Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

MẸO CHỤP ẢNH ĐẸP TRONG NGÀY TẾT

Mẹo chụp ảnh đẹp trong ngày Tết
Xuân đến, mọi thứ đều tươi vui đến lạ lùng. Đó cũng chính là lý do tại sao bạn luôn muốn ghi lại những khoảnh khắc khó quên của giao thời chuyển đổi giữa năm mới và năm cũ. Chỉ cần một chiếc máy ảnh với vài kỹ thuật chụp đơn giản là bạn đã có thể lưu lại những giây phút tuyệt vời về phong cảnh, bạn bè và người thân trong gia đình.
  • 1
    Sự tiện lợi của loại máy ảnh "ngắm-và-chụp" (point-and-shoot) hay còn gọi là "máy ảnh du lịch" đã giúp đơn giản hóa rất nhiều các thao tác kỹ thuật chụp ảnh. Với loại máy ảnh này, thậm chí bạn không cần biết gì về máy ảnh cũng có thể chụp được ảnh. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó. Loại máy ảnh du lịch tuy nhanh và tiện lợi nhưng chất lượng cũng như mức độ tùy biến theo ý của người chụp không thể sánh với dòng máy ảnh ống kính rời DSLR được. Với những người luôn đặt nặng chất lượng của tấm ảnh thì đương nhiên máy ảnh DSLR luôn được xem là lựa chọn hàng đầu. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ điều kiện sắm cho mình một chiếc máy ảnh DSLR dẫu rằng giá của nó đã giảm khá nhiều, và đôi khi chúng cũng chẳng cao hơn máy ảnh du lịch là bao.
  • 2
    Chụp phong cảnh

    Dĩ nhiên, chụp ảnh phong cảnh không phải là cứ dương máy lên chụp là xong. Để chụp được ảnh phong cảnh đẹp trước hết bạn phải chọn bố cục nền hợp lý, tiếp tới là chỉnh thông số máy hợp lý. Vì là ngày xuân nên chắc chắn phong cảnh sẽ có nhiều màu sắc nên khi chụp bạn cần để máy ở chế độ Vivid (cả máy du lịch lẫn máy DSLR, chọn chế độ setup trên màn hình để điều chỉnh đến chế độ Vivid). Ngoài ra, khi chụp nên có chân máy để chất lượng ảnh cao hơn (đối với máy DSLR), hoặc nếu không có chân máy, bạn nên kê máy ảnh vào một điểm tựa nào đó để máy đỡ rung (đối với cả máy du lịch và DSLR). Vì ảnh phong cảnh thường thực hiện ban ngày nên bạn cần phải đảm bảo rằng để độ nhạy sáng (ISO) xuống mức tối thiểu (ISO 100). Về ống kính, bạn nên chọn ống fix cho máy DSLR vì chất lượng ảnh thường cao hơn ống zoom tuy độ linh hoạt không bằng.
  • 3
    Chụp chân dung

    Các bức ảnh chụp chân dung trông sẽ đẹp và nét hơn nếu hậu cảnh được làm mờ nhiều hơn. Hầu hết các máy ảnh du lịch đều có chế độ chụp chân dung nên bạn chỉ cần chuyển về chế độ này để chụp. Và khi chụp ảnh chân dung thường là chụp bán thân, nên bạn cần tiến sát vào chủ thể để bấm máy. Nếu bạn sử dụng máy ảnh ống kính rời thì cần mở khẩu độ lớn. Trong máy ảnh, khẩu độ được quy định là F, trị số F càng nhỏ thì khẩu càng lớn, và ngược lại. Và hiển nhiên, F càng nhỏ thì hậu cảnh (còn gọi là độ sâu trường ảnh - DOF) càng được làm mờ. Kết hợp giữa khẩu độ và khoảng cách zoom, bạn sẽ được một bức ảnh chân dung có DOF như ý. Khi đó, bạn sẽ để F ở mức nhỏ, zoom out tối đa rồi tiến sát chủ thể cần chụp. Nếu chụp buổi tối, bạn cũng cần để ý bật chế độ khử mắt đỏ để đỡ mất công phải xử lý ảnh sau khi chụp. Tất nhiên, nhiều phần mềm xử lý ảnh hiện nay như Photoshop, Photoshop Elements, PaintShop… đều có khả năng này, nhưng việc bạn xử lý ngay từ đầu sẽ tiết kiệm khá nhiều thời gian cho sau này.
  • 4
    Chụp hoa xuân

    Để chụp cận cảnh các bông hoa, bạn sẽ sử dụng chế độ chụp Macro (hình bông hoa) trên máy ảnh. Hầu hết các loại máy ảnh hiện nay (cả máy du lịch lẫn DSLR) đều có chế độ này. Đối với máy ảnh du lịch, bạn chỉ cần chuyển bánh xe điều khiển về chế độ Macro là được. Còn đối với máy ảnh DSLR, bạn chuyển về chế độ ưu tiên khẩu độ (thường ký hiệu là AV hoặc A). Cũng giống chụp chân dung, chụp Macro sẽ xóa mờ hậu cảnh để làm bật chủ thể. Chính vì vậy, độ mở ống kính cần phải duy trì ở mức lớn (trị số F nhỏ) để đạt được hiệu quả đó.
  • 5
    Chụp pháo hoa

    Để chụp được cảnh pháo hoa đêm giao thừa, máy của bạn nhất thiết phải có chân máy. Tại sao cần tới chân máy? Để ghi hình được cảnh pháo hoa nhiều màu sắc, máy ảnh sẽ cần tới hàng phút. Chính vì vậy, nếu bạn chỉ cầm máy ảnh trên tay thì sẽ không tránh được rung máy, mà đã rung máy thì ảnh sẽ bị hỏng. Nếu không có chân máy, thì bạn có thể sử dụng mẹo đặt máy ảnh vào một vật cố định nào đó, rồi sử dụng chức năng hẹn giờ (nhằm tránh rung máy) để chụp. Bạn nên chọn không gian thoáng đãng không có nhiều vật cản, chẳng hạn như sân thượng, để ghi cảnh pháo hoa.

    Về thông số của máy, bạn cần để ISO xuống mức thấp nhất (ISO 100), tắt đèn flash, để độ mở ống kính trong khoảng từ f8-f16, và đặt tốc độ chụp ở mức dưới 1/30 giây. Ở tốc độ chụp này, máy ảnh sẽ mất 30 giây để ghi hoàn tất một bức ảnh. Nếu muốn pháo hoa nhiều tầng hơn nữa thì bạn có thể đặt máy ảnh ở chế độ chụp chậm hơn, chẳng hạn như 1/60 giây.
  • 6
    Chụp chuyển động

    Bạn sẽ khá ấn tượng với bức ảnh một người đạp xe đạp cầm trên tay cành đào hoặc bó hoa và hậu cảnh xung quanh được làm mờ bởi các vệt màu đầy màu sắc. Để chụp được những bức ảnh đại loại như thế, máy của bạn cần phải chuyển về chế độ ưu tiên tốc độ. Với máy ảnh du lịch, chế độ ưu tiên tốc độ thường là biểu tượng có hình người đang chạy; còn với máy DSLR thì ký hiệu thường là Tv hoặc S. Ngoài ra, với máy DSLR bạn cũng có thể tự cấu hình để máy chụp ở tốc độ lớn. Nếu chụp trẻ em đang nô đùa thì tốc độ nên để ở mức 1/8 giây; người chạy bộ hoặc đạp xe đạp là 1/16 giây; còn xe máy chuyển động nhanh hơn thì nên đặt khoảng 1/30 - 1/40 giây. Máy ảnh DSLR còn một chế độ tên là Servo - chuyên để chụp các vật thể chuyển động nhanh.
  • 7
    Một số lưu ý khác

    Lưu ý trước hết là độ nhạy sáng ISO. Tùy theo nguồn sáng xung quanh mà bạn đặt ISO cao hay thấp. ISO càng cao thì ảnh càng rạn, bù lại ảnh của bạn sẽ sáng hơn. Nếu chụp ngoài trời ban ngày, bạn chỉ nên để ISO 100. Còn nếu chụp trong nhà thì để khoảng ISO 400. Tất nhiên, tùy vào điều kiện cụ thể mà bạn tăng giảm mức ISO cho hợp lý.

    Bình thường bạn để ảnh ở định dạng JPEG nhưng nếu muốn chỉnh sửa ảnh sau này thì nên chọn định dạng RAW; hoặc có thể chọn cả 2 cùng lúc - tất nhiên dung lượng thẻ ghi sẽ tốn nhiều hơn. Ngoài ra, về cân bằng trắng, bình thường bạn để ở chế độ Auto nhưng nếu muốn ảnh có thêm các hiệu ứng khác thì có thể chọn Tungsten (nước ảnh có màu hơi xanh), Cloudy hoặc nhiều chế độ khác.

    SƯU TẦM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét