Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

VÌ SAO TRUNG BÌNH MỖI BÀI HÁT NHẠC POP THƯỜNG CÓ THỜI LƯỢNG KHOẢNG 3 PHÚT?

banner-2.

Âm nhạc là một phần không thể thiếu của cuộc sống của mỗi người. Tuy nhiên, có một điều khá thú vị mà chúng ta ít khi chú ý là trung bình, mỗi bài hát nhạc pop thường có độ dài khoảng 3 phút và không hơn 4 phút. Điển hình như top 3 bảng xếp hạng tuần này (22/11), các ca khúc "Shake It Off" của Taylor Swift (3:39 phút), "All About that Bass" của Meghan Trainor (3:08 phút) và "Animal" của Maroon 5 (3:49 phút). Tất cả đều có độ dài tuân theo giới hạn trên. Tại sao vậy? Đó là một giới hạn mang tính lịch sử của ngành công nghiệp âm nhạc đồng thời cũng có liên quan đến thị hiếu và sức hấp dẫn người nghe. Hãy cùng ngược dòng lịch sử để tìm câu trả lời nhé.

1 bản single thuở ban đầu

vinyl.
Vào đầu những năm 1900, đĩa than 10 inch là cách phổ biến nhất để phát hành các bản thu âm. Đĩa 10 inch thường được chơi với tốc độ 78 vòng/phút. Khi ghi âm, người ta dùng một chiếc kèn kim loại kích thước lớn để "gom" âm thanh lại thành áp suất lớn để kim ghi ghi lên mặt đĩa. Ngược lại lúc phát thanh, người ta quay ngược chiếc kèn lại để khuếch đại âm thanh. Những chiếc đĩa 10 inch vào thời bấy giờ chỉ có hể chứa được âm thanh có thời lượng từ 3 đến 5 phút cho mỗi mặt.

Tiếp theo đó là sự ra đời của đĩa 12" nhưng cũng chỉ có thể chứa bài hát có thời lượng từ 4 đến 5 phút. Theo Thomas Tierney, giám đốc thư viện lưu trữ âm thanh của Sony Music thì: "Nếu như ghi thời lượng nhiều hơn, các rãnh sẽ sát nhau hơn và kết quả là chất lượng âm thanh sẽ giảm sút." Đây chính là giới hạn về công nghệ mà các nghệ sĩ đầu thế kỷ 20 phải đối mặt. Do đó, họ phải cố gắng giới hạn bài hát của họ càng ngắn càng tốt nếu muốn single của họ được phát hành.


http://vimeo.com/58107420

Bài hát You've Lost That Lovin' Feelin' của The Righteous Brothers phải đóng dấu thời lượng giả là 3:05 thay vì 3:45 để có thể được phát sóng radio

Mặt khác, 1 single ngắn cũng có thể phát trên sóng radio và sẽ trở thành 1 bài hát hot. Thời điểm bấy giờ, sóng radio là công cụ truyền thông xã hội chủ yếu để các nghệ sĩ có thể phát hành ca khúc của họ đến mọi người. Tierney cho biết thêm: "Vào thời đó, nếu bạn ghi âm một bài hát dài hơn 3 phút 15 giây, người ra sẽ không muốn phát sóng nó." Dĩ nhiên là cũng có các trường hợp ngoại lệ, như đối với các thể loại đặc thù như jazz hoặc cổ điển thì họ có thể ghi âm dài hơn, nhưng nhạc pop thì đều tuân theo quy định này.

Sự thành công của các bài hát dài mở đầu bởi nghệ sĩ Bob Dyland

1414672781_Bob Dylan 1.
Nghệ sĩ nổi tiếng Bob Dylan, người mở đầu cho phong trào single dài

Dù ngày nay, giới hạn thời lượng bài hát phát sóng radio không còn nữa, nhưng các bài hát nhạc pop hiện đại vẫn gắn liền với thời lượng 3-4 phút. Tuy nhiên, ngay từ những năm 60 thì nghệ sĩ Bob Dylan đã phá vỡ quy chuẩn này. Không giống như nhạc pop, các ca sĩ nhạc dân gian thập niên 60 thường thu âm những bài hát dài. Họ không quan tâm việc bài hát của họ có được nằm trong top 40 trong bảng xếp hạng hay không. Cái họ hướng đến là số lượng album mà họ bán ra ngoài thị trường.

Vào năm 1965, Bob Dyland đã trở thành một nghệ sĩ nổi danh với các single để đời như "The Times They Are A-Changin" và "Subterranean Homesick Blues" đã mang về cho ông vị trí 39 trên bảng xếp hạng 40. Và khi đó, ông đã cho ra mắt album "Highway 61 Revisited" với ca khúc mở đầu "Like A Rolling Stone" dài 6:34 phút, đây là bản thu được cho là chống lại toàn bộ các khuôn mẫu đương thời cho một đĩa đơn nhạc pop.

http://vimeo.com/92133080

Bài hát "Like A Rolling Stone" của nghệ sĩ Bob Dylan, tạo nên một bước ngoặt mới trong nền công nghiệp âm nhạc

Ban đầu, nhà phát hành Columbia Records đã không muốn ra mắt bài hát này dưới dạng single bởi nó không phù hợp với các quy chuẩn thông thường. Tuy nhiên, 1 nhân viên tại đây là Shaun Considine đã mạnh dạn công bố bài hát ra công chúng và tạo nên một cơn sốt chưa từng có, mang về cho Bob Dylan vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng tại Mỹ và thứ 4 tại Anh.

Nhạc Rock dần thay đổi, nhạc pop vẫn giữ nguyên

taylor.
Ảnh minh họa nữ ca sĩ Taylor Swift thường thống trị bảng xếp hạng

Thành công của Bob Dyland đã tiếp thêm sức mạnh để các nghệ sĩ mạnh dạn sáng tác các ca khúc với thời lượng dài hơn thay vì bị gò bó trong giới hạn truyền thống của đĩa đơn. Nhóm nhạc rock Iron Butterfly đã thu bài hát dài 17 phút "In-A-Gadda-Da-Vida" và cắt nó ra thành nhiều đoạn để phát sóng trên radio. Dù vậy, các thính giả dần quen thuộc và thích nghe các bài hát dài hơn. Một ví dụ khác như Stairway to Heaven của Led Zeppelin với độ dài 8:02 phút, dù không phát hành single nhưng vẫn trở thành một huyền thoại.

http://vimeo.com/42743173

Stairway to Heaven của Led Zeppelin với độ dài 8:02 phút, bài hát dài đã trở nên huyền thoại dù không phát hành dưới dạng single

Nếu như các bài hát phá vỡ quy cách 3-4 phút đều rất thành công thì tại sao thế giới nhạc pop vẫn còn gắn bó với giới hạn này? Đó là do thói quen đã được hình thành cố hữu trong lòng các fan hâm mộ. Họ không chỉ muốn mua các album của ca sĩ thần tượng mà còn muốn chờ đợi từng single của các ca sĩ khác. Khi đó, họ sẽ thưởng thức, đánh giá và chuyển sang một single khác thay vì nghe mãi 1 album của ca sĩ nào đó.

Mặt khác, tín đồ nhạc pop thường là những người trẻ tuổi, họ muốn nhanh chóng nghe 1 bài hát đơn của 1 ca sĩ, sau đó chuyển sang 1 bài hát khác. 1 bài hát dài sẽ chỉ là giảm mức độ tập trung của những người nghe trẻ tuổi này. Chính vì thị hiệu cố hữu của các thính giả, các ca sĩ nhạc pop vẫn có xu hướng muốn phát hàng single hơn là ra mắt album. Và một khi họ phát hành single thì quy chuẩn về giới hạn 3-4 vẫn còn được áp dụng cho đến ngày nay.

Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

“TÔI LÀ LÂM HÀO, VẪN CÒN SỐNG ĐÂY!”

(Ngay sau khi DongNhacXua.com đăng lại một bài viết về ông Lâm Hào – người Việt Nam đầu tiên chế tạo thành công cây guitar điện và nhiều nhạc cụ khác thì một người bạn điện thoại từ Mỹ về cho chúng tôi biết là ông vẫn còn sống ở Hoa Kỳ. Tìm hiểu thêm thì chúng tôi phát hiện thêm một cuộc trò chuyện thú vị giữa Lâm Hào và báo Thể Thao & Văn Hóa.)
(Thethaovanhoa.vn) – Năm ngoái, trong quá trình tìm kiếm, sưu tầm tư liệu về Lâm Hào, người đã chế tác cây guitar điện hoàn toàn ở Việt Nam từ thập niên 1960, có thể sử dụg thay thế cho nhưng cây đàn ngoại nhập vừa hiếm vừa đắt đỏ (giá thành cao hơn 10-20 lần), chúng tôi cố liên lạc với ông bằng nhiều cách, nhưng thất bại. 
Những người biết, người quen “vua” chế tác guitar điện “made in Việt Nam” không ít, họ sẵn sàng chia sẻ nhiều nhận xét, nhiều câu chuyện về ông, nhưng cũng đã lâu họ đứt liên lạc với Lâm Hào. Vậy là bài báo Lâm Hào – Ông vua chế tạo guitar điện trên TT&VH Cuối tuần (11/2012), có đoạn: “Theo một nhà báo viết mảng âm nhạc tại California, có tin Lâm Hào đã qua đời cách đây vài tháng, nên email và điện thoại đã khóa, nhưng lướt tìm quanh các mạng thông tin thì chẳng có nơi nào đăng tải. 4-5 nhạc sĩ ở Mỹ từng quen Lâm Hào thì phản đối tin này, có người nói ông vẫn khỏe mạnh, thỉnh thoảng vẫn lui tới Hãng Fender để làm vài việc thủ công”.
Một ngày đầu tháng 3/2013, một cuộc điện thoại đến TT&VH Cuối tuần: “Tôi là Lâm Hào, vẫn còn sống đây”. Thế là “vua” chế tác guitar điện “made in Vietnam” đã trở về. 
Lâm Hào tuổi 80, ảnh chụp tháng 3/2013. Ảnh: Như Hà (TheThaoVanHoa.vn)
Lâm Hào tuổi 80, ảnh chụp tháng 3/2013. Ảnh: Như Hà (TheThaoVanHoa.vn)
* Ông ước tính mình đã làm khoảng bao nhiêu cây guitar điện không?
- Chẳng thể nào biết được, vì hơn 20 năm trong nghề, bên cạnh những chuyên viên về gỗ, về thép và bo mạch, tôi còn có hơn 40 thợ gia công tại xưởng, tất cả đều sống được. Chúng tôi vừa làm đàn cho nghệ sĩ chuyên nghiệp, vừa làm cho các cửa hàng bán đàn phổ thông ở khắp nơi. Trung bình mỗi ngày chúng tôi làm chừng 4-5 cây đàn cho nghệ sĩ chuyên nghiệp, lúc này vị thế cây guitar điện trong ban nhạc và cả ngoài xã hội rất quan trọng, là thời thượng, nên nhiều người muốn có.
* Tại sao ông lại nảy ra ý chế cây đàn theo Fender?
- Khoảng năm 1956, khi nhiều người Mỹ tại Sài Gòn muốn tìm chỗ sửa đàn. Khi cầm cây Fender trên tay, tôi đã nhanh chóng sao chép nó để nghiên cứu tổng thể và chi tiết, với mục đích sửa chữa cho ngon lành. Thời điểm đó, sở hữu được cây Fender thì xem như đời lên số má, vì nó rất đắt đỏ, khó mua, lại chuẩn mực về âm thanh. Mà không riêng gì người Việt thấy Fender đắt, người Mỹ cũng thế, nên nhiều người đã đặt tôi làm giống nhãn hiệu này. Đồ của Fender, thời bấy giờ (năm 1962), cây đàn Fender 1000 Steel Guitar là khó làm nhất, cả châu Á chưa nước nào làm được, vậy mà tôi dám nhận lời làm cho một người Mỹ một lúc 6 cây. Cái này là phiêu lưu khám phá thôi, chứ khi vào làm mới thấy mất công và tốn tiền dữ lắm, lỗ sặc gạch. Bên Mỹ cây đàn này được bán với giá chừng 2.000 USD, lúc đó tôi chỉ lấy 350 USD.
Nhạc sĩ Trần Thạnh với cây đàn Lâm Hào. Ảnh: TheThaoVanHoa.vn
Nhạc sĩ Trần Thạnh với cây đàn Lâm Hào. Ảnh: TheThaoVanHoa.vn
* So với Fender, cái gì ông ưu trội, cái gì ông chịu thua?
- Rõ nhất là chịu thua về nước sơn, vì nguồn sơn và thợ sơn của mình không lành nghề bằng họ, nên chơi vài ba năm là bong tróc; gỗ của mình cũng không tốt bằng, nên sau khoảng 10 năm là mối mọt. Mỹ cũng biết điều này nên hay đặt tôi làm đàn sơn mài hoặc cẩn xà cừ, họ rất thích, vừa lạ mắt, vừa rất bền. Cái khó nhất trong cây đàn Fender là cần đàn gỗ, nó có một lõi thép chính giữa, lên dây kiểu gì cũng không cong, cái này chúng tôi mày mò hơn hai năm cũng làm được. Còn về âm thanh, tôi chẳng biết so thế nào, vì không đủ thẩm quyền, chỉ thấy giới chơi nhạc chuyên nghiệp người Mỹ hay Philippines rất thích đàn của tôi, mỗi lần về nước là đều dành tiền mua 5-7 cây. Thấy người nước ngoài mua đàn của mình nhiều, tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình bán rẻ hơn (chừng 50 đến 100 USD/ 1 cây) và tiện đường, họ ở Sài Gòn thì mua đàn ở Sài Gòn, vậy thôi.
* Vậy sao khi sang Mỹ định cư, ông không xin vào làm trong Hãng Fender như nhiều người đồn đại?
- Tôi chưa bao giờ làm cho Fender, vì suy nghĩ rằng, ở Việt Nam mình làm đàn là vì bản thân, bạn bè, giới âm nhạc quá cần, qua Mỹ thì làm cho ai đây.
Khi đến Mỹ tôi đã mất hai năm đi học để thành kĩ sư, làm cho hai hãng chế tạo, một hãng có 400 người, một hãng có hơn 5.000 người, nghĩa là mình rất bé nhỏ trong đó. Tôi làm cho hãng 5.000 người rất lâu, chuyên sản xuất các siêu kính hiển vi để kiểm tra các con chip trong máy vi tính hoặc những thứ siêu nhỏ khác; vài cỗ máy như vậy có giá bán lên đến 26 triệu USD. Hãng này đã giữ chân tôi đến năm 76 tuổi mới cho về hưu. Nói dài dòng như vậy để thấy rằng, nếu có quyết tâm vào Fender, tôi có thể làm được, nhưng ở đời mỗi lúc có một ưu tiên, tôi đã quyết định bỏ nghề làm đàn ngay khi đến Mỹ.
Cây đàn Fender 1000 Steel Guitar (hình cận), mà theo Lâm Hào là khó chế tạo nhất. Ảnh: TL (TheThaoVanHoa.vn)
Cây đàn Fender 1000 Steel Guitar (hình cận), mà theo Lâm Hào là khó chế tạo nhất. Ảnh: TL (TheThaoVanHoa.vn)
* Ngoài guitar, ông còn chế tạo những nhạc cụ nào?
- Chúng tôi làm theo tinh thần cây nhà lá vườn, nghĩa là có nguyên vật liệu đến đâu làm đến đó, hoặc có nhạc sĩ yêu cầu trợ giúp, thì mình mày mò. Từ khoảng 1968, tôi đã sửa được đàn organ, khoảng 1970 là có thể chế tạo, nhưng chẳng ai đặt hàng, nên không làm.
Ngay khi làm được cây đàn guitar điện đầu tiên, tôi cũng làm được một ampli đủ sức đứng trên các sân khấu. Lúc đó ampli Fender có giá chừng 400 USD, của chúng tôi chỉ khoảng 60 USD, nên được nhiều anh em chơi rock ủng hộ, chúng tôi đã bán hơn 1.000 bộ ampli. Cũng như guitar điện, tôi đã tốn hai ba ngàn USD cho việc mua ampli mới về giải phẩu, tìm hiểu và lập xưởng đúc, xưởng chế tạo linh kiện… Ngoài ra, chúng tôi còn làm một số thứ lặt vặt cho dàn nhạc, ví dụ như micro không dây, hát nhạc gì thì dùng micro loại nấy…
Trong các loại guitar điện, tôi thích làm nhất là cây bass, một phần do mình thích chơi nhạc cụ này, một phần do thứ âm thanh mạnh mẽ và điệu nghệ của nó.
* Xin hỏi thật ông có buồn khi nghe người ta nói mình đã chết không?
- Tôi vui nữa là khác, nói chết mà không chết là hỷ sự. Vì một đời người, tuy ngắn ngủi, nhưng chắc chắn chúng ta đã có vô số lần chạm trán cái chết, mà ai chẳng chết một lần, có gì phải sợ. Nhìn một cách nào đó, khi bỏ nghề làm nhạc cụ (năm 1979), lúc ấy xem như tôi đã chết. Năm nay tôi 80 tuổi, trải qua nhiều biến cố, đi làm còn “ăn gian” được 11 năm sau tuổi hưu, như vậy đã quá lời rồi. 
Về nhạc cụ Lâm Hào, nhạc sĩ Trần Thạnh phân tích:
Cần gạt của cây đàn Fender Stratocaster cho ra 5 âm sắc, còn Fender Telecaster cho 3 âm sắc, trong khi đàn Lâm Hào cho ra 7 âm sắc, là một sự pha trộn tuyệt vời; đặc biệt chỉ 3 nút gạt nhưng cho ra nhiều âm sắc mạnh mẽ, cao thấp linh hoạt, tiếng trong veo như pha lê. Thùng đàn mỏng hơn, thân gọn, phù hợp với vóc dáng người Á châu. Ampli cũng chẳng thua kém, phần lớn linh kiện chính là tự chế tại nhà, một số phụ kiện phải nhập… nhưng nếu đánh với loa tốt của Anh thì số dzách, càng chơi lâu càng sắc cạnh. Dân chơi rock ‘n’ roll thời bấy giờ mà có cặp đàn và ampli của Lâm Hào là tha hồ tung hành. 
* * *
Lâm Hào hiện thế nào?
 4-5 năm nay gia đình không liên lạc được, vì ông đổi số điện thoại. Chỉ biết ông đang sống với vợ kế ở San Jose, vốn là một ca sĩ của đoàn Bông Sen, vẫn còn khỏe mạnh, 1-2 năm trước có về TP.HCM chơi. Vợ lớn của ông tên Hà Ái Cầu, có với ông một gái (tên Lâm Mẫn Huệ, sinh ngày 3/11/1956) và hai trai, họ đang sống ở Los Angeles.
Theo một nhà báo viết mảng âm nhạc tại California, có tin Lâm Hào đã qua đời cách đây vài tháng, nên email và điện thoại đã khóa, nhưng lướt tìm quanh các mạng thông tin thì chẳng có nơi nào đăng tải. 4-5 nhạc sĩ ở Mỹ từng quen Lâm Hào thì phản đối tin này, có người nói ông vẫn khỏe mạnh, thỉnh thoảng vẫn lui tới Hãng Fender để làm vài việc thủ công.
Theo bút tích của Hoàng Hựu Tân đề tặng phía sau các bức ảnh chụp từ năm 1962, thì Lâm Hào còn có tên hiệu là Lâm Nãi Hào. Theo bản sao thẻ căn cước cấp lần hai ngày 17/9/1970 thì Lâm Hào có tên Lâm Lục Đê, sinh năm 1933 tại Chợ Lớn, cha tên Lâm Kinh, mẹ tên Tô Mai. Lúc làm căn cước, ông cao 181cm, nặng 61kg. Nếu Lâm Hào còn sống, nay ông đã bước qua 80 tuổi, theo âm lịch.
Theo Như Hà-TT&VH Cuối tuần số ra ngày 23/11/2012
NHƯ HÀ (thực hiện) 
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

CASSETTE: HOÀI NIỆM MỘT THỜI

Tuổi thơ của chúng tôi gắn liền với chiếc máy cassette rè rè mà ba tôi cẩn thận giữ lại như một kỷ vật thời tham gia quân đội miền Nam Việt Nam. Khi ấy, đầu những năm 1980, là quãng  thời gian khó khăn về mọi mặt, từ viên kẹo, hộp sữa, ký thịt heo cho đến đời sống tinh thần. Đĩa nhựa thì không còn được sản xuất và dần thay thế bằng băng cassette. Thuở đó, giống như nhiều làng quê Việt Nam khác, mảnh đất Tuy Hòa miền Trung quê tôi đời sống vật chất  tuy thiếu thốn nhưng tình làng nghĩa xóm thì tràn đầy.
Đã hơn 30 năm nhưng chúng tôi vẫn còn nhớ như in mỗi đêm cúp điện (lúc đó buổi tối vẫn chưa có điện thường xuyên như bây giờ), ba tôi và mấy bác lớn tuổi tập trung lại, uống trà, ngắm hoa và mở cassette nghe đọc truyện Tàu như ‘Tam Quốc Chí’, ‘Thủy Hử'; còn lũ trẻ chúng tôi tụ tập xung quanh lắng nghe từng câu chữ, mê hoặc giọng đọc truyền cảm và liêu trai của xướng ngôn viên.
Rồi cũng có khi anh chị chúng tôi mượn được của bạn bè một băng cassette cũ của Duy Khánh hay Chế Linh thâu âm trước 1975, và nhất là cuốn ‘Sơn ca 7 – Khánh Lý & Trịnh Công Sơn’. Tôi còn nhớ lúc đó vừa nghe vừa phải trực trước cái máy để xem có bị rối băng hay không. Nếu có thì phải tháo ra, cẩn thận kéo cuộn băng từ để đừng làm nó đứt hay bị dập. Rồi vui nhất là đi hái lá mít để lấy mủ mà dán cho nó ‘lành lặn’ trở lại. Xong, nghe lại thấy vui ghê!
Mới đó mà đã hơn nửa đời người! Qua bài viết này DongNhacXua.com xin tri ân ba mẹ, anh chị, bạn bè và cả những chiếc máy và băng cassette cổ lỗ sỉ đã làm phong phú cho tuổi thơ của cả một thế hệ chúng tôi.
Máy cassette. Ảnh: muare.vn
Máy cassette. Ảnh: muare.vn
CASSETTE 50 TUỔI
(Nguồn: tác giả N.M đăng trên báo Thể Thao & Văn Hóa)
(Thethaovanhoa.vn) – Ở thời buổi bây giờ, để giới thiệu cho một đứa trẻ lên 8 hiểu thế nào là băng cassette thì chỉ còn cách search google trên iPad. Nhưng với những thế hệ trưởng thành từ những năm 80 trở về trước, cassette luôn là một thế giới. Hôm 13/9 vừa qua, thế giới đã long trọng kỉ niệm 50 năm ngày cassette ra đời.
Gọi “long trọng” cho khí thế chứ thật ra sự kiện lớn nhất là một ngày hội mang tên Cassette store day được tổ chức không xôm tụ lắm ở Úc, còn thì vẫn chỉ là những hoài niệm trên báo, hoặc đâu đó trên Facebook. Dư chấn của nó là những tiếng thở dài.
Ngày 13/9/1963, hãng Philips long trọng tuyên bố với thế giới rằng một sản phẩm mới tinh ra đời để thay thế cho những chiếc băng cối cồng kềnh, vừa dễ cầm, dễ mang theo và chất lượng thu thanh vẫn được đảm bảo. Họ gọi đó là cassette.
Băng cassette. Ảnh: TheThaoVanHoa.vn
Băng cassette. Ảnh: TheThaoVanHoa.vn
Cassette là một thiết bị dùng để lưu trữ dữ liệu âm thanh trên 2 mặt. Cuộn băng từ trường này rộng 3,81 mm, còn độ dài của cuộn băng tùy thuộc vào thời gian có thể chạy của cả băng, như có nhiều chuẩn thông dụng C60 (30 phút âm thanh mỗi mặt), C90 (45 phút mỗi mặt)… So với một chiếc đĩa than bị khống chế nhiều về thời gian thì việc nghe được 90 phút âm nhạc từ cassette là một khác biệt lớn. Chưa kể cassette tiện lợi, nhỏ gọn và giá thành rẻ hơn. 
Từ năm 1965, những băng nhạc cassette thông dụng bắt đầu được bán ra thị trường, lúc đầu chỉ có thể phát bằng chất lượng âm thanh mono nhưng từ năm 1966 đã có băng cassette stereo. Cho đến năm 1988, riêng hãng Philips, đã bán được khoảng 3 tỷ cuộn băng cassette chưa kể những hãng sản xuất nổi tiếng khác như TDK, Maxell, hay Nakamichi…
Dale Wiggins, trưởng bộ phận nghiên cứu của hãng Philips tại Mỹ cho rằng cassette ra đời là nhu cầu thiết yếu để đơn giản hóa việc nghe nhạc, đặc biệt là từ băng cối, một công nghệ  khá cồng kềnh. “Với cassette, bạn chỉ cần đưa nó vào hộc băng và nhấn play, tất cả còn sẽ là tự động”. Sau cassette là sự ra đời của CD, DVD và bây giờ là nhạc số. 
“Nhưng âm thanh của cassette vẫn mang một màu sắc riêng, cho dù không thật sự hay bằng đĩa nhựa nhưng chất âm analog của nó vẫn hơn đứt công nghệ số ngày nay”, Patrick Butler, một tay mê cassette chính hiệu, đã “gào” lên như thế trên tờ tạp chí dành cho dân chơi âm thanh, Stereophile.
Nhưng không phải ai cũng là Butler, âm nhạc vẫn là âm nhạc dù nghe qua bất kỳ hình thức gì và số đông vẫn nghe theo cách của xu hướng tân thời. “Đúng là tôi rất buồn bã, cả một thời kỳ, nhiều thế hệ đã lớn lên bằng băng cassette và giờ đây tất cả chỉ còn là ký ức”, Scott Seward, một người phê bình âm nhạc ở Massachusetts, phát biểu. “Nhưng cassette không bị diệt vong, tôi vẫn thấy những nhóm nhạc indie phát hành cassette vì đơn giản giá thành chúng chỉ là 1 USD so với 18 USD của đĩa nhựa hay 10 USD của CD. Ở Trung Đông hay những vùng thôn quê tại châu Á những chiếc băng cassette vẫn được nghe thường xuyên. Tất nhiên thế giới vẫn phát triển nhưng cassette sẽ không bao giờ chết, giống như đĩa than vậy. Sự hoài cổ và giá thành rẻ sẽ giúp chúng tiếp tục tồn tại”, Seward nói thêm. 
Một chuyên gia của hãng Maxell khẳng định dù có nghe đi nghe lại hàng trăm lần nhưng chất lượng cassette của Maxell ngày xưa vẫn ổn định. “Tất nhiên là băng sẽ nhão nhưng nếu bạn chỉ để nghe và không thâu đi thâu lại nhiều lần thì chất lượng của chúng vẫn rất tuyệt hảo”. Độc giả của nhiều tờ báo lớn đã nói rằng họ luôn nhớ cảm giác dùng bút chì cho vào bánh răng quay để gỡ rối băng cassette là một trải nghiệm chẳng bao giờ quên.
Ở Việt Nam những chiếc băng cassette cũ sau một thời gian nằm kho, giờ cũng khá có giá trị trên thị trường, đặc biệt là những cuộn băng gốc nước ngoài hoặc những băng cassette ở miền Nam trước đây. Đi theo nó là cả một thị trường máy cassette cũng nhộn nhịp không kém.
Liệu cassette có trở lại thời hoàng kim của mình hay chỉ là một thú chơi hoài niệm? Điều này rất khó trả lời. Tờ Wftv cho rằng thay vì trả lời việc bạn cần phải làm là hãy đem chiếc máy casette vốn để quá lâu trong nhà kho ra lau thật sạch, đừng quên chùi đầu từ và chọn lại một cuồn băng ngày xưa từng rất thích ra nghe. Hãy nghe lại và rủ những người trẻ nghe cùng. Câu trả lời sẽ nằm ở quyết định sau đó của bạn.
N.M 
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

AKAI: HOÀI NIỆM MỘT THỜI

Akai: Hoài niệm một thời

Tiếp nối bài viết về chiếc máy cassette, vốn dĩ cũng đã xa lạ với thế hệ 8X, 9X, hôm nay DongNhacXua.com xin đăng lại một bài viết về một máy nghe nhạc có lịch sử thậm chí còn xưa hơn: máy hát băng cối mà người miền Nam hay gọi là máy Akai.
TÍN ĐỒ AKAI
(Nguồn: bài viết của tác giả Nguyễn Đình đăng trên DoanhNhanSaigon.vn)
Máy nghe nhạc Magnetophone dùng băng magnetic (quen gọi là băng cối) có rất nhiều thương hiệu nhưng được dân chơi định danh chung là máy Akai. Akai là một dòng máy hát cổ lỗ sĩ tưởng chỉ để bán ve chai trước trào lưu các dòng máy nghe nhạc hi-end công nghệ hiện đại, nhưng vẫn được giới sưu tầm Việt Nam săn lùng và đưa về thời hoàng kim của nó.
 
 
Ảnh: DoanhNhanSaigon.vn
Ảnh: DoanhNhanSaigon.vn
Phải đến những năm 2000, phong trào chơi nhạc xưa, săn lùng máy Akai mới bắt đầu quay trở lại với một ít người tiên phong trong thú chơi hội đủ các độ khó và phức tạp của nghề sưu tầm. 
“Nghĩa Akai”
“Ngày nào mà không loay hoay với băng đĩa, máy hát Akai, tự nhiên thấy trong người thiếu thiếu một cái gì đó” – Nghĩa Akai tâm sự ngắn gọn về niềm đam mê bất tận của mình với thú chơi mà anh theo đuổi từ hơn 10 năm nay.

Ảnh: DoanhNhanSaigon.vn
Ảnh: DoanhNhanSaigon.vn
Nghĩa Akai đang sở hữu bộ sưu tập Akai đồ sộ về chủng loại, số lượng và cũng đồng thời là chủ nhân của bốn quán cà phê nghe nhạc xưa. Chính vì thế mà dân sưu tầm gán luôn biệt danh “Akai” cho Nghĩa như khẳng định niềm đam mê bất tận của anh với thú chơi này. 
Nghĩa kể: “Tôi mê nhạc xưa từ năm 1982. Khi ấy, muốn kiếm quán cà phê nghe nhạc khó khăn lắm, sau đó vướng bận chuyện học hành, đây đó khắp nơi, làm đủ nghề, về lại Sài Gòn, mãi đến năm 2003, tôi mới có đủ điều kiện tập trung sưu tầm máy Akai. Khi ấy nguồn máy còn nhiều, chợ Nhật Tảo là điểm đến quen thuộc vì nơi này hay bán máy cho các đoàn làm phim mua làm đạo cụ. Ở Lê Công Kiều cũng có bán nhưng người mua để trưng bày hơn là sử dụng. Nhìn chung, giới chơi Akai lúc đó ít lắm vì băng đĩa rất hiếm”.
 
 
Trước khi chuyển sang sưu tầm máy Akai và nhạc xưa, Nghĩa đã từng là một tay sưu tầm có hạng các đồ xưa cũ của những năm 1960 trở về trước, cả những dòng xe cổ, từ hai bánh đến bốn bánh. Khi bắt đầu tập trung cho Akai, mọi đam mê khác dần nhường chỗ cho thú vui này. Từ Huế vào Nam, hễ nghe nơi nào có máy Akai là Nghĩa tìm đến, đơn giản chỉ vì: “Nghe nhạc từ máy Akai nó gợi lại thời trẻ tuổi, hơn nữa khi có đĩa CD, nghe Akai tôi thấy âm thanh trung thực và liêu trai hơn, nên càng nghe càng nghiền”.
Ảnh: DoanhNhanSaigon.vn
Ảnh: DoanhNhanSaigon.vn
Có những lần gặp Nghĩa thấy hai con mắt thâm quầng, hỏi ra mới biết anh thức trắng đêm chỉ để nghe đi nghe lại một cuốn băng mới sưu tầm với những bài nhạc xưa quý hiếm.Khắp nhà Nghĩa, máy Akai xếp từ chân tường đến đụng trần. Chủ nhân suốt ngày loay hoay chỉnh sửa, rã máy này, ráp máy kia.
 Nghĩa kể: “Lúc đầu chưa kinh nghiệm, coi máy không kỹ, mua về bị máy hành đến nơi đến chốn, rồi phải tự mày mò, lục tìm thông tin trên mạng, gặp gỡ những thợ sửa Akai trước đây để học hỏi thêm. Ở Việt Nam hết máy để tìm thì lên eBay đấu giá, nhờ bạn bè, người thân ở nước ngoài xách máy về”.
Nghĩa còn có một kho nhạc đồ sộ, từ nhạc xưa của Việt Nam đến các thể loại nhạc nước ngoài. Tuy Nghĩa không dám khẳng định là đầy đủ trọn bộ, nhưng giới chơi Akai, hễ ai thiếu thứ gì, người đầu tiên họ nghĩ đến là Nghĩa, và hầu hết những yêu cầu đều được đáp ứng.
 Cả những ca sĩ của Sài Gòn xưa như Lệ Thu, Giao Linh, Phương Dung…, đến các nhạc sĩ tên tuổi ngày nay cũng tìm đến Nghĩa để xin tư liệu là các bản nhạc mà Nghĩa sưu tầm do chính họ trình bày mà không lưu giữ được.
Chơi Akai dễ mà khó
Những người yêu thích nhạc xưa, thích sưu tầm máy Akai trước đây hầu hết ở lứa tuổi từ 35-60, bởi Akai từng là một thời kỷ niệm của họ. Những năm gần đây, người trẻ mê Akai ngày càng nhiều. 
Với khả năng nghiên cứu, tìm tư liệu trên mạng, các diễn đàn chơi Akai trong và ngoài nước, cùng trí nhớ tốt, những người trẻ đang dần làm sống lại thế giới nghe ngạc bằng máy Akai. Do nguồn tài chính hạn chế nên trong giới yêu nhạc xưa qua máy Akai đa phần tập trung sưu tầm nhạc, chưa chú trọng nhiều đến âm thanh và nguồn máy.
Ảnh: DoanhNhanSaigon.vn
Ảnh: DoanhNhanSaigon.vn
Những ca sĩ của dòng nhạc hiện đại như rapper Tiến Đạt cũng là một tín đồ của Akai, sở hữu một chiếc Studer dùng để thu âm với 24 đường tiếng, là hàng độc của thị trường Akai Việt Nam. 
Giới chơi Akai riêng ở Sài Gòn nay đã có vài điểm đến quen thuộc để gặp gỡ, giao lưu và trao đổi máy móc, chia sẻ đam mê. Việc mua bán máy Akai trên thị trường cũng ngày càng dễ dàng hơn, nhất là việc chọn mua trên mạng từ các nước sản xuất dòng máy này như Nhật, Đức, Mỹ, với các thương hiệu Akai, Revox, Ampex, Studer, Teac, Sony… giá đủ cấp độ, từ đôi ba triệu cho đến năm bảy nghìn USD tùy theo giá trị và chất lượng của từng đời máy. Cái dễ của việc sưu tầm máy Akai là vậy. 
Akai hư hỏng, sửa ở đâu? Máy Akai dễ hư nhất là đầu từ, nhưng có thể thay thế nhờ giới sưu tầm, những quán cà phê như Nhạc Xưa, Con Sóc ở đầu đường Bà Huyện Thanh Quan, Nghĩa Akai cuối đường Pasteur… Việc chỉnh sửa, thay đổi hoặc mua máy mới cũng dễ dàng, bởi ở các điểm cà phê Akai của Sài Gòn đều có anh em trong nghề chuyên cung cấp dịch vụ này, hoặc giới thiệu, trao đổi những dòng máy Akai cho người chơi.
Nhưng cái khó nhất trong thú chơi Akai, theo Nghĩa, là nguồn băng. Đây là mảng quan trọng nhất, bởi có máy xịn mà băng dở thì cũng bằng không.
Nhạc Việt Nam những năm 1950 đa phần là đĩa cải lương, rất ít tân nhạc, đến thập niên 1960-70 thì dòng nhạc nước ngoài nhiều hơn, nguồn nhạc này cũng dễ tìm vì có thể sưu tầm từ các nước châu Âu và Mỹ, hoặc qua những Việt kiều có cùng đam mê sưu tầm đem về trao đổi. 
 
Chuyện tìm được một băng nhạc ưng ý có khi mất cả vài năm, mua đổ đống cả trăm cuốn băng may ra chỉ lựa được một hai cuốn có chất lượng tốt. Nhưng nghề chơi là vậy. Nghĩa Akai từng khẳng định: “Nếu đã đam mê rồi thì kiểu gì cuối cùng cũng tìm ra được món ưng ý để mua”.
Mỗi đời máy Akai lại mang một tính năng riêng, cho ra một âm thanh riêng biệt. Dòng máy phổ biến kiểu gia đình là dòng Akai M, với âm thanh mono, đến dòng M5- M11 là âm thanh stereo, M4-M8 được người yêu nhạc xưa chuộng bởi xài bóng đèn, đem lại âm thanh sạch, mộc, trong và tách chậm tiếng, nghe bản nhạc cùng một thời lượng nhưng có cảm giác nhả tiếng chậm hơn.

Bộ dạng với băng từ loằng ngoằng, hai bánh cối to đùng, nút bấm, đèn đóm, đồng hồ loạn xạ…, quả thật nhìn máy hát Akai có vẻ khó sử dụng ngay cả lúc cho băng vào máy. Nhưng khi tiếng nhạc cất lên, âm thanh mộc mạc, phô diễn chất giọng thật của ca sĩ thì những giai điệu ấy làm xốn xang lòng người, nhất là người luôn sống với thời quá vãng. Những quán cà phê của Sài Gòn thập niên 1980 như Thái Sơn – Đồng Khởi, Châu Thạnh – Lý Chính Thắng, Hương – Lê Thị Riêng… từng là một thời để nhớ của những tín đồ mê nhạc xưa phát ra từ chiếc máy Akai cũ kỹ.  Những người chơi Akai kỳ cựu khuyên rằng, bắt đầu chơi Akai, nên chọn những dòng máy phổ thông, vừa túi tiền, sau mới phát huy dần kỹ năng và sở thích để nâng cấp các dòng máy phù hợp với nhu cầu. Băng là hàng đầu, sau đến cặp loa, amply, rồi tới máy. Chọn được bộ Akai đồng bộ là tốt nhất, nhưng với trên 100 đời máy của các nhãn hiệu và chủng loại thì công việc này không mấy đơn giản, đòi hỏi phải có lượng kiến thức đáng kể cùng việc tiêu tốn khá nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.
Các diễn đàn về âm thanh trên mạng như VNAV, hoặc có thể tra cứu “AKAI” trên mạng cũng sẽ tìm được nhiều thông tin phong phú về các đời máy và các hội nhóm sưu tầm Akai.
Các điểm cà phê Akai cũng là nơi trao đổi băng nhạc, người chơi có thể tìm đến các địa chỉ này để tìm nghe, trao đổi, chép lại những bản nhạc xưa yêu thích.
  
NGUYỄN ĐÌNH
 http://www.dongnhacxua.com/category/topic/nhac-cu

Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

TÁC ĐỘNG VÔ HÌNH CỦA ÂM NHẠC (VÀ CÁCH ĐỂ TẬN DỤNG TRONG MIXING)

Hôm nay tôi muốn giới thiệu cùng bạn đọc bài viết rất hay của anh Trần Kim Phước (đồng tác giả album Thế Giới Tưởng Tượng mà Tạp chí MIX đã có dịp phỏng vấn) về tác động của âm nhạc lên cuộc sống con người. Trong bài viết, anh Kim Phước cũng chia sẻ những kinh nghiệm thực tế liên quan tới sản xuất âm nhạc mà có lẽ ít nhiều người trong số chúng ta chưa thật sự để ý tới. Phần tiêu đề do Tạp chí MIX tự trích dẫn.

Âm nhạc khiến người nghe lú lẫn hơn

Âm nhạc khiến người nghe lú lẫn hơn so với khi không nghe nhạc. Một bản nhạc càng hay, càng có chiều sâu, càng làm cho người nghe “quên mất thực tại” xung quanh, kích thích trí tưởng tượng sinh ra đủ loại vọng tưởng trong tâm trí.
Âm nhạc là âm thanh của những vọng tưởng. Người nghe nhạc đón nhận những vọng tưởng dạng âm thanh ấy vào mình, rồi chuyển thành trí tưởng tượng bên trong. Vì vậy rất khó tập trung làm việc, suy nghĩ khi đang nghe nhạc. Tâm trí trực tiếp bị âm nhạc tác động, nên giảm khả năng tập trung vào thực tại.
Âm nhạc khiến ta mơ màng, khó tập trung vào thực tại
Âm nhạc khiến ta mơ màng, khó tập trung vào thực tại
Những người làm nghề phòng thu, tập band nhạc trong phòng kín, với âm lượng lớn, sau vài tiếng làm việc liên tục, khi làm xong, thường có cảm giác tâm trí trở nên…rỗng. Thần thức đã bị âm nhạc đánh tan tứ tán mà ít ai chú ý.
Tâm trí trực tiếp bị âm nhạc tác động, nên giảm khả năng tập trung vào thực tại.
Do âm nhạc có tính chất khiến người nghe quên mất thực tại, mang tính phân tán tâm lý, nên khi buồn, nghe nhạc, có khi sẽ vơi bớt nỗi buồn. Khi vui, chơi nhạc một lúc thì niềm vui ấy cũng biến mất theo.
Vì vậy bạn hãy chú ý hơn đến tâm trạng của mình, và chọn dòng nhạc thích hợp, thời gian phù hợp để nghe nhạc. “Chỉ nên nghe nhạc trong thời gian ngắn”. Không nên nghe nhạc liên tục trong thời gian quá dài. Nghe nhạc trong thời gian dài, không chỉ ảnh hưởng thính giác, mà còn ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần, tâm lý.
Nhạc không lời lại khiến người nghe dễ lú lẫn hơn nhạc có lời
Thể loại nhạc khác nhau, cũng tác động lên tâm lý người nghe khác nhau. Nhạc có lời, thì bức tranh chính được miêu tả bằng lời ca. Nhạc không lời, toàn bộ bài nhạc là một bức tranh. Vì vậy nhạc có lời thường không hút hồn người nghe bằng các thể loại nhạc không lời, khi nghe tỉnh táo hơn, bạn cũng có thể hát theo. Nhưng nhạc không lời lại khiến người nghe dễ lú lẫn hơn nhạc có lời, người nghe chỉ im lặng nghe, dễ dẫn đến hôn trầm, mơ màng hơn.

Ứng dụng vào tập Band và phòng thu

Với những bạn làm nghề phòng thu, tập band nhiều, cố gắng điều chỉnh âm lượng chỉ vừa đủ nghe, không nên nghe quá to. Nếu tập band, có thể chèn, lót bộ trống, hay giảm lực đánh lên trống để tiết chế volume, vì trong phòng tập thường trống luôn to nhất, hoặc có khu vực cách âm riêng cho dàn trống, người chơi trống cũng nên nhét nút cách âm vào tai, giảm cường độ trống dội vào tai mình. Tránh trường hợp trống phang hết cỡ, rồi vặn amply nhạc cụ khác to theo. Khi mix, cần nghe với âm lượng rất nhỏ, rồi tăng dần đến to, để nghe được đầy đủ âm vực, không gian tổng thể.
Các metal band thường tập với cường độ âm thanh rất lớn
Các metal band thường tập với cường độ âm thanh rất lớn
Nếu nghe quá to, sẽ “không thể” nghe thấy không gian tổng quát của cả bài, dẫn đến việc mix sound nào cũng to đều nhau, track nào cũng đẩy volume to hơn, không tạo được chiều sâu cho bản mix. Khi nghe với âm lượng cực nhỏ, bạn mới có khả năng nghe toàn bộ tác phẩm từ khoảng cách xa hơn, đầy đủ hơn. Volume càng nhỏ, tương đương khoảng cách càng xa. Cách này áp dụng cho nghe bằng loa monitor và dùng headphone cũng tương tự.
…rất nhiều nhạc sĩ phòng thu Việt Nam hiện nay, làm hòa âm phối khí, khi làm để volume loa cực to, mình đứng cách loa cỡ 4 mét mà còn bị tức ngực…
Với kinh nghiệm thực tế, theo quan sát của mình, rất nhiều nhạc sĩ phòng thu Việt Nam hiện nay, làm hòa âm phối khí, khi làm để volume loa cực to, mình đứng cách loa cỡ 4 mét mà còn bị tức ngực, nói chuyện không thể nghe lẫn nhau. Nên không có cách nào cân chỉnh được chiều sâu cho bài. Vì mọi âm thanh đã bị dồn lên quá mức so với không gian phòng. Mọi âm thanh giống như quả bóng thổi căng tràn cả phòng, nên không thể thấy được hình thù quả bóng, quả bóng trở nên dị dạng. Chỉ khi quả bóng to vừa đủ diện tích căn phòng, cỡ bằng cái bàn cái ghế, bạn mới có khả năng nhìn toàn vẹn quả bóng âm thanh.
Đây là thủ thuật mix tuy rất cơ bản, nhưng hầu hết người hành nghề đều phạm phải ngay từ đầu, lâu ngày thành thói quen, nghe nhỏ không thể cảm nhận để mix, dẫn đến hư tai + hư bài + tạo thói quen sai cho ca sĩ, khách hàng khi cùng ngồi nghe chung. Cứ bật to cho rung bàn ghế mới thấy phê, thấy ngầu, là sai nguyên tắc mix. Muốn rung bàn ghế nên mua thêm loa Sub, mở âm lượng vừa đủ cũng tạo ra độ rền khi nghe.

Những căn bệnh nghề nghiệp

Như mọi ngành nghề khác, người làm nghề nhạc, luôn có kỹ năng chuyên môn cao hơn người khác, nhưng cũng mang theo những căn bệnh nghề nghiệp nhiều hơn người khác. Để đánh động anh em làm nghề có ý thức giữ gìn bản thân, nhằm làm việc lao động tốt hơn, lâu dài hơn, mình nêu ra một vài căn bệnh nghề nghiệp mà nhạc sĩ phòng thu, nhạc công chơi band thường dễ mắc:
  • Tai bị ảnh hưởng do nghe âm thanh to suốt nhiều năm.
  • Lưng ảnh hưởng do ngồi quá nhiều, quá lâu. Ngồi học nhạc, ngồi tập nhạc, ngồi chơi nhạc, và ngồi làm nhạc. Khi đứng đeo đàn quá lâu, cũng ảnh hưởng cột sống.
  • Thần thức thường mơ màng, không thực tế bằng người nghề khác, vì tiếp xúc âm thanh lớn thường xuyên. Ví dụ dễ hiểu là khi bạn đi ngang anh công nhân đang khoan đường ầm ầm, chỉ đi ngang thôi, bạn đã cảm thấy tiếng ồn làm cho bực dọc, khó chịu, đinh tai nhức óc. Nhưng người nhạc sĩ ngồi thường xuyên trong studio cách âm, nghe to tương tự hoặc to hơn, lâu hơn, nên tâm lý cũng bị ảnh hưởng ít nhiều mà ít ai chú ý.
  • Bệnh tự cao, do âm nhạc thì không có thước nào để đo, không có cách nào chạm vào, nên tha hồ tự cho nhạc mình là nhất thiên hạ, hoặc cho rằng nhạc kia hay hơn nhạc nọ… Chơi với âm nhạc vô hình lâu ngày, người nhạc sĩ thường mắc bệnh tự cao ảo tưởng, kèm bệnh đánh giá tác phẩm của người ta mà mình không thể làm ra tương tự. Không có tiêu chuẩn nào đánh giá nhạc hay hay dở. Tùy người nghe thích thể loại nào, thì thể loại đó là hay nhất đối với họ. Không có nhạc sĩ hay nhất và dở nhất. Nói Bethoveen hay nhất thì thời nay chả mấy ai còn nghe cụ cả. Nói nhạc người lớn hay thì trẻ em không thích nghe. Nói nhạc trẻ em hay thì tình nhân không có nhu cầu nghe. Nói nhạc trữ tình hay thì khi hội họp tiệc tùng lại trở nên lạc quẻ… Tùy tâm trạng, tùy độ tuổi, tùy không gian thời gian, mà sử dụng âm nhạc như công cụ kích thích thêm cảm hứng tức thời, hay giải tỏa tâm lý khi ức chế…
  • Bệnh nghe EQ, phân tích bản Master của các nhạc sĩ, là thường gặp nhất. Đến nỗi nhiều khi show bài mới cho người khác, có cảm giác như mình ngồi kế 1 dàn EQ chuẩn đang phân tích bài mình dư treble thiếu bass, đọc tầng số vanh vách như thiên tài toán học. Không nên mang theo EQ để đi nghe nhạc người khác. Đây là một trong những căn bệnh khiến nhạc sĩ xích mích, bất đồng quan điểm, chia rẽ nhau hơn. Tai mỗi người chỉ nghe được quãng tần số khác nhau, không ai giống ai. Vì vậy đem lỗ tai mình đánh giá lỗ tai người khác là bệnh của cái Tôi, rất phổ biến trong giới nhạc sĩ VN, từ non nghề tới lão làng.

Tác động tích cực của âm nhạc

Tuy tác dụng phụ tiêu cực của âm nhạc, âm thanh nhiều như vậy. Nhưng khoa học đã chứng minh, nếu đặt bạn vào căn phòng cách âm hoàn toàn, Kỷ lục thế giới một người có thể chịu đựng nổi là 45 phút. Trong 45 phút không có âm thanh, con người dần nghe tiếng lục phủ ngũ tạng, tim gan mình to dần, mất thăng bằng vì không còn âm thanh nào để định hướng tâm trí, dẫn đến ảo giác, rồi hôn mê bất tỉnh.
Căn phòng tĩnh lặng nhất thế giới. Không ai chịu được quá 1 tiếng tại đây
Căn phòng tĩnh lặng nhất thế giới. Không ai chịu được quá 1 tiếng tại đây
Trong thực tế, sáng sớm nghe gà gáy, chim hót, có thể giúp tâm trí hưng phấn hơn cho một ngày mới. Hay vài lời thân thương cũng có tác dụng xóa tan mệt nhọc sau một ngày làm việc. Hay chợt một chiều nghe tiếng sấm rền đồng vọng vang trời, nghe mưa ca hát ngoài hiên, có thể lôi bạn về vùng ký ức xưa cũ nào đó. Tiếng trống trận giúp binh lính xung mãn, kích thích thần kinh cao độ trước khi lâm trận…

Âm nhạc, âm thanh là bất tử

Âm thanh, âm nhạc không mang tính chất nào trong nó. Mà tính trạng âm nhạc chỉ xuất hiện từ bên trong mỗi người nghe. Cùng một loại nhạc, người thấy thích, người không thích, người thấy sợ, người thấy xung… Sử dụng âm thanh, âm nhạc sao cho phù hợp, là nhu cầu thực tiễn trong thời đại văn hóa thế giới giao thoa, ngày càng văn minh, tiến bộ, thời đại âm thanh truyền qua một cú click chuột như hiện nay.
Thời xưa, muốn nghe nhạc phải có đủ vài chục người cho dàn giao hưởng, cộng thêm vị nhạc trưởng, mới có nhạc cho dân chúng nghe. Thời ấy, được nghe nhạc chỉ có dân “quý tộc thượng lưu” là vì vậy. Thời nay, ai cũng là thượng đế, nên cả dàn nhạc nằm gọn trong cái usb, và bạn là người nhạc trưởng của chính mình. Bạn có thể gặp Mozart hay Metallica tại bất cứ nơi nào bạn muốn. Nhiều khi không muốn cũng vô tình gặp.
Ở đâu có sự sống, ở đó có âm thanh. Nơi không có âm thanh, sự sống không tồn tại.
Âm nhạc, âm thanh nói chung không do ai sinh ra, cũng không do ai mà biến mất. Không sinh, không diệt, nên ông bà gọi là “Xướng Ca Vô Loài”. Mọi loài đều phải sinh ra và chết đi. Âm nhạc, âm thanh là bất tử. Người chơi nhạc sinh ra rồi mất đi. Lời ca đời nào hát cũng y vậy, bản thu âm chỉ là sóng âm, văn bản nhạc chỉ là tờ giấy, không mang sức sống nào bên trong chúng, nên cũng không bao giờ chết. Ở đâu có sự sống, ở đó có âm thanh. Nơi không có âm thanh, sự sống không tồn tại.
Âm thanh có thể làm vỡ nát vật chất
Âm thanh có thể làm vỡ nát vật chất
Âm thanh có thể làm vỡ nát vật chất, có thể làm điên loạn người nghe, âm thanh cũng có thể làm con tim phải bật khóc, có thể hàn gắn mọi vết thương tâm hồn, có thể tạo ra năng lượng bên trong người nghe, vừa là công cụ hữu ích, vừa là vũ khí vô hình. Tùy cách bạn sử dụng âm nhạc, sẽ biến nó thành món giải trí cho mình, hay từ karaoke gia đình mà cả xóm cũng phải nghe theo. Sử dụng giọng nói lớn có thể tạo độ trấn áp tinh thần người khác. Nhưng nói lớn lâu ngày dễ sinh bệnh lãng tai…
Sữa cung cấp chất dinh dưỡng cho trẻ. Âm nhạc, lời ru tiếng hát, là nguồn dưỡng chất cho tâm hồn mỗi đứa trẻ. Khi ra đi, âm nhạc cũng sẽ tiễn đưa một người và xoa dịu những người ở lại. Sử dụng âm nhạc phù hợp sẽ tăng chất lượng cuộc sống. Bị âm nhạc nhạc sử dụng, chất lượng tâm hồn cũng bị giảm theo.
Tác giả: Trần Kim Phước