Hầu hết những người chơi audiophile hiện nay đều thuộc dạng "thanh niên nghiêm túc". Và để nghiêm túc hơn nữa, chúng ta thường sử dụng các bộ phần mềm nhằm hỗ trợ cho thú chơi đầy khoa học này.

Dưới đây HDvietnam xin giới thiệu đến các bạn một số phần mềm miễn phí, được phát triển dành cho audiophile - những người đam mê âm thanh đến cuồng nhiệt.



1. Exact Audio Copy (miễn phí)



Exact Audio Copy, hay EAC, là một phầm mềm khá nổi tiếng dùng để rip (trích xuất), copy (sao chép) và burn (ghi) đĩa CD. Đúng như tên gọi, mục tiêu của nó là cho phép người dùng trích xuất âm thanh từ đĩa CD mà không làm biến dạng tín hiệu gốc.

EAC có khả năng loại bỏ jitter thông qua cơ chế dò tìm và sửa lỗi (error detection and correction). Thông thường, khi trích xuất dữ liệu ở chế độ đảm bảo (secure mode), phần mềm này đọc các bit tín hiệu âm thanh ít nhất là 2 lần, và đó là lý do mà nó xử lý chậm hơn nhiều phần mềm rip CD khác.

Nếu lỗi xảy ra trong quá trình đọc hoặc đồng bộ, phần mềm sẽ cố gắng đọc nhiều lần sector (cung đĩa) bị lỗi này. Trong những trường hợp rất tệ, EAC có thể sẽ đọc lại sector 82 lần, và so sánh dữ liệu của các lần đọc lại đó nhằm tìm ra kết quả tốt nhất.

Trong thường hợp dữ liệu nhận được chỉ có 99,5% của dòng dữ liệu (bitstream) là chính xác thì phần mềm này sẽ đưa ra một cảnh báo.

Ngoài cơ chế hoạt động chính xác ở trên, EAC còn cho phép người dùng tùy biến và quản lý thông tin một cách dễ dàng.


>> Xem thêm:
Hướng dẫn sử dụng EAC (Exact Audio Copy) để BURN/RIP AudioCD

>> Download:
http://www.exactaudiocopy.de/




2. TT Dynamic Range Meter (miễn phí)

Chiến tranh âm lượng diễn ra âm thầm nhưng lại tàn phá ngành công nghiệp âm thanh chất lượng cao trong nhiều năm qua. Điều tệ hại là audiophile không thể ngăn cản được xu hướng này, thay vào đó, họ chỉ có lựa chọn duy nhất là... phòng tránh.

Pleasurize Music Foundation đã tạo ra TT Dynamic Range Meter, và nếu đang muốn kiểm tra dải động (dynamic range) của một bản nhạc nào đó, đây là thứ bạn cần tìm. Đặc biệt, ngoài việc kiểm tra, phần mềm này còn cho phép bạn so sánh các phiên bản khác nhau của album, để xem phiên bản nào có dải động rộng hơn.

Việc sử dụng và kiểm soát TT Dynamic Range Meter là vô cùng dễ dàng. Bạn chỉ cần chọn một bài hát hoặc một thư mục muốn phân tích, và click chuột. Tất nhiên, chúng ta sẽ phải chờ đợi một vài giây để các thuật toán được xử lý.

Ngoài ra, trong quá trình sử dụng, TT Dynamic Range Meter cũng tạo ra file log để giúp cho người dùng dễ dàng truy xuất thông tin hơn trong các lần kiểm tra sau.



Theo trang web phát triển, một DR ở mức 7 là THẤP đối với các bản nhạc rock hoặc là RẤT THẤP cho các bản nhạc jazz. Tuy nhiên, một DR4 lại được xem là tạm chấp nhận được cho nhạc electronic.

Trong trường hợp bạn muốn một tín hiệu chất lượng với độ động cao (độ động - dynamic), DR nên đạt ở mức 12.

Điểm thú vị là TT Dynamic Range Meter có 2 phiên bản khác nhau. Trong đó co 1 phiên bản offline hoạt động độc lập và một phiên bản dạng component cho foobar2000.

Và nếu bạn đang tự hỏi foobar là cái quái gì? thì topic này chắc sẽ hữu dụng hơn chăng.

Ngoài ra, nếu bạn ủng hộ TT Dynamic Range Meter thì có thể
ký tên vào chiến dịch kêu gọi chấm dứt chiến tranh âm lượng mà các nhà phát triển của phần mềm này đưa ra.


>> Download phiên bản offline: www.dynamicrange.de

>> Download phiên bản componet cho foobar2000:
www.dynamicrange.de

>> Tìm hiểu về chiến tranh âm lượng:
Loudness War đã giết chết âm nhạc của tôi như thế nào?




3. Room EQ Wizard (miễn phí)



Room EQ Wizard, hay REW, là một trong những phần mềm đo lường hệ thống loa và phòng nghe khá tốt cho home theater. Các tính năng nổi bật bao gồm đo SPL (sound pressure level - mức thanh áp), RTA (Real Time Analyser - phân tích trong thời gian thực), waterfall plot (biểu đồ dạng thác) và ảnh phổ (spectrogram)...

REW cho phép bạn tìm ra vị trí tốt nhất để đặt loa, vị trí tốt nhất để nghe và phương pháp cải thiện âm học. Tuy nhiên, nếu mới sử dụng và chưa có kiến thức tốt về âm thanh, phần mềm này hơi khó sử dụng. Và nếu ở trong trường hợp đó, bạn có thể nhờ vào sự trợ giúp của trang hỗ trợ trực tuyến của các nhà phát triển.

Như đã nói ở trên, REW khó sử dụng cho những người mới bắt đầu, tuy nhiên nó là một công cụ linh hoạt và mạnh mẽ. Ngoài ra, độ chính xác của kết quả cũng phụ thuộc vào chất lượng của thiết bị đo. Thông thường, bạn sẽ cần tới một micro, dây cáp khá dài, một chiếc tripod (cho chuyên nghiệp ) và một soundcard rời. Thậm chí nếu muốn “nguy hiểm” hơn , bạn sẽ cần tới thứ đại loại như Nady SMPS-1X để cấp nguồn thêm cho mic.

Cuối cùng, bạn có thể phải chi khá nhiều thời gian để nghiên cứu, lắp đặt và tiến hành đo đạc. Bù lại, bạn có thêm nhiều kinh nghiệm hơn, và trong nhiều trường hợp - âm thanh nhận được sẽ tốt hơn.


>> Download: www.hometheatershack.com

>> Thiết bị liên quan (tùy chọn):
Omnimic, XTZ




4. Harman How to Listen (miễn phí)

Úi giời, gì chứ nghe thì vô cùng đơn giản. Bật loa lên thật to, treble xoèn xoẹt, bass rung rinh nhà cửa… và thưởng thức.

Tất nhiên, khái niệm đó không bao giờ tồn tại suy nghĩ của hầu hết audiophile. Bởi đối với họ, nghe là một hành trình khám phá.

Harman How to Listen là một trong rất ít phần mềm dùng để cải thiện kỹ năng “lắng nghe” của bạn. Ban đầu, nó được phát triển để đào tạo cho nhân viên của Harman, nhưng sau đó lại được phát hành miễn phí cho tất cả mọi người.

Về kỹ thuật, phần mềm Harman How to Listen vẫn đang ở giai đoạn beta (thử nghiệm). Và bạn cũng đừng mong gì thêm, bởi nó đã tồn tai như thế được vài năm.



Phần mềm này đưa ra một số bản nhạc đã được để người dùng nghe. Ví du ở trên chúng ta thấy một bài tập Band ID ở mức rất căn bản. Người dùng có thể chuyển đổi giữa phiên bản “phẳng” (flat) của bài hát và phiên bản đã được EQ. Mục đích của bài tập này là giúp người dùng phân biệt được kiểu EQ của bài hát.

Độ khó của các bài tập được Harman How to Listen nâng lên dần dần, và có nhiều vấn đề sẽ được đưa ra như reverb, coloration hay noise. Do đó, nếu bạn cảm thấy quá khô khan và mệt mỏi thì có thể tải một bài hát yêu thích và bắt đầu học từ đó.


>> Download: harmanhowtolisten.blogspot.com



5. Audio DiffMaker (miễn phí)

Bạn nâng cấp một vài thiết bị trong hệ thống của mình và tự hỏi liệu âm thanh có thực sự thay đổi? Bạn mua một sợi cáp nguồn trị giá ngàn đô và bạn muốn biết liệu có hay không sự khác biệt về mặt âm thanh?

Thật khó để trả lời cho những câu hỏi trên. Tuy nhiên, với Audio DiffMaker thì mọi thứ trở nên đơn giản hơn nhiều. Bởi đó mục đích của các nhà phát triển.

Bạn sử dụng micro để thu lại một bản nhạc tham chiếu được phát trên từng thiết lập của hệ thống. Sau đó dùng Audio DiffMaker để so sánh các bài hát được thu lại này. Phần mềm sẽ so sánh và chiết xuất thông tin để cho ra sự khác biệt.



Tất nhiên, để làm được công việc “kinh hoàng” trên, các nhà phát triển đến từ Liberty Instruments đã làm rất nhiều công việc nhằm đảm bảo độ chính xác của kết quả. Ví dụ, một thuật toán sẽ theo dõi sample rate và level, sau đó tìm ra những điểm khác biệt giữa 2 bản ghì âm.

Lưu ý là Audio DiffMaker không yêu cầu hệ thống của bạn phải tuyến tính hoặc phải luôn phát ở chất lượng cao nhất, bởi thiết kế của nó xác định điểm tham chiếu ngay trên hệ thống và đưa ra các so sánh. Tất nhiên, để hoạt động tốt thì 2 bản ghi âm dùng để so sánh phải được thực hiện cản thận để cô lập các biến số.

Tất nhiên, Audio DiffMaker vẫn không thể vượt qua đôi tai, cảm giác và yếu tố cá nhân của người nghe. Nhưng với những hệ thống nho nhỏ hoặc các dự án DIY, thì nó lại khá thú vị để xem liệu có thứ gì khác biệt hay không.


>> Download: www.libinst.com