Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

“TÔI LÀ LÂM HÀO, VẪN CÒN SỐNG ĐÂY!”

(Ngay sau khi DongNhacXua.com đăng lại một bài viết về ông Lâm Hào – người Việt Nam đầu tiên chế tạo thành công cây guitar điện và nhiều nhạc cụ khác thì một người bạn điện thoại từ Mỹ về cho chúng tôi biết là ông vẫn còn sống ở Hoa Kỳ. Tìm hiểu thêm thì chúng tôi phát hiện thêm một cuộc trò chuyện thú vị giữa Lâm Hào và báo Thể Thao & Văn Hóa.)
(Thethaovanhoa.vn) – Năm ngoái, trong quá trình tìm kiếm, sưu tầm tư liệu về Lâm Hào, người đã chế tác cây guitar điện hoàn toàn ở Việt Nam từ thập niên 1960, có thể sử dụg thay thế cho nhưng cây đàn ngoại nhập vừa hiếm vừa đắt đỏ (giá thành cao hơn 10-20 lần), chúng tôi cố liên lạc với ông bằng nhiều cách, nhưng thất bại. 
Những người biết, người quen “vua” chế tác guitar điện “made in Việt Nam” không ít, họ sẵn sàng chia sẻ nhiều nhận xét, nhiều câu chuyện về ông, nhưng cũng đã lâu họ đứt liên lạc với Lâm Hào. Vậy là bài báo Lâm Hào – Ông vua chế tạo guitar điện trên TT&VH Cuối tuần (11/2012), có đoạn: “Theo một nhà báo viết mảng âm nhạc tại California, có tin Lâm Hào đã qua đời cách đây vài tháng, nên email và điện thoại đã khóa, nhưng lướt tìm quanh các mạng thông tin thì chẳng có nơi nào đăng tải. 4-5 nhạc sĩ ở Mỹ từng quen Lâm Hào thì phản đối tin này, có người nói ông vẫn khỏe mạnh, thỉnh thoảng vẫn lui tới Hãng Fender để làm vài việc thủ công”.
Một ngày đầu tháng 3/2013, một cuộc điện thoại đến TT&VH Cuối tuần: “Tôi là Lâm Hào, vẫn còn sống đây”. Thế là “vua” chế tác guitar điện “made in Vietnam” đã trở về. 
Lâm Hào tuổi 80, ảnh chụp tháng 3/2013. Ảnh: Như Hà (TheThaoVanHoa.vn)
Lâm Hào tuổi 80, ảnh chụp tháng 3/2013. Ảnh: Như Hà (TheThaoVanHoa.vn)
* Ông ước tính mình đã làm khoảng bao nhiêu cây guitar điện không?
- Chẳng thể nào biết được, vì hơn 20 năm trong nghề, bên cạnh những chuyên viên về gỗ, về thép và bo mạch, tôi còn có hơn 40 thợ gia công tại xưởng, tất cả đều sống được. Chúng tôi vừa làm đàn cho nghệ sĩ chuyên nghiệp, vừa làm cho các cửa hàng bán đàn phổ thông ở khắp nơi. Trung bình mỗi ngày chúng tôi làm chừng 4-5 cây đàn cho nghệ sĩ chuyên nghiệp, lúc này vị thế cây guitar điện trong ban nhạc và cả ngoài xã hội rất quan trọng, là thời thượng, nên nhiều người muốn có.
* Tại sao ông lại nảy ra ý chế cây đàn theo Fender?
- Khoảng năm 1956, khi nhiều người Mỹ tại Sài Gòn muốn tìm chỗ sửa đàn. Khi cầm cây Fender trên tay, tôi đã nhanh chóng sao chép nó để nghiên cứu tổng thể và chi tiết, với mục đích sửa chữa cho ngon lành. Thời điểm đó, sở hữu được cây Fender thì xem như đời lên số má, vì nó rất đắt đỏ, khó mua, lại chuẩn mực về âm thanh. Mà không riêng gì người Việt thấy Fender đắt, người Mỹ cũng thế, nên nhiều người đã đặt tôi làm giống nhãn hiệu này. Đồ của Fender, thời bấy giờ (năm 1962), cây đàn Fender 1000 Steel Guitar là khó làm nhất, cả châu Á chưa nước nào làm được, vậy mà tôi dám nhận lời làm cho một người Mỹ một lúc 6 cây. Cái này là phiêu lưu khám phá thôi, chứ khi vào làm mới thấy mất công và tốn tiền dữ lắm, lỗ sặc gạch. Bên Mỹ cây đàn này được bán với giá chừng 2.000 USD, lúc đó tôi chỉ lấy 350 USD.
Nhạc sĩ Trần Thạnh với cây đàn Lâm Hào. Ảnh: TheThaoVanHoa.vn
Nhạc sĩ Trần Thạnh với cây đàn Lâm Hào. Ảnh: TheThaoVanHoa.vn
* So với Fender, cái gì ông ưu trội, cái gì ông chịu thua?
- Rõ nhất là chịu thua về nước sơn, vì nguồn sơn và thợ sơn của mình không lành nghề bằng họ, nên chơi vài ba năm là bong tróc; gỗ của mình cũng không tốt bằng, nên sau khoảng 10 năm là mối mọt. Mỹ cũng biết điều này nên hay đặt tôi làm đàn sơn mài hoặc cẩn xà cừ, họ rất thích, vừa lạ mắt, vừa rất bền. Cái khó nhất trong cây đàn Fender là cần đàn gỗ, nó có một lõi thép chính giữa, lên dây kiểu gì cũng không cong, cái này chúng tôi mày mò hơn hai năm cũng làm được. Còn về âm thanh, tôi chẳng biết so thế nào, vì không đủ thẩm quyền, chỉ thấy giới chơi nhạc chuyên nghiệp người Mỹ hay Philippines rất thích đàn của tôi, mỗi lần về nước là đều dành tiền mua 5-7 cây. Thấy người nước ngoài mua đàn của mình nhiều, tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình bán rẻ hơn (chừng 50 đến 100 USD/ 1 cây) và tiện đường, họ ở Sài Gòn thì mua đàn ở Sài Gòn, vậy thôi.
* Vậy sao khi sang Mỹ định cư, ông không xin vào làm trong Hãng Fender như nhiều người đồn đại?
- Tôi chưa bao giờ làm cho Fender, vì suy nghĩ rằng, ở Việt Nam mình làm đàn là vì bản thân, bạn bè, giới âm nhạc quá cần, qua Mỹ thì làm cho ai đây.
Khi đến Mỹ tôi đã mất hai năm đi học để thành kĩ sư, làm cho hai hãng chế tạo, một hãng có 400 người, một hãng có hơn 5.000 người, nghĩa là mình rất bé nhỏ trong đó. Tôi làm cho hãng 5.000 người rất lâu, chuyên sản xuất các siêu kính hiển vi để kiểm tra các con chip trong máy vi tính hoặc những thứ siêu nhỏ khác; vài cỗ máy như vậy có giá bán lên đến 26 triệu USD. Hãng này đã giữ chân tôi đến năm 76 tuổi mới cho về hưu. Nói dài dòng như vậy để thấy rằng, nếu có quyết tâm vào Fender, tôi có thể làm được, nhưng ở đời mỗi lúc có một ưu tiên, tôi đã quyết định bỏ nghề làm đàn ngay khi đến Mỹ.
Cây đàn Fender 1000 Steel Guitar (hình cận), mà theo Lâm Hào là khó chế tạo nhất. Ảnh: TL (TheThaoVanHoa.vn)
Cây đàn Fender 1000 Steel Guitar (hình cận), mà theo Lâm Hào là khó chế tạo nhất. Ảnh: TL (TheThaoVanHoa.vn)
* Ngoài guitar, ông còn chế tạo những nhạc cụ nào?
- Chúng tôi làm theo tinh thần cây nhà lá vườn, nghĩa là có nguyên vật liệu đến đâu làm đến đó, hoặc có nhạc sĩ yêu cầu trợ giúp, thì mình mày mò. Từ khoảng 1968, tôi đã sửa được đàn organ, khoảng 1970 là có thể chế tạo, nhưng chẳng ai đặt hàng, nên không làm.
Ngay khi làm được cây đàn guitar điện đầu tiên, tôi cũng làm được một ampli đủ sức đứng trên các sân khấu. Lúc đó ampli Fender có giá chừng 400 USD, của chúng tôi chỉ khoảng 60 USD, nên được nhiều anh em chơi rock ủng hộ, chúng tôi đã bán hơn 1.000 bộ ampli. Cũng như guitar điện, tôi đã tốn hai ba ngàn USD cho việc mua ampli mới về giải phẩu, tìm hiểu và lập xưởng đúc, xưởng chế tạo linh kiện… Ngoài ra, chúng tôi còn làm một số thứ lặt vặt cho dàn nhạc, ví dụ như micro không dây, hát nhạc gì thì dùng micro loại nấy…
Trong các loại guitar điện, tôi thích làm nhất là cây bass, một phần do mình thích chơi nhạc cụ này, một phần do thứ âm thanh mạnh mẽ và điệu nghệ của nó.
* Xin hỏi thật ông có buồn khi nghe người ta nói mình đã chết không?
- Tôi vui nữa là khác, nói chết mà không chết là hỷ sự. Vì một đời người, tuy ngắn ngủi, nhưng chắc chắn chúng ta đã có vô số lần chạm trán cái chết, mà ai chẳng chết một lần, có gì phải sợ. Nhìn một cách nào đó, khi bỏ nghề làm nhạc cụ (năm 1979), lúc ấy xem như tôi đã chết. Năm nay tôi 80 tuổi, trải qua nhiều biến cố, đi làm còn “ăn gian” được 11 năm sau tuổi hưu, như vậy đã quá lời rồi. 
Về nhạc cụ Lâm Hào, nhạc sĩ Trần Thạnh phân tích:
Cần gạt của cây đàn Fender Stratocaster cho ra 5 âm sắc, còn Fender Telecaster cho 3 âm sắc, trong khi đàn Lâm Hào cho ra 7 âm sắc, là một sự pha trộn tuyệt vời; đặc biệt chỉ 3 nút gạt nhưng cho ra nhiều âm sắc mạnh mẽ, cao thấp linh hoạt, tiếng trong veo như pha lê. Thùng đàn mỏng hơn, thân gọn, phù hợp với vóc dáng người Á châu. Ampli cũng chẳng thua kém, phần lớn linh kiện chính là tự chế tại nhà, một số phụ kiện phải nhập… nhưng nếu đánh với loa tốt của Anh thì số dzách, càng chơi lâu càng sắc cạnh. Dân chơi rock ‘n’ roll thời bấy giờ mà có cặp đàn và ampli của Lâm Hào là tha hồ tung hành. 
* * *
Lâm Hào hiện thế nào?
 4-5 năm nay gia đình không liên lạc được, vì ông đổi số điện thoại. Chỉ biết ông đang sống với vợ kế ở San Jose, vốn là một ca sĩ của đoàn Bông Sen, vẫn còn khỏe mạnh, 1-2 năm trước có về TP.HCM chơi. Vợ lớn của ông tên Hà Ái Cầu, có với ông một gái (tên Lâm Mẫn Huệ, sinh ngày 3/11/1956) và hai trai, họ đang sống ở Los Angeles.
Theo một nhà báo viết mảng âm nhạc tại California, có tin Lâm Hào đã qua đời cách đây vài tháng, nên email và điện thoại đã khóa, nhưng lướt tìm quanh các mạng thông tin thì chẳng có nơi nào đăng tải. 4-5 nhạc sĩ ở Mỹ từng quen Lâm Hào thì phản đối tin này, có người nói ông vẫn khỏe mạnh, thỉnh thoảng vẫn lui tới Hãng Fender để làm vài việc thủ công.
Theo bút tích của Hoàng Hựu Tân đề tặng phía sau các bức ảnh chụp từ năm 1962, thì Lâm Hào còn có tên hiệu là Lâm Nãi Hào. Theo bản sao thẻ căn cước cấp lần hai ngày 17/9/1970 thì Lâm Hào có tên Lâm Lục Đê, sinh năm 1933 tại Chợ Lớn, cha tên Lâm Kinh, mẹ tên Tô Mai. Lúc làm căn cước, ông cao 181cm, nặng 61kg. Nếu Lâm Hào còn sống, nay ông đã bước qua 80 tuổi, theo âm lịch.
Theo Như Hà-TT&VH Cuối tuần số ra ngày 23/11/2012
NHƯ HÀ (thực hiện) 
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét