Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

KHÁM PHÁ CÁC LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG XỨ QUẢNG (I)

Từ những năm đầu của thế kỷ XV – XVI, theo chân những lưu dân vùng Bắc Bộ mở đất về phương Nam, nhiều ngành nghề thủ công mỹ nghệ đã ra đời và phát triển mạnh mẽ trên vùng đất Quảng Nam. Những làng nghề thủ công, truyền thống nổi tiếng như làng gốm Thanh Hà, làng đúc đồng Phước Kiều, làng chiếu Bảo Thạch, làng trống Lâm Yên… từ lâu đã trở thành sản phẩm quen thuộc của Quảng Nam và một số tỉnh thành lân cận. Trải qua hàng trăm năm thịnh vượng, thăng trầm, một số làng nghề Quảng Nam vẫn được gìn giữ theo truyền thống cha truyền con nối cho đến ngày nay.
dsc0981-455846-1373333086_600x0

1. Làng chiếu Bàn Thạch
Từ thị trấn Nam Phước – huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) đi về hướng Đông khoảng 5 km, du khách sẽ bắt gặp những bãi đay xanh tốt nằm dọc hai bờ hữu ngạn con sông Thu Bồn. Đây là nguồn nguyên liệu chính của làng nghề dệt chiếu Bàn Thạch. Sợi đay đơn sơ nhưng qua bàn tay khéo léo, tài hoa của những người phụ nữ Bàn Thạch đã trở thành những chiếc chiếu trắng, chiếu hoa, chiếu trổ, chiếu bông, chiếu nổi… rực rở, mịn màng và bền chắc, được thị trường trong nước ưa chuộng. Nguyên liệu làm chiếu được lấy từ những vùng cói, đay mọc ven sông.
chieu3
Khác với các làng nghề dệt chiếu khác, thường dệt chiếu trắng rồi in khuôn hoa lá, hình ảnh lên nền chiếu, chiếu hoa ở Bàn Thạch thực sự là một “bức tranh hài hòa về màu sắc” của những “họa sĩ nông dân”. Để hình ảnh, màu sắc sảo và ít phai, phải mất khá nhiều công đoạn. Trước tiên là chọn sợi lác về nhuộm phẩm với đủ loại màu xanh, đỏ, tím, vàng… Để màu nhuộm chính xác, khó phai thì phải nấu phẩm lên, nhúng từng chùm nhỏ vào, tùy theo độ đậm nhạt mà có thể nhúng 2 – 3 lần trở lên. Lác nhuộm phẩm xong phải phơi cho đủ nắng, không quá gắt vì dễ giòn gãy, cũng không quá dịu vì dễ ẩm mốc. Lác dùng để dệt phải ửng màu xanh, dệt xong đem phơi sẽ cho ra màu trắng sáng. Sợi lác còn dài, không chắp nối thì sẽ cho ra những chiếc chiếu mịn màng. Tùy theo hình dáng hoa văn mà người dệt sẽ điều khiển mặt cửi chạm nổi âm dương, mắc cửi đơn hoặc kép cho phù hợp. Làng chiếu Bàn Thạch cũng là một trong những làng nghề đang được Quảng Nam ưu tiên đầu tư khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống gắn kết với du lịch.
chieu1
chieu2
2. Đèn lồng Hội An
Đèn lồng truyền thống là một trong những sản phẩm độc đáo của Hội An. Đến Hội An, ngoài việc tìm hiểu và chiêm ngưỡng phố cổ, thưởng thức cao lầu đặc sản hay tìm chút thư giãn với dòng nhạc cổ điển khi màn đêm buông xuống, bạn còn được tận hưởng những sắc màu lung linh huyền ảo, trữ tình của những chiếc đèn lồng giăng kín các ngả đường vào phố cổ. Có một chút gì như là sự hoài niệm về quá khứ, rất gần mà cũng rất xa, rất thật mà cũng rất mơ hồ. Dường như không khí của một thương cảng sầm uất đang hiện về, dưới ánh đèn lồng và dưới bóng những ngôi nhà cổ đầy chất thơ.
den1
Đèn lồng Hội An từ lâu không chỉ đem lại cho phố cổ một nét riêng độc đáo mà còn là một mặt hàng quà lưu niệm hấp dẫn đối với du khách bởi sự đa dạng về màu sắc, chất liệu, kiểu dáng và hình thù. Để làm lồng đèn, tre phải là tre già ngâm với nước muối 10 ngày để chống mối, mọt sau đó phơi khô, vót mỏng tùy theo kích cỡ của loại đèn. Vải bọc phải là vải xoa hoặc lụa tơ tằm, có độ dai để khi căng không bị rách và người thợ căng vải cần có kỹ thuật để thẳng góc ở những đoạn cong. Phải mất 4 ngày từ khi vót nan cho đến khi xong 2 chiếc đèn lồng cộng với công vẽ, trang trí.
den2
Vào những đêm trăng rằm, đèn lồng Hội An lung linh dưới ánh trăng treo trước cửa mọi nhà. Đường phố cổ khi đó không tiếng xe, không ánh đèn điện, những chiếc đèn lồng càng lộng lẫy khoe sắc trước sự ngạc nhiên, thú vị của hàng vạn khách du lịch. Đèn lồng Hội An khá đẹp, nhẹ và quan trọng là có thể thu gọn lại bằng cách xếp khung theo nếp để mang đi. Vì vậy bạn có thể dễ dàng mua vài chiếc như là sự lưu giữ kỷ niệm về một phố cổ nên thơ, đồng thời làm quà tặng thật ý nghĩa cho người thân. Đèn lồng Hội An đã trở thành nét văn hóa riêng của phố cổ.
den3
3. Làng trống Lâm Yên
Khởi thuỷ nghề làm trống ở Lâm Yên không ai nhớ là có từ bao giờ. Từ bao đời nay khi đến những mùa lễ hội: “Cử chinh cổ” người dân Ðại Lộc nói riêng và vùng lân cận Ðiện Bàn, Duy Xuyên…thường nhắc đến câu ca: “Trống Lâm Yên – Chiêng Phước Kiều”. Hiện nay tại Lâm Yên, gia tộc họ Phan đã có trên 7 đời làm trống. Quy trình làm thành một chiếc trống phải qua nhiều công đoạn khác nhau. Ðầu tiên là làm dăm, thứ đến là da trâu và đóng chốt thành mặt trống.
trong3
Nghề làm trống đòi hỏi ở người thợ tính cần cù nhẫn nại, chịu khó và khéo tay khi bắt đầu đến khi hoàn thành sản phẩm. Mỗi chiếc trống làm ra đều có quy cách và kích cỡ nhất định theo từng loại: trống chầu, trống chiên, trống chùa… Mỗi sản phẩm làm ra đòi hỏi rất cao: chất liệu phải đảm bảo độ bền, độ vang của trống, dăm trống phải bằng gỗ mít và mặt trống phải bằng da trâu chứ không phải bằng bất kỳ chất liệu khác.
Hàng năm không phải mùa nào nghề trống ở Lâm Yên cũng đắt khách mà phải chờ vào tháng 3 (thanh minh) và tháng 8 âm lịch. Hai tháng này có nhiều lễ cúng tế có nhiều người đến đặt trống thì người thợ Lâm Yên mới có điều kiện và thời gian để làm trống.
trong1
Xã hội ngày một phát triển, trong đó có đáp ứng về nhu cầu tinh thần, nhu cầu văn hoá thể hiện qua các hình thức lễ hội, nghệ thuật… thì không thể thiếu bởi tiếng trống chầu, trống lịnh hay trống chùa. Chắc chắn nghề làm trống Lâm Yên – Tỉnh Quảng Nam sẽ được duy trì và không ngừng phát triển.
trong2
4. Làng đúc đồng Phước Kiều
Phước Kiều là làng nghề đúc đồng nổi tiếng, đặc biệt về kỹ thuật đúc cồng chiêng tại xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, Quảng Nam. Nghề đúc đồng ở đây được hình thành do một người tên là Dương Tiền Hiền di cư từ Thanh Hóa vào truyền dạy. Cuối thế kỉ XVIII, ở đây đã hình thành hai khu vực là phường tạc tượng Đông Kiều và phường chú tượng Phước Kiều. Đến đầu thế kỉ XIX, triều đình nhà Nguyễn sát nhập 2 phường lại thành xã hiệu Phước Kiều, còn được gọi là làng đúc đồng Phước Kiều .
ducdong1
Cũng như các làng nghề đúc đồng khác, để chế tác ra một sản phẩm đồng hoàn chỉnh, người thợ làng Phước Kiều phải tiến hành các công đoạn như: làm khuôn, sơn khuôn, nấu đồng và đúc đồng. Tuy nhiên, những nghệ nhân đúc đồng Phước Kiều còn có bí quyết pha hợp kim riêng và kỹ thuật thẩm âm để tạo ra sản phẩm có tiếng vang, phù hợp với phong tục, tập quán và văn hóa tâm linh của từng tộc người. Điều này đòi hỏi người thợ Phước Kiều phải có đôi tai tinh nhạy, sự từng trải, am hiểu và kinh nghiệm cảm nhận âm thanh tinh tế.
ducdong3
Trước đây, làng chỉ đúc những sản phẩm truyền thống như chiêng, chuông, thanh la, chân đèn, lư hương, đồ gia dụng. Đặc biệt, sản phẩm cồng chiêng của Phước Kiều đã có mặt ở hầu khắp các bản làng dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Hiện nay, các nghệ nhân Phước Kiều còn chế tác đồ trang trí nội thất cho các khu du lịch, biệt thự hay khí nhạc theo yêu cầu. Đến với làng đúc đồng Phước Kiều, ngoài việc mua sắm các vật dụng, đồ lưu niệm, du khách còn có cơ hội trực tiếp tham gia vào các công đoạn sản xuất đồng và được xem các nghệ nhân biểu diễn các loại nhạc cụ cồng chiêng do chính họ chế tạo ra. Làng nghề đúc đồng Phước Kiều ngày nay đã trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Quảng Nam.
ducdong2
5. Làng Gốm Thanh Hà
Có nguồn gốc Thanh Hoá, được hình thành từ cuối thế kỷ 15 và phát triển mạnh cùng với cảng thị Hội An trong các thế kỷ kế tiếp, làng gốm Thanh Hà nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, thuộc địa bàn phường Thanh Hà, thành phố Hội An. Sản phẩm gốm Thanh Hà được làm từ nguồn nguyên liệu chính là đất sét bởi những bàn tay điêu luyện của nghệ nhân và kỹ thuật truyền thống của làng nghề. Sản phẩm chủ yếu là các đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày như chén, bát, chum, vại, bình hoa, chậu cảnh, hình thù các con giống … mang nhiều kiểu dáng, màu sắc rất phong phú và đặc biệt nhẹ hơn so với các sản phẩm cùng loại của những địa phương khác.
gốm
gom5
Cho đến nay, làng gốm Thanh Hà vẫn tồn tại và hoạt động sản xuất thủ công với phương tiện và kỹ thuật truyền thống. Chính vì thế làng gốm Thanh Hà trở thành một bảo tàng sống, một nguồn tư liệu quý giá cho các nhà khoa học tìm hiểu, nghiên cứu về nghề gốm cổ truyền của Việt Nam nói riêng cũng như của vùng Đông Nam Á nói chung. Đến thăm làng, ngoài việc tho sức lựa chọn các sản phẩm lưu niệm bằng gốm, bạn còn được tận mắt chứng kiến những thao tác điêu luyện từ những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng nghề này.
gom2
gom3
6. Làng dệt Mã Châu
Làng nghề Mã Châu thuộc thôn Châu Hiệp – thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Làng được hình thành từ thế kỷ XV, bên cạnh kinh đô Trà Kiệu, chuyên dệt lụa cung cấp cho giới quý tộc, quan lại trong các vương triều Đại Việt và Champa xưa. Các công việc trồng dâu, chăn tằm, ươm tơ, dệt lụa đều được thực hiện trong làng, với sự tham gia của hàng trăm hộ gia đình theo phương thức thủ công. Khi xứ Đàng Trong – Đại Việt mở cửa giao thương với thế giới bên ngoài qua cảng thị Hội An thì tơ lụa Mỹ Châu là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất. Từ cuối thế kỷ XIX, khi người Pháp đến Việt Nam, làng Mã Châu có thêm nghề trồng bông, dệt vải nhưng tơ lụa vẫn là mặt hàng chủ yếu. Trong thời kỳ này, phương thức sản xuất của làng nghề đã được cải tiến đáng kể, từ chỗ sử dụng các khung dệt hoàn toàn thủ công chuyển sang bán cơ giới, rồi tiến đến tự động hoá như ngày nay.
machau1
Làng dệt Mã Châu có vóc dáng đặc trưng của một làng quê Việt Nam yên bình với những khu vườn xanh tốt, những hàng cau, hàng chè tàu thẳng lối đi và những gương mặt thân thiện, luôn nở nụ cười đón khách của chủ nhân. Do nằm ngay trên tuyến đường từ Hội An đi Mỹ Sơn, làng dệt Mã Châu thuận tiện để du khách viếng thăm.
machau2
7. Làng mộc Kim Bồng
Làng mộc Kim Bồng bắt đầu hình thành từ thế kỷ XV bởi những người Việt đầu tiên ở đồng bằng Bắc Bộ và vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh vào khai khẩn vùng đất Cẩm Kim – Hội An thời bấy giờ. Cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII nghề mộc Kim Bồng bắt đầu phát triển nhờ sự phồn thịnh của thương cảng Hội An. Đến thế kỷ XVIII, nghề mộc Kim Bồng đã phát triển mạnh mẽ và thịnh đạt thành làng nghề với ba nhóm nghề rõ rệt: nghề mộc xây dựng các công trình kiến trúc đô thị, nghề mộc dân dụng và nghề đóng tàu thuyền mộc.
langmoc1
Địa danh làng mộc Kim Bồng đã được Lê Quý Đôn đề cập trong Phủ Biên Tạp Lục viết vào thế kỷ XVIII. Với danh tiếng của mình, nhiều hiệp thợ Kim Bồng được vua các triều Nguyễn triệu tập tham gia xây dựng kinh đô Huế. Trong số đó, nhiều người đã được ban tước Cửu Phẩm, Bát Phẩm, đổi trưởng mộc tượng. Riêng với đô thị cổ Hội An, bàn tay tài hoa của người thợ Kim Bồng đã góp phần tạo nên những công trình kiến trúc.
langmoc2
langmoc3
8. Làng rau Trà Quế
Cách trung tâm phố cổ Hội An khoảng 2km về phía Đông Bắc, nằm giữa con sông Đế Võng và đầm rong Trà Quế, làng nghề rau Trà Quế đã nổi tiếng từ rất lâu với những sản phẩm rau xà lách, diếp cá, răm, húng, quế, hành, ngò thường có mặt trong các món ăn đặc sản Quảng Nam như cao lầu, mì Quảng, tôm hữu, thịt heo cuốn bánh tráng, bánh xèo, bê thui.
rau2
Với diện tích đất trồng rau chỉ khoảng vài chục hécta nhưng trồng rau đã trở thành một nghề chính của cư dân trong làng qua nhiều thế hệ. Kể từ khi du lịch Hội An bắt đầu khởi sắc, cũng là lúc làng rau phát triển thịnh vượng nhất. Ngoài việc trồng rau để phục cho các nhà hàng, khách sạn và các chợ đầu mối trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, người dân Trà Quế cũng tham gia vào các hoạt động du lịch. Đến với làng quê thôn dân dã này, bạn sẽ được hướng dẫn cuốn đất, vun luống, bón phân, gieo hạt, trồng rau và học chế biến các món ăn từ sản phẩm rau tại làng nghề như những người nông dân thực sự.
rau3
rau1
9. Làng hoa trái Đại Bường
Làng hoa trái Đại Bường là một ngôi làng trù phú, một điểm du lịch mới lạ tại Quảng Nam. Làng Đại Bường nằm về phía hữu ngạn sông Thu Bồn, thuộc xã Quế Trung, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Làng Đại Bường có nguồn gốc từ xa xưa. Trong làng kể rằng trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cả vùng đất Đại Bường không nơi nào không hứng chịu bom đạn khốc liệt, nhưng thật kỳ diệu làng Đại Bường vẫn bốn mùa cây trái xanh mượt, bình yên. Có lẽ vì thế nên ngày nay làng Đại Bường còn được đọc chệch thành Đại Bình.
trai3
Làng hoa trái Đại Bường giống như một bán đảo có đồi thấp, đồng ruộng, làng mạc, dòng sông và được bao bọc bởi hàng tre xanh. Làng như một chấm xanh ẩn trong lòng đầy quả lành trái ngọt giữa bàng bạc sông nước Thu Bồn. Khi đến đây, bạn sẽ cảm nhận đây giống như “Làng Nam bộ giữa miền Trung”, vì nhìn thấy ở đây có các thứ cây trái thuộc loại đặc sản phương Nam như: sầu riêng, măng cụt, chôm chôm… Ngoài ra, ở đây còn có cả những trái cây đặc sản của miền Bắc như vải thiều… Chính vì sự phong phú đa dạng đó nên nơi đây được coi như một cõi lạ giữa miền Trung. Đặc sản của làng Đại Bường là trái trụ lông, hình dáng như trái bưởi. Trái từ khi còn non, đến già rồi chín, trái được bao phủ một lớp lông tơ mịn màu trắng, múi dày, tép lớn, tách ra không ướt, vị ngọt dìu dịu thanh khiết, mùi ý vị rất khó quên. Đến với làng hoa trái Đại Bường, bạn sẽ ấn tượng bởi nét văn hóa còn mang đậm dấu ấn làng quê Việt Nam xưa, với cổng làng, lũy tre, những vườn cây xanh mát một khung cảnh thanh bình, yên ả, trù phú.
trai2
trai1
Dù đã trãi qua không ít những thăng trầm nhưng các làng nghề truyền thống Quảng Nam vẫn hồi sinh và phát triển trở lại do sản phẩm làm ra bán chạy. Du khách cũng tìm đến tham quan ngày càng đông bởi các làng nghề truyền thống ở đây có sức hấp dẫn rất lớn, mỗi làng nghề không chỉ đơn thuần là nơi sản xuất hàng hóa mà còn là nơi ẩn chứa cả tính cách, tâm lý, nét văn hóa của người dân xứ Quảng.
machau3


PidivnTourist SaigonTravel 360 blog

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét