với độc giả. Cho đến năm 2009, nguyên tác bài thơ mới in trong tập Thơ Phan Vũ. Ở Huế, tôi đã đọc bài thơ dưới ánh sáng của một ngọn nến, trong một căn nhà cổ cho một số bạn Huế yêu thơ. Ở Sài Gòn, tôi đã đọc tại quán Guitare Gỗ do nhạc sĩ Châu Đăng Khoa đệm đàn và viết một ca khúc phụ họa.
Như vậy là gần nửa thế kỷ bài thơ viết về Hà Nội, tại Hà Nội vẫn chưa trở về Hà Nội. Và tôi vẫn mong đợi một dịp được lần đầu đọc Em ơi, Hà Nội phố giữa thủ đô.
***
Tháng chạp năm 1972, khi B-52 của Mỹ bắn phá thủ đô với lời hăm he “đưa Hà Nội trở lại thời kỳ đồ đá!”, tôi khởi viết những câu đầu tiên: Em ơi, Hà Nội phố… Ta còn em, mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa… Điệp từ Ta còn em, ta còn em… được lặp lại trong từng đoạn của bài thơ. Có người nghĩ điệp từ này có ý nghĩa thách thức với lời hăm dọa của ông Nixon. Tôi không có ý đó, chỉ thấy lòng mình chùng xuống vì âu lo trước cảnh tượng đất đai Hà Nội bị bom đạn cày xới và máu người Hà Nội đổ trên phố phường nên đọc một câu “niệm chú” để tự trấn an. Ta còn em… là còn những hoài niệm yêu thương của tôi về Hà Nội mà đôi lần khi trong trạng thái cần nương tựa, an ủi, tôi lại tìm về.
Nhưng Em ơi, Hà Nội phố không phải là một lời thủ thỉ tự tình, đó là một tiếng kêu thương tha thiết… Tháng chạp bi tráng năm ấy, những sự việc hằng ngày đã khắc ghi những đường rãnh trong ký ức, giữ lại cho con người một nỗi nhớ xót xa, sâu đậm. Chỉ một đêm xuống phố Khâm Thiên sau trận bom, nghe tiếng than khóc của dân phố, nhìn những vành khăn tang trắng xóa trong đêm và ngửi mùi hương cúng đã hình thành ngay hoài niệm để một đời không thể nào quên.
Tôi cũng phải nói thêm điệp từ Ta còn em… còn có nghĩa “ta mất em…”. Đó là sự tiếc nuối về những gì “thật Hà Nội” không còn nữa! Không chỉ do chiến tranh mà có thể vì những sai lầm, những vô ý, vô tình của người đời, không ngoại trừ sự quên lãng của thời gian, đã gây ra những đổ vỡ không thể hàn gắn được. Chỉ cần mấy câu thơ của người xưa Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương… cũng làm chúng ta rung động huống hồ những xót đau, mất mát thuộc về tâm linh, một thứ để thờ phụng, khiến con người có thể thí mạng để bảo vệ, gìn giữ. Và tinh thần của người Hà Nội trong tháng chạp năm ấy đã chứng tỏ rõ ràng.
Tôi đã sống một mình trên căn gác suốt 12 ngày đêm khốc liệt của Hà Nội. Bao hoài niệm thật đẹp mà tôi đã có trong quãng thời gian được gọi là “chàng trai Hà Nội” đã trở về trên căn gác, tại một khu trắng triệt để sơ tán vì gần Nhà máy điện Yên Phụ, một mục tiêu oanh kích. Những hình ảnh, những ngôn từ dồn dập kéo đến, đan xen, chồng chéo, không theo một thứ tự thời gian, không gian.
Tôi như đang trong một giấc mơ giữa ban ngày với đôi mắt mở! Em ơi, Hà Nội phố với 25 khổ thơ đã ra đời trong khoảng cách những hồi còi hụ trên nóc Nhà hát Lớn, với giọng Hà Nội thật chuẩn của cô phát thanh viên báo tin những đợt B-52 vào thành phố. Tôi ghi lại một cách vội vàng, theo sự tình cờ, bất chợt, không xếp đặt. Tất nhiên, trong một quá trình dài dặc nửa thế kỷ, bài thơ không thể nằm yên trong ngăn kéo mà luôn cựa quậy, bắt tôi phải chỉnh sửa nhiều lần. Nhiều khi có vài ly rượu ngà ngà lại chợt nhớ, chợt thương một nỗi niềm, chợt tìm thấy một dáng, một hình, một con chữ cần thêm, cần bớt.
Tôi cũng thường bỏ công chép cả bài thơ dài dặc để tặng ai đó, nhưng khi khách ra về lại hí hoáy sửa lại vì trong lúc chép tặng chợt phát hiện một câu, một chữ chưa vừa ý. Do đó Em ơi, Hà Nội phố đã thành tam sao thất bản, đến mức tác giả cũng không sao phân biệt được!
Tranh Phan Vũ. Ảnh: tuoitre.vn
Tranh Phan Vũ. Ảnh: tuoitre.vn
Cho đến năm 1985, một lần gặp Phú Quang, một đoạn thơ đã được phổ nhạc. Khi ca khúc Em ơi, Hà Nội phố đã nổi tiếng với nhiều khen tặng, có người đến nói về giá trị phần ca từ của tôi, nhưng tôi vẫn nghĩ sự xứng đáng thuộc về Phú Quang với những giai điệu mượt mà, du dương quen thuộc của anh; cả về công lao của Phú Quang với ca khúc ấy đã giới thiệu một bài thơ còn lận đận, chưa ra đời! Mấy câu thơ của tôi, một tâm tư mang tính cá nhân, là nỗi đau thầm lặng, nỗi buồn da diết riêng mang không có tính cộng đồng.
Ngày ấy, có một nhà thơ lớn khi đọc bài thơ này đã thật lòng khuyên tôi không nên phổ biến vì có thể chuốc vạ vào thân. Tôi cũng mệt mỏi vì nhiều sự phiền hà văn chương của giai đoạn ấy nên cũng nghe lời bỏ xó.
***
Tôi hi vọng lần đọc đầu tiên bài thơ ở Hà Nội cũng là đọc bản chính thức cuối cùng của Em ơi, Hà Nội phố. Bởi với tuổi 85, hành trình đi qua trần gian, hay nói theo Trịnh Công Sơn là quãng đời “ở trọ trần gian” của tôi cũng đã quá dài so với bao nhiêu bè bạn. Giữa Hà Nội hôm nay bỗng nhiên tôi nghĩ đến những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ cùng đứng với tôi trong ban chấp hành đầu tiên của Chi hội Văn nghệ Nam bộ thành lập từ năm 1952 giữa rừng U Minh, như các anh Diệp Minh Châu, Hà Mậu Nhai, Đoàn Giỏi, Quách Vũ, Dương Tử Giang, Huỳnh Văn Gấm, Chi Lăng, Ngọc Cung, Trương Bỉnh Tòng…
Trong số đó, có người tập kết ra Hà Nội đã nằm lại trong lòng đất thủ đô, những người ở lại miền Nam bị bắt bớ, tù đày cũng đã qua đời. Các anh ấy chỉ biết Hà Nội trong tưởng tượng, càng không thể hình dung có một Hà Nội của thơ như hôm nay với người cuối cùng còn sót lại của ban chấp hành xa xưa trở về Hà Nội đọc thơ!
Tôi cũng nghĩ tới những người bạn đã kết thân khi tôi từ miền Nam trở về Hà Nội năm 1956, đó là các anh Tử Phác, Đặng Đình Hưng, Trần Dần, Lê Đạt, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Phùng Quán, Phùng Cung, Hoàng Cầm, Hữu Loan… tất cả các anh ấy đều có một số phận không may và đã lần lượt kéo nhau ra đi về “Bến lạ” (tên một tập thơ của Đặng Đình Hưng). Và tôi lại trở thành một trong những kẻ sống sót để thụ hưởng những gì mà đáng lẽ các anh ấy đều được hưởng!
Nhạc sĩ Phú Quang - Ảnh: Hoàng Điệp
Nhạc sĩ Phú Quang – Ảnh: Hoàng Điệp
“Những năm đầu tiên tôi mới vào Sài Gòn, một buổi ngồi nói chuyện với nhà thơ Phan Vũ ở sân Nhà văn hóa quận 3, được anh đọc cho nghe một bài thơ. Nghe xong tôi nói với anh rằng tôi cảm giác bài thơ này có thể phổ nhạc được nhưng lúc ấy chưa định là sẽ phổ ra sao. Ngay tối hôm đó tôi đã viết “Em ơi, Hà Nội phố” trong nỗi nhớ của những ngày xa Hà Nội. Viết xong, hát cho anh Phan Vũ nghe, anh bảo âm nhạc đã làm cho bài thơ lung linh lên.
Lần đầu tiên bài hát được lên sóng phát thanh là năm 1987 với giọng hát của ca sĩ Lệ Thu. Cũng rất lạ, trước đấy Lệ Thu hát khá nhiều bài hát của tôi trên sân khấu kịch, có một lần cô ấy nói: “Sao anh chẳng cho em hát bài nào trên đài nhỉ”. Tôi đưa bài hát ấy cho Thu, nó vừa vặn và hợp với giọng hát cô ấy đến độ tưởng như bài hát ấy tôi “đo ni đóng giày” cho Thu. Sau này có nhiều người hát hay và thành công ca khúc này nhưng khán giả nói không ai hát hay hơn Lệ Thu lần đầu tiên ấy.
Tuy nhiên, bài hát cũng có số phận khá đặc biệt, đó là suýt nữa thì không được phát hành, và khi Nhà xuất bản Dihavina phát hành lần đầu thì bài Em ơi, Hà Nội phố đứng khiêm tốn ở mặt B trong danh mục ca khúc. Nhưng thật may là khán giả đã ưu ái và bài hát vẫn được nhiều người biết đến. Hơn nữa, bài hát này cũng mang đến cho tôi giải thưởng đầu tiên trong đời về âm nhạc”.
NGUYÊN VĂN BÀI THƠ “EM ƠI, HÀ NỘI PHỐ” CỦA PHAN VŨ
Em ơi! Hà – Nội – phố…Ta còn em mùi hoàng lan
Ta còn em mùi hoa sữa.
Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya?
Cọt kẹt bước chân quen
Thang gác
Thời gian
Mòn thân gỗ
Ngôi sao lẻ lạc vào căn xép nhỏ…
Ta còn em chấm lửa
Xập xòe
Kỷ niệm…
Một con đường
Một ngôi nhà
Khuôn mặt ai
Dừng trong khung cửa…
Những phong thư bỏ quên trong hộc tủ
Không tên người,
Không tên phố.
Người gửi không tên.
Ta còn em chút vang động lặng im,
Âm âm tiếng gọi
Trong lòng phố…
Em ơi! Hà – Nội – phố…Ta còn em một gốc cây,
Một cột đèn
Ai đó chờ ai?
Tóc cắt ngang
Xõa xõa bờ vai,
Khung trời gió
Con đường như bỏ ngỏ…
Ta còn em khăn choàng màu tím đỏ
Thoáng qua
Khuôn mặt chưa quen
Bỗng xôn xao nỗi khổ
Mỗi góc phố một trang tình sử.
Em ơi! Hà – Nội – phố…
Ta còn em chuỗi cười vừa dứt
Chút nắng còn le lói vườn hoang,
Vàng ngọn cỏ.
Cô gái khẽ buông rèm cửa,
Anh chàng lệch mũ đi qua,
Lời tỏ tình đêm qua dang dở…
Ta còn em ngày vui cũ,
Tàn theo mùa hạ.
Tiếng ghita bập bùng tự sự,
Đêm kinh kỳ thuở ấy xanh lơ…
Em ơi! Hà – Nội – phố…Ta còn em vầng trăng nửa
Người phu xe đợi khách bến đầu ô.
Tiếng rao đêm lạc giọng
Ơ hờ…
Căn gác trọ đường vào bằng cửa sổ
Lão Mozart hàng xóm
Bảy nốt cù cưa.
Từng đêm quên giấc ngủ…
Ta còn em cây dương cầm
Trong khung nhà đổ
Lả tả trên thềm
Bettho và sonate Ánh Trăng.
Nốt nhạc thiên tài lẫn trong mảnh vỡ…
Cô gái áo đỏ Venise
Xa Hà Nội,
Vẽ clavecin,
Tập đàn
Trên phản gỗ…
Ta còn em, một đêm lộng lẫy,
Những tràng pháo tay vang dậy
Cô gái dương cầm đứng giữa rừng hoa,
Nước mắt lã chã trên tà áo đỏ
Rồi một ngày tả tơi,
Loạn gió
Vườn Ngọc Hà
Mất một mùa hoa.
Đường Quan Thánh
Bản giao hưởng ”Lặng Câm”
Trong một ngôi nhà…
Ta còn em một đam mê,
Một vật vã,
Một dang dở,
Một trống không,
Một kiếp người,
Những phím đàn long…
Em ơi! Hà – Nội – phố…
Ta còn em ráng đỏ chiều hôm.
Đôi chim khuyên gọi nhau trong bụi cỏ.
Đôi guốc bỏ quên bên ghế đá
Gã đầu trần thơ thẩn đường mưa…
Ta còn em một tên thật cũ
Cổ Ngư
Chiều phai nắng
Cành phượng vĩ la đà
Bông hoa muộn in hình ngọn lửa.
Chiếc lá rụng
Khỏi đầu nguồn gió
Lao xao sóng biếc Tây Hồ
Hoàng hôn xa đến tự bao giờ?
Những bước chân tìm nhau
Vội vội.
Cuộc tình hờ bỗng chốc nghiêm trang…
Em ơi! Hà – Nội – phố…Ta còn em ngọn gió Nghi Tàm
Thoáng mùi sen nở muộn.
Nhớ Nhật Tân
Mùa hoa năm ấy
Cánh đào phai.
Người dẫu ra đi vạn dặm dài.
Gió ngọn vẫn vương hương phố cũ…
Em ơi! Hà – Nội – phố…
Ta còn em cơn mưa rào qua nhanh
Ướt bậc thềm
Chiếc lá bàng đầu tiên nhuộm đỏ.
Cô gái vội sang đường
Chợt hồng đôi má.
Một chút xanh hơn
Trời Hà Nội
Hôm qua…
Ta còn em cô hàng hoa
Gánh mùa thu qua cổng chợ
Những chùm hoa tím
Ngát
Mùa thu…
Em ơi! Hà – Nội – phố…
Ta còn em con đê lộng gió
Dòng sông chảy mang hình phố.
Cô gái dựa lưng bên gốc me già
Ngọn đèn đường lặng thinh
Soi bờ đá…
Ta còn em mùa nước đổ
Mất tăm bãi Giữa
Dòng sông Hồng
Bè nứa xuôi nhanh,
Con tàu nhổ neo, về bến.
Hồi còi vọng
Như một tiếng than dài:
“Mùa này trăng vỡ trên sông”…
Ta còn em hàng cây khô,
Buồn như dãy phố.
Người bỏ xứ
Quay nhìn lần cuối
Đôi mắt nhòe với hạt sương tan
“Người đi, ừ nhỉ, người đi thực!”… (1)
Ly khách khẽ ngâm câu tống biệt
Đành đoạn một lần dứt áo xanh.
Em ơi! Hà – Nội – phố…
Ta còn em một Hàng Đào.
Không bán đào.
Một Hàng Bạc
Không còn thợ bạc.
Đường Trường Thi
Không chõng, không lều
Không ông nghè bái tổ vinh quy.
Ta còn em ngày đi
Một nỗi mang tên nhớ.
Ngày về phố cũ bỗng quên tên.
Quên bậc đá,
Quên mái hiên.
Quên cây táo trồng ngay trước cửa.
Thuở ấu thơ thỏa thích leo trèo…
Ngày về ra rả tiếng ve
Võng trưa hè kẽo kẹt
“À ơi! Tùng tùng trống đánh ngũ liên
Bước chân xuống thuyền
Nước mắt như mưa…”
Bài tập đọc
Quốc văn giáo khoa thư
Bà ru cháu ngủ
Người về sững sờ bên cánh cửa,
Tiếng ơi à…
Gợi lại mảnh đời quên.
Em ơi! Hà – Nội – phố…Ta còn em chiếc xe hoa
Qua hàng liễu rủ
Cánh tay trần trên gác cao
Mở cửa.
Mùa xuân trong khung
Đường phố dài
Chi chít chồi sinh
Màu ước vọng in hình xanh nõn lá
Giò phong lan.
Điệp vàng rực rỡ.
Những gót son dập dìu đại lộ
Bờ môi ai đậm đỏ bích đào?
Ta còn em tiếng trống tan trường.
Màu thanh thiên lẫn trong liễu rủ
Đêm hoa đăng tà áo nhung huyết dụ.
Đất nghìn năm còn mãi dáng kiêu sa.
Phường cũ lưu danh người đẹp lụa.
Bậc thềm nào in dấu hài hoa?
Em ơi! Hà – Nội – phố…
Ta còn em đường lượn mái cong
Ngôi chùa cổ
Năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương.
Ai còn ngồi bên gốc đại già?
Chợt quên vườn hồng đã ra hoa.
Chợt quên bên đường ai đứng đợi…
Cuộc đời có lẽ nào
Là một thoáng bâng quơ!

Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

Mai Thiên Vân, Ca Sĩ “ Hiền Như Ma Soeur”

• Triều Giang

Nước non, ngàn dặm ra đi

Nước non ngàn dặm ra đi

Dù đường thiên lý xa vời

Dù tình cô lũy chơi vơi

Cũng không dài bằng lòng thương mến người…

Giọng hát trong, ngọt ngào, nghiêm túc, thiết tha, truyền cảm thêm vào những liến láy nhuần nhuyễn của Mai Thiên Vân qua bài Nước Non Ngàn Dậm ra đi của nhạc sị Phạm Duy đã lột tả gần như trọn vẹn nỗi lòng đau thương, ray rứt của Công chúa Huyền Trân khi phải rứt ruột xa người yêu, rời quê hương sang Chiêm Thành lấy vua Chế Mân để đổi lấy Châu Ô và Châu Lý hầu mở rộng bờ cõi Việt Nam. Giọng hát này đã chiếm được trái tim của khán giả ngay trong lần đầu tiên xuất hiện cùng với nam ca sĩ trẻ đã có tên tuổi Quang Lê, trong Paris by Night 90 của trung tâm Thúy Nga cách đây khoảng 5 năm.

Mang âm hưởng nhạc thính phòng vào gìong nhạc quê hương


Và từ đó, Mai Thiên Vân đã có mặt liên tục 15 lần trên Paris by Night cho đến hôm nay đã lên tới Paris by Night số 115. Lần nào xuất hiện cô cũng được những tràng pháo tay nồng nhiệt của khán giả. Cái hay của giọng hát nhạc quê hương của Mai Thiên Vân không chỉ thu hút khán thính giả yêu thích giòng nhạc, này mà còn cả khán thính giả thường chỉ yêu thích nhạc thính phòng thường được gọi nôm na là “gìong nhạc sang” cũng phải tấm tắc vì giọng hát nghiêm túc, thiết tha của cô. Giọng hát mang lại cái âm hưởng của nhạc thính phòng vào nhạc quê hương.

Phải chăng cái gốc gác là con gái tỉnh Bến Tre của đồng bằng Hậu Giang, mà chính tên cô đã được cha mẹ gắn liền quê hương với tên gọi: Mai Thị Hậu, đã thấm nhập những câu hò, giọng hát ngọt ngào của tiếng mẹ ru từ khi chào đời? Riêng cái nghiêm túc, thiết tha trong giọng hát của Mai Thiên Vân có được là nhờ hoàn cảnh sống của cô. Mai Thiên Vân đã sống những ngày tuổi thơ trong xóm đạo của một làng nhỏ thuộc tỉnh Bến Tre có ngôi nhà thờ rất nhỏ xây bằng gạch thô sơ nhưng vẫn có cái trang nghiêm của ngôi thánh đường được bao bọc bởi những ngôi nhà mái lá, vách đất của các giáo dân. Nơi đây, Mai thiên Vân được các bà Sơ dạy hát thánh ca. Mai Thiên Vân hát trong ca đoàn từ những năm 7, 8 tuổi Cô đã hát những bải thánh ca thật thiết tha, thật nghiêm trang mỗi tuần để cầu nguyện cho cha mẹ, cho gia đình, cho quê hương và dân tộc sớm được tự do, ấm no và hạnh phúc. Cô thích nhất bài thánh ca “ Hoang đảo miền Cana” mà cô thường hát cho các lễ Tân hôn trong nhà thờ. Cái âm hưởng của nhạc thính phòng trong giọng hát của Mai Thiên Vân chính đã từ do hát thánh ca mà ra.

Giọng hát trời cho đã giúp người con gái Bến Tre tìm được tự do

“Em tự lập từ nhỏ. Em là út vì hoàn cảnh không được sống với mẹ, em sống với cha và các anh chị. Ba em làm nghề nông. Gia đình chỉ tạm đủ ăn, nên việc học hành của em em phải tự lập từ hồi còn nhỏ. Ngoài việc hát lễ cho các thánh lễ trong nhà thờ, em đi hát cho lễ hôn phối và đám cưới. Họ trả tiền và khách cũng cho. Em cũng đi thi khắp nơi để dự các cuộc thi ca sĩ . Ở đâu có tổ chức mà em có thể đến được em cũng đi. Tiền thưởng nhận được em để dành tiền đóng tiền học và mua sách vở. Em học hết trung học, lên Sài Gòn học cao đẳng sư phạm và thành cô giáo dạy nhạc cho học sinh tiểu học. Ngoài việc dạy học, em còn kiếm thêm tiền bằng cách hát thu băng. Hát thu băng kiếm tiền cũng rất khá mà không phải “dress-up”, sửa soạn gì hết. Em hát cho các nhạc sĩ có sáng tác mới ra hoặc các công ty băng nhạc. Nhưng em vẫn phải hát bên ngoài để khán giả biết đến mình nên lịch làm việc của em đầy ắp. Ban ngày có thể thu âm 5-6 bài. Ban đêm chạy 3-4 show nhưng thu nhập chưa tới $100 đô la. Tất nhiên số thu nhập này gấp cả chục lần lương giáo viên, nên đời sống cũng tương đối khá và giu1o đỡ được gia đình,…”

Được hỏi Mai Thiên Vân có theo học trường lớp nhạc nào không, và theo cô thì giọng hát của cô có ảnh hưởng giọng hát của ca sĩ đàn anh anh, đàn chị nào hay không?

Mai Thiên Vân cười nhẹ nhàng và trả lời: “Em nghĩ rằng do ơn trên ban cho. Em không học một trường lớp nào ngoài sự chỉ bảo và hướng dẫn của các Sơ trong nhà thờ và tự học hỏi và tập luyện. Em rất thích giọng hát của cô Hoàng Oanh. Em nghe để học nhưng không bắt chước mà tự tạo cho mình có cái phong cách riêng…”
Quả đúng như vậy. Khi nghe Mai Thiên Vân hát, khán thính giả như có nghe thoang thoảng giọng ngọt ngào cao vút của Hoàng Oanh. Có đó, nhưng như hình như không phải vì nó mong manh hơn, nó thiết tha một cách riêng biệt hơn. Hai người ca sĩ này cùng ra nghề từ việc hát cho ca đoàn trong nhà thờ.

“ Giọng hát ơn trên cho” của Mai Thiên Vân không những chỉ giúp Mai Thiên Vân được cắp sách tới trường , hoàn tất học vấn và thoát khỏi cảnh nghèo. Xa hơn nữa, nó đã đưa cô đến bến bờ tự do tại Hoa Kỳ. Một người bạn yêu mến giọng hát của cô và đã giới thiệu cô với Trung tâm Thúy Nga. Cô được nhận và được mời sang Hoa Kỳ hát thử. Bài đầu tiên Mai Thiên Vân hát trước khán giả như đã nói phần trên của bài là bài “Nước Non Ngàn Dậm Ra Đi”. Nhờ vào sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả, trung Tâm Thúy Nga mời cô cộng tác họn 5 năm qua. Và vì thế cô đã được trở thành thường trú nhân có thẻ xanh . Rồi, Mai hiên Vân vui vẻ tiết lộ cho người viết:

“ Em đã nộp đơn xin nhập tịch và đã được phỏng vấn. Hy vọng mọi việc trôi chảy, cuối tháng 12 này em sẽ được chính thức trở thành công dân Hoa Kỳ”

“Khán giả là tất cả những gì em có”

Cô tâm sự với giọng cảm động và lòng biết ơn:” Khán giả là tất cả những gì em có ngày hôm nay. Không có khán giả, em không là ai. Khán giả đã an ủi em và nâng đỡ em rất nhiều.Em mãi mãi mang ơn và quyết không phụ lòng khán giả..”
Khán gỉa thực tình yêu mến người ca sĩ mảnh mai từ vùng sông Hậu này một cách nhiệt thành. Họ làm cả một website cho cô để đưa những bài hát, những DVD-CD cô thực hiện rồi đưa những lời khen ngọi và tán thưởng không tiếc lời. Nếu quý độc giả có dịp Google tên “Mai Thiên Vân” để thấy những YouTube của cô có hàng triệu người xem thì đủ thất cô đang là một giọng hát “hot” nhất hiện nay. Mai Thiên Vân cũng tiết lộ cô nhận được nhiều quà của khán giả ái mộ đến độ cô đang mơ ước có đủ tiền để mua một căn nhà lớn hơn để trưng bày.

Tuy dã tìm được tự do và đường sự nghiệp đang lên như diều, nhưng cũng hầu như tất cả những người Việt tị nạn khác , Mai Thiên vân cũng phải đánh đổi rất nhiều. Cô tâm sự:

“ Đời sống ở đây rất thoải mái. Em muốn làm gì, thì làm, muốn hát bài gì thì hát không sợ ai cấm cản. Cơ hội để thăng tiến nghề nghiệp cũng thật nhiều. Em không mong gì hơi. Chỉ có điều đôi lúc thấy buồn vì phải xa gia đình. Em sang đây chỉ có một mình nên ngoài giờ bận rộn em nhớ nhà lắm; nhớ cây, nhớ cỏ, nhớ sông nước, nhớ kỷ niệm hồi còn nhỏ mỗi khi được cha hoặc các anh chị cho về Đồng Nai hay Sài Gòn thăm bà con được leo lên đầu xe đò đưa mặt ra ngoài để cho gió tạt vào mặt thật mát và vui với cảm giác thích thú. Cha em và tất cả các anh chị em còn ở bên nhà. Năm ngoái ba em có sang thăm nhưng đã trở về. Tình gia đình đối với em như sợi mắt xích. Em sang đây có điều kiện hơn nên phải giúp đỡ gia đình. Những năm đầu hầu như tiề làm được em đã chia xẻ gần hết. Mấy năm gần đây em cũng bớt đi để lo đời sống cho mình nhiều hơn

Em hiền như Ma Soeur nhưng rất sợ quý anh đẹp trai!
Sống một thân, một mình tại xứ người nhưng khi người viết hỏi : “Mai Thiên Vân vừa ra DVD-CD Bao giờ Em lấy Chồng ? Vậy Mai Thiên Vân trả lời ra sao với khán thính giả đang chờ câu trả lời của mai Thiên Vân? Mai Thiên Vân trả lời với chút suy tư:

“ Đời sống của em hiện tại bận rộn quá. Cuối tuần đi hát khắp nơi. Trên toàn nước Mỹ rồi Pháp, Canada, Úc. Phải nói hầu như ở đâu có người Việt, em đã đến nơi đó. Nhưng khi đi hát tìn đến đi vội vàng. Không có giờ để “hang out” để biết và tìm hiểu người khác. Có nhiều người trêu chọc. Nhưng cũng có người nghiêm trang đề nghị này nọ. Nhưng cũng xảy ra nhanh như gió thoảng. Không để lại một chút gì. Vì thế nếu không có gì bât ngờ thì chắc … còn lâu lắm…”

Được hỏi mẫu người đàn ông lý tưởng của cô là như thế nảo? Mai Thiên Vân trả lời không cần phải suy nghĩ:

“ Cũng không có gì nhiều chỉ cần phải hiền, trung thực, chăm chỉ. Trong hoàn cảnh nào cũng sống được. Không cần phải đẹp trai. Coi được là đủ. Em rất sợ những người đàn ông đẹp. Bởi vì họ sẽ không là người của mình. Họ bị cám dỗ nhiều và em cảm thấy không đủ sức để giữ họ. Em muốn có một cuộc sống an bình. Em sợ sóng gió. Có người nhận định rằng em sống như đời sống của các Sơ. Em nghĩ họ đã nói đúng đến 80%... ”

Khi hỏi về người đàn bà lý tưởng. Mai Thiên Vân chân thành thố lộ:


“ Xuất thân từ gia đình Công giáo, em thích những gì cổ kính, không hiện đại. Em cảm thấy mình già trước tuổi. Sống trong môi trường nhà thờ. Em sống rất nghiêm túc, sống hiền lành và em cảm thấy bình an và thoải mái trong lối sống này. Em nghĩ rằng người phụ nữ lý tưởng VIệt Nam phải có đức chung thủy, biết tự lập. Những nhận xét này là cảm nghiệm từ riêng bản thân em mà có. Nó có thể không đúng với người khác….”
Ước vọng tương lai

Và những ước vọng tương lai của Mai Thiên Vân vì thế rất rõ ràng, thực tế. Cô mong tiếp tục làm việc với công ty Thúy Nga, làm thêm CD, DVD và khi có thể, thực hiện những mini show một mình hoặc với một số đồng nghiệp khác như ca sĩ hát cặp nổi tiếng với cô là nam ca sĩ Quang Lê. Hai người đã ra nhiều CD, DVD bán vào hàng chạy nhất trên thị trường đĩa nhạc hiện tại. DVD-CD mới nhất của hai người là “Bao giờ em lấy chồng?”, lấy tựa từ một bản nhạc của hai nhạc sĩ Minh Kỳ và Hoài Linh gồm nhiều nhạc phẩm do cô trình diễn một mình hay với Quang Lê được trình bày theo hình thức hát Karaoke. DVD -CD này vừa được tung ra thị trường đã được tiêu thụ rất nhanh.

Tuy sống một thân một mình và hát để kiếm sống và giúp đỡ biết bao người trong gia đình. Người viết nhận thấy Mai Thiên Vân là một trong những ca sĩ thường xuất hiện trong những show ca nhạc từ thiện nhiều nhất. Khi hát cho những chương trình thiện nguyện này tức là cô đã lấy một lệ phí tượng trưng. Cô cũng thường tặng những DVD-CD cho những cơ qua từ thiện bán để gây quỹ thêm. Mai Thiên Vân đã giải thích những hy sinh, đóng góp của cô như sau”

“ Em muốn cân bằng cuộc sống. Hát là nghề nghiệp để kiếm tiền đối với em. Nhưng chỉ kiếm tiền không thôi thì đời sống phải chăng quá cứng ngắc? Chạy đua theo đồng tiền thì biết bao nhiêu cho đủ? Em đã được ơn trên cho quá nhiều. Em sẽ rất xấu hổ nếu em không làm gì để đóng góp,…”
Mai Thiên Vân đến với Hành Trình Viễn Xứ San Jose

Trong tinh thần đó, Mai Thiên Vân sẽ đến với buổi Triển Lãm- Văn Nghệ- Dạ tiệc gây quỹ Hành Trình Viễn Xứ San Jose của hội Bảo Tồn Văn Hóa và Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt được tổ chức tại nhà hàng Dynasty, đường Story tại thành phố San Jose để hội có đủ kinh phí hoàn thành chương sử của người Mỹ gốc Việt để đưa vào học đường Hoa Kỳ công tác mà hội này đã làm trong hơn 8 năm qua và đang ở giai đoạn chót với cuốn phim tài liệu “Hành Trình Tìm tự Do Của Người Mỹ Gốc Việt”. Mai Thiên Vân phát biểu:

“ Em thấy đây là việc cần làm và phải làm để giúp cho người trẻ biết được nguồn gốc của mình thì không có gì chính đáng hơn. Em sẽ về Jan Jose trong dịp này để được gặp những khán giả mến thương em và giọng hát của em, để hát cống hiến họ những bản nhạc mà khán thính giả thích nhất. Em cũng sẽ đem theo thật nhiều DVD-CD “Bao Giờ Em lấy Chồng” để khán giả mua và tiền bán được sẽ góp phần vào việc hoàn tất cuốn phim quan trọng về nguồn gốc người Việt mà hội VAHF đang làm…”

Khách quý mến giọng hát Mai Thiên Vân, muốn đến với Hành Trình Viễn Xứ San Jose , xin liên lạc với Thái Hà. Điện thoại số: 408-838-7098. Hoặc Lê Diễm: 408-499-6720. Vé cũng có bán tại cà phê Paloma, Senter Video.

TG 7/2012  
http://thuyngaonline.com/tm.aspx?m=1012333 

Hướng dẫn tách nhạc từ file SACD ISO với DSDMate Audiophile

Câu hỏi đầu tiên tại sao lại phải tách file ?

Tách file DSF /DFF để có thể chơi trên trực tiếp trên các thiết bị HDP như Popcorn A410 (em đang dùng con này) hay Oppo ,laptop ,HTPC ,music network sever....Cách này chơi SACD là kinh tế nhất , chỉ cần down load nguồn nhạc SACD free…

Tận dụng con DAC giải mã DSD của A410 ,Oppo , chơi file DSF /DFF trực tiếp , chất lượng âm thanh thì hơn hẳn chuẩn CD , một trãi nghiệm thú vị và cảm nhận tại sao SACD hay thế!!!!!!!

SACD Về chi tiết , độ động , dãi tầng rộng , nhất là nghe hòa tấu và vocal , sân khấu được tái hiện hoành tráng ....

Giới thiệu về DSDMate plugin của hãng Arttlabs

DSDMate software là một plugin được nghiên cứu bởi Arttlabs ngoài ra còn có AudioMate đi kèm với DAC ...

đây là DAC của Arttlabs



Arttlabs chuyên nghiên cứu lĩnh vực DSD Audio Professional , trong quá trình tự nghiên cứu trên mạng em vô tình biết được và viết mail contact với hãng để xin Key cho DSDMate...

http://www.arttlabs.com/

Hướng dẫn
-------------------------------------------------- -------------------------------------------------

Trước khi cài đặt vui lòng đóng các phần mềm chống virus, tường lửa,…. vv . Phần mềm được mình test trên Windows 7/8(32,64bit). Vì trong quá trình cài đặt mình nhận một số thông báo của trương trình chống vi rút.


1. Đầu tiên, bạn cần phải cài đặt các chương trình sau:
- Cài đặt Foobar2000 V1.3.3 trở lên hoặc phiên bản mới nhất , bản 1.3.4 beta không khuyến khích dùng
- Cài đặt vcredist_x86.exe
- cài đặt Foo_input_sacd (Foorbar plugin) để đọc SACD

Install foobar từ trang web chính thức:
http://www.foobar2000.org

Tiếp tục cài vcredist_x86 từ trang web chính thức của microsoft:
http://www.microsoft.com/download/en...ylang=en&id=29

Sau đó install plugin foo_input_sacd ở đây:
http://sourceforge.net/projects/sacddecoder

Nếu ai đã installled những chương trình trên thì bỏ qua các bước này.

2. Cài đặt DSDMatePlugin
Download DSDMatePlugin từ account của mình về ...

Bạn nhấn nút Thanks, sau đó nhấn F5 để lấy link nhé!

Click DSDMatePlugin.exe để chạy thiết lập ...

3. Key của DSDMate :
May mắn cho các bạn là trong quá trình nghiên cứu mình đã tìm được key và share với các bạn ,việc còn lại bạn chỉ cần copy chuổi key bên dưới và để nhập vào để kích hoạt ….

DSDMate Key

• Pass Key: arttlabs.com_e2f871dccf0f67f8490d6462d4b41d49

key 2 : arttlabs.com_9b74fad2df6cbc9892732729ee9637a7

DSDMate là phần mềm được viết riêng cho DSD audiophile.


4. Done



Nếu cài đặt thành công bạn sẽ thấy menu tool của foobar được add thêm DSDmate như hình trên , bạn tùy chọn DSF hay DFF để tách file ra khỏi ISO...


Và bây giờ là thành quả ,bạn đã tách được file DSF và DFF ,việc bây giờ chỉ cần mua Popcorn A410 /Oppo về chơi SACD .

Nhờ các bác có Oppo test dùm , vì Oppo chơi được các file DSF /DFF
Cuối cùng không có các thiết bị trên thì play bằng Foobar và J River , việc chơi SACD trở nên đơn giản hơn và chất lượng âm thanh cũng nâng lên tầm cao mới ...

Hình bên dưới là Popcorn A410 chơi file DSF



Sau khi tìm hiểu thì oppo không chơi được SACD ISO, anh em chơi Oppo cũng bỏ qua tính năng chơi SACD , chính vì lý do đó em đã nghiên cứu để tách file dsf /dff và em play tốt trên đầu Popcorn A410 .... giờ thì anh em làm theo hướng dẫn của em để hưởng thụ như thế nào là DSD file ..... để thấy âm thanh của SACD rất hay ....

Bài viết được viết bởi langthangvn33
HDvietnam
http://www.hdvietnam.com/diendan/26-lossless-albums/925476-huong-dan-tach-nhac-tu-file.html

Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014

QUỐC DŨNG, MỘT VÙNG MÂY TRẮNG TÌM NHAU

Sinh năm 1951, trưởng thành từ phong trào nhạc trẻ của Sài Gòn năm xưa, nhạc sỹ Quốc Dũng đã để lại một dấu ấn sâu đậm cho nền nhạc Việt. Hôm nay DongNhacXua.com hân hạnh giới thiệu một bài viết về nhà nhạc sỹ đa tài.
Điệp khúc mùa xuân (Quốc Dũng). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Điệp khúc mùa xuân (Quốc Dũng). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
diep-khuc-mua-xuan--1--quoc-dung--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com diep-khuc-mua-xuan--2--quoc-dung--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com diep-khuc-mua-xuan--3--quoc-dung--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com
QUỐC DŨNG, MỘT VÙNG MÂY TRẮNG TÌM NHAU
(Nguồn: tùy bút của tác giả Vĩnh Phúc đăng trên GiaiDieuXanh.vn ngày 31/08/2011)
(GĐX)Quốc Dũng còn đó với chúng tôi, đàn trong tay trên ghế ngồi cà phê Phong Nguyệt và còn đó với tất cả chúng ta trên hành trình âm nhạc… Âm nhạc như một tiếng gọi, một đường bay, một thử thách gian lao và người nhạc sĩ 17 tuổi ngày nào hình như vẫn đang bước đi với một chút phân vân, một ít dọ dẫm kiếm tìm, cả nghi hoặc chính mình…Vâng, tôi tin QD đã thành công và sẽ còn thành công hơn nữa khi vượt lên chính mình, vượt lên vệt chân cũ của mình …
Một vùng mây trắng bay đi tìm nhau
Chẳng còn thấy đâu, mắt em hoen sầu
Vì mình xa nhau nên em chưa biết xuân về đấy thôi…
Quốc Dũng đã bước ra từ đây, từ một …vùng mây trắng, những đám mây lạc tìm nhau và người nhạc sĩ 17 tuổi đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người nghe: những ám ảnh ám thị về mất mát chia biệt, về một ban mai rụng xuống hoàng hôn, về những rối bời rã rượi của một xác quỳnh đêm qua vừa nở, cỏ chưa hết xanh đã vội vàng …“Em đã thấy mùa xuân chưa” như là bước khởi đầu cũng là khởi động vùng tâm thức đầy hoặc nghi của người nhạc sĩ mà anh hoa phát tiết ra ngoài …hơi sớm: 11 tuổi đã viết nhạc, 15 tuổi trình diễn mandolin trên truyền hình, 16 tuổi là thủ khoa trường Quốc gia âm nhạc (môn nhạc pháp Tây phương). Tài không đợi tuổi. Ngoài ”Em còn nhớ mùa xuân”, những ca khúc “Mai, Đường xưa, Cơn gió thoảng, Chuyện ba người, Còn mãi nơi đây, Điệp khúc mùa xuân, Thoát ly…” đã thực sự đánh dấu sự xuất hiện một phong cách, một khuôn mặt âm nhạc. Anh còn tài hoa hơn vì bao quát nhiều lãnh vực : từ ca sĩ (cặp đôi với Thanh Mai những năm 70 của thế kỷ trước), rồi nhạc công chơi đủ loại nhạc cụ, người tổ chức phối khí thu âm đầu tiên ở Sài Gòn …
Nhạc sỹ Quốc Dũng thời trẻ. Ảnh: GiaiDieuXanh.net
Nhạc sỹ Quốc Dũng thời trẻ. Ảnh: GiaiDieuXanh.net
1- Quốc Dũng, nhạc sĩ của mùa xuân
“Xuân thanh bình, Mùa xuân đầu tiên, Xuân dịu êm, Bài ca tết cho em, Hẹn ước mùa xuân, Xuân trên đất khách, Xuân xa vắng  …”…Quốc Dũng có hơn 20 ca khúc viết về xuân, lấy chữ xuân làm tựa đề. Cảm hứng xuân rõ ràng là đầy tràn nhưng cảm thức về xuân ở Quốc Dũng là một dị biệt. Với anh, xuân không hề là biểu tượng của sức sống tươi nguyên, của niềm hy vọng, của rộn ràng nên xuân không có bướm trắng mai vàng, câu đối đỏ, nụ cười hồng thắm …Ngay cả “Điệp khúc mùa xuân” như một tưng bừng xuân ca có hoa vàng, nắng say, bướm bay vang lên trong một giai điệu tiết tấu rộn vui, bài hát vẫn chỉ là một gọi mời của tình yêu: Tình yêu ơi xin dệt nối yêu thương/ từ bao nhiêu năm tình sầu muôn hướng. Đến “Bài ca Tết cho em” dù là riêng tặng người yêu dấu cũng chỉ rung lên chầm chậm trong một khúc điệu Bossa Nova, tuyệt không có én trắng vườn đào chỉ có môi em cười như chứa cả mùa xuân. Do đó, những bài hát của QD không thể là xuân ca mà chỉ là những khúc xuân tình. Xuân với anh là cõi tâm xuân, là ý xuân, tình xuân… Xuân không về/ chưa về đơn giản là Vì mình xa nhau nên em chưa biết xuân về đấy thôi…”Hẹn ước mùa xuân” lắng lại một thì thầm và kết thúc trong một hợp âm trưởng đinh ninh: Mùa xuân tới ta hẹn ngày đẹp đôi. Chào mừng năm 2000, QD viết “ Mùa xuân đầu tiên” như một lời tỏ tình với những quãng hai dìu dặt mềm mại buông lơi: Từ khi có em yêu trong tay/ Ta nghe mùa xuân bắt đầu…”Hà Nội em và mùa xuân” là một ví dụ khác cho một ngỏ tình của Quốc Dũng. Bài hát viết ở cung trưởng, tiết tấu khá nhanh nhưng những quãng 2 rồi cũng níu giữ cái không khí êm đềm mộng ảo của tình được và mất. Mở ra là “ Từ ngày ta xa cách nhau/ Thời gian lắng im trong u sầu” và để kết thúc “ Hà Nội mùa xuân có em/ đầy hạnh phúc hơn bao giờ”…Rồi “ Xuân thương nhớ, xuân trên đất khách…”, âm nhạc QD trải ra nỗi niềm day dứt của một mất mát, một thất lạc, một chơ vơ, cả một hoặc nghi …tình …Không, là xuân không thực, cõi xuân của QD chính là nỗi tình được/ mất để buồn vui vì thực chất, anh là người viết tình khúc cho muôn đời …
2- Quốc Dũng, kẻ du ca với gánh tình trên vai
Ngay từ buổi đầu xuất hiện, QD đã để lại ấn tượng đậm nét về những khúc tình ướt rượt với mộng tàn, sương khói, những rụng rời chia biệt: “Thoát Ly (1968), Bên nhau ngày vui ( 1972), Cơn Gió thoảng( 1972), Lối thu xưa ( 1972), Em đã thấy mùa xuân chưa, Biển mộng…Trong tâm thức của người nhạc sĩ trẻ sinh năm 1951 đã mọc dậy nỗi buồn, đã thắp nến những chiêm bao và tình, treo lên ám ảnh.
Thôi mình đi, còn trông chờ chi /Kỷ niệm chỉ thêm xót xa mà thôi /Mộng … đã tàn rồi ! “Thoát ly”, rồi nhịp cuốn đi nhưng còn đó là nước mắt với ê chề thất vọng. Câu kếtKhi tinh cầu đã thu hẹp rồi mở ra một bến vực ngờ lo âu …Bên cạnh, “Cơn gió thoảng” vút vút lên những nốt nhạc chao đảo nỗi bấp bênh phận người, những lay lắt tình yêu: buồn theo cơn gió những cánh lá rơi cuốn trôi về đâu. Đến “Lối thu xưa” thì giai điệu đã lìm chìm da diết diết da trong giọng đô thứ ngậm đủ mùi vị của một thất lạc trăm năm : Anh vẫn tìm em giữa mây ngàn …
Rồi, đi qua phận người với áo cơm mưa nắng những dập vùi, người nghệ sĩ tưởng chừng sẽ tỉnh ra, thức ngộ nhưng không, QD vẫn nặng trên vai một gánh tình. “Hoang vắng, Đường xưa, Ru tôi giấc mộng, Mãi cùng em ngày xanh, Cõi buồn ….”. Và những tình khúc dù khác nhau trong giai điệu, tiết tấu nhưng quen thuộc một màu Quốc Dũng với sương rơi, trăng tà, nước mắt, môi hôn, những xanh niềm đau, những phai tàn nhanh , những thoáng hương bay…Và anh run lên, thổn thức với những melody tuyệt đẹp của yêu thương.
 “Ru tôi giấc mộng” là bài hát tâm đắc của nhạc sĩ, âm ỉ một kiếm tìm mê mỏi trong phiên khúc: Hãy cho tôi tìm gặp trong giấc mơ để rồi nung nấu cháy bùng nỗi nhớ trong điệp khúc: Nhớ dạt dào…Nhớ thẹn thùng … Không, là không thê thiết với bi lụy, không kêu gào để rơi xuống vực lầy không đáy. Âm điệu của QD dẫn ta về một chốn lung linh của mắt ngọc xanh ngời, môi hôn đỏ ối, những vân vê cuống quít thẹn thùa, những hẹn hò trăng mơ. Không, Quốc Dũng không làm ta buồn đến não nề mà cầm tay ta bay vào không gian cao và sâu của chữ tình muôn sắc điệu. Có chăng ở đây là một thoáng hoang mang nghi ngại! Và phải chăng, đó chính là thông điệp Quốc Dũng muốn nhắn gửi đến những tình nhân? Phải chăng QD đã làm người nghe bị mê hoặc vì một nỗi tình thiết tha gắn bó và chân thật…?
Nhạc sỹ Quốc Dũng. Ảnh: GiaiDieuXanh.vn
Nhạc sỹ Quốc Dũng. Ảnh: GiaiDieuXanh.vn 
3- Quốc Dũng,  nhạc sĩ đa phong cách …
Đa phần, mỗi nhạc sĩ, bằng tâm thức của mình, chỉ có thể viết được một phong cách nhất định. Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên…rồi chỉ yên bề với một thể loại. Quốc Dũng là một biệt lệ khi âm nhạc trải ra từ trữ tình, nhạc trẻ, đến nhạc quê hương …”Em có thấy mùa xuân chưa – Bên nhau ngày vui- Lối Thu xưa”, ba sáng tác buổi đầu tiên đã cho thấy nội lực của QD trên các phong cách khác biệt… Nhờ “ đa phong cách”, Quốc Dũng đã thành công lớn trong việc hội nhập với thị trường và xu hướng của thời đại, tiếp cận được với nhiều tầng lớp người nghe ( thính phòng, dân gian, trẻ trung sôi động…). Đa phong cách, trong một chừng mực là ưu điểm, một cách thế hòa nhập nhưng đôi khi là một hạn chế  vì phải chăng mỗi người chỉ nên nói …một giọng nói. Người ta nhớ Lê Hựu Hà với dòng nhạc trẻ, nhớ Trịnh, Ngô Thụy Miên với chất trữ tình, nhớ Cung Tiến với dòng semi-classic …Vâng, là thuần nhất làm nên một hồn riêng không lạ lẫm…
Quốc Dũng đang mỉm cười với chúng tôi. Sáu mươi, tóc chỉ lơ phơ bạc, vẫn rất ”đàn ông” …Hỏi chuyện phong cách âm nhạc, anh có vẻ trầm ngâm: Tôi thuộc trường phái bình dị, thích dòng nhạc quê hương và viết ra lại sẵn có một đồng điệu là giọng ca Bảo Yến, và cả những nhà thơ đồng điệu như Nguyễn Đức Cường, Phạm Ngọc…giúp cho phần lời…À, mà cuộc đời lạ thật. Những bài hát tôi thích lại không trùng với sở thích mọi người…Tôi nhìn anh, nheo nheo mắt. Chính tôi, tôi cũng nhớ đến QD với những ca khúc trữ tình phong vị cổ điển (Em đã thấy mùa xuân chưa) hay hiện đại (Hoang vắng….) mà không đậm đà lắm với dòng nhạc quê hương của anh trong  “Lối thu xưa, Chuyện ba người, Chuyện hợp tan”…Vâng, người sáng tác có quyền chọn lựa cho mình một khuynh hướng và người nghe, dĩ nhiên, có chọn lựa của riêng mình.  
*
Quốc Dũng còn đó với chúng tôi, đàn trong tay trên ghế ngồi cà phê Phong Nguyệt và còn đó với tất cả chúng ta trên hành trình âm nhạc… Âm nhạc như một tiếng gọi, một đường bay, một thử thách gian lao và người nhạc sĩ 17 tuổi ngày nào hình như vẫn đang bước đi với một chút phân vân, một ít dọ dẫm kiếm tìm, cả nghi hoặc chính mình…Vâng, tôi tin QD đã thành công và sẽ còn thành công hơn nữa khi vượt lên chính mình, vượt lên vệt chân cũ của mình …
Vĩnh Phúc
Tùy bút
31/8/2011
(Bài viết riêng cho Giai Điệu Xanh)

Cẩm Nang Du Lịch Cho Người Mê Ẩm Thực

National Geographic Adventure
Food Lover's Guide To The Planet Complete Series 1080i HDTV_KhoHD
Bộ phim hoàn toàn đúng nghĩa với tiêu đề, nhất là đối với các bạn Việt Nam chúng ta, ẩm thực là 1 phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa. Các bạn sẽ được đi dạo vòng quanh khắp Thế Giới, thưởng thức những nền văn hóa ẩm thực nổi tiếng...Và sẽ tích lũy được thêm nhiều kiến thức thú vị, nhất là đối với những người mê ẩm thực và du lịch.
Bộ phim gồm 32 tập kèm đầy đủ phụ đề Việt ngữ. Được biên tập và upload bởi : HoaiTrung - KhoHD.blogspot.com

5 tập mới vừa update thêm ngày 15-03-2013:

Taste Of Viet Nam - Hương Vị Việt Nam
Cocktail Artists - Nghệ Sĩ Cocktail
Making Sense - Tạo Hương Vị
Sweet Tooth - Những Người Mê Đồ Ngọt
The New French Revolution - Cuộc Cách Mạng Mới Của Pháp

27 tập trước đó :
Baja California - Vùng Baja California
Bread - Bánh mì
Catch of the Day - Mẻ lưới trong ngày
Coming To Italy - Đến nước Ý
Community Power - Sức mạnh cộng đồng
Cow Cuisine - Đặc sản thịt bò
Digital Critics - Bình luận số
Eating Montrteal - Ẩm thực Montreal
Fancy Fast Food - Đồ ăn nhanh ngon
Farm To Fork - Từ trang trại đến bàn ăn
Food Magic - Phép màu ẩm thực
Grill Masters - Chuyên gia về nướng
Hawaiian Fusion - Ẩm thực đa phong cách Hawaii
Hi Tech Taste - Mùi vị công nghệ cao
Hong Kong : Ẩm thực Hồng Kông
India - Ẩm thực Ấn Độ
Korean Code - Ẩm thực Triều Tiên
New Zealand - Ẩm thực New Zealand
Oaxaca Style - Phong cách Oaxaca
Peppers Planet - Hành tinh ớt
Southern Cookin' USA - Ẩm thực miền Nam Mỹ
Taste Of Chile - Hương vị Chi Lê
Taste of Tasmania - Hương vị Tasmania
The Spice Road - Con đường gia vị
Traditions - Các món ăn truyền thống
Turkish Delights - Kẹo Gôm Thổ Nhĩ Kì
Tuscan Basics - Các món Tuscan cơ bản