Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

CHỌN LOA KHÔNG KHÓ: NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP

HỎI: TÔI CẦN BAO NHIÊU LOA LÀ VỪA?


ĐÁP:

Nếu trả lời ngắn gọn thì là: Chỉ 2 loa dành cho nhạc được ghi âm trong phòng thu, và ít nhất 5 loa cùng 1 SUB (tức là hệ thống 5.1) dành cho Home Theater và nhạc được ghi âm biểu diễn trực tiếp.

Trong vài năm trở lại đây, người dùng có thể đã quen với những đánh giá nhận xét từ nhiều nguồn khác nhau, cho rằng hệ thống âm thanh đa kênh 5 loa (hoặc hơn) mới đủ đáp ứng cho nhu cầu thưởng thức các nội dung kỹ thuật số với Home Theater. Nếu điều kiện kinh tế cho phép thì điều đó là miễn bàn, nhưng nếu ngân sách đầu tư là yếu tố bạn quan tâm thì sao?!

Thế này nhé, nếu bạn đã có chú ý, hoặc nếu chưa thì hãy thử xem hết vài bộ phim nhưng cho CHỈ PHÁT tiếng (âm thanh) từ các loa kênh phía sau thôi (kênh Rear). Bạn nhận thấy được gì nào? Vâng, trong hầu hết thời lượng của phim, các loại âm thanh chính phát ra từ kênh Rear là không nhiều, nếu không muốn nói là rất ít. Về khả năng phát âm thanh kỹ thuật số, trong khi các kênh Rear đều có công năng tương tự như các kênh Left, Right và Center, nhưng các nhà sản xuất phim lại vẫn tiếp tục dùng phần âm thanh vòm (surround) chủ yếu dành cho các âm thanh dạng hiệu ứng (effects), và dồn hầu hết các âm thanh chính của phim lên các kênh trước (Front). Chính vì thế mà nếu bạn có phải xài loa Rear loại NHỎ thì cũng tốt chán rồi.

Điều quan trọng cần lưu ý là, sự hiện diện/có mặt của các kênh Rear chỉ là để "làm dịu đi" hoặc "trung hòa" (defuse) âm thanh, chứ không phải "bắn" (phát) âm thanh trực tiếp đến tai chúng ta như các kênh phía trước (Front). Đó là lý do vì sao các thương hiệu loa lớn lại chọn giải pháp loa lưỡng cực (dipole speaker) - tức là đặt một thùng loa có 3 loa nằm ở 3 bên mặt thùng ở phía sau (làm kênh Rear) - để làm nhiệm vụ trung hòa âm thanh. Nhưng nếu chọn giải pháp loa lưỡng cực thì bạn cần đặt nó trên đầu ít nhất 1 mét và phù hợp vị trí ngồi thưởng thức của bạn để có thể đạt hiệu quả tối ưu nhất. Còn nếu mà giải pháp này không phù hợp với căn phòng của bạn, thì giải pháp thay thế là đặt thêm một hoặc hai loa nằm phía sau (tức đây sẽ là kiểu thiết lập hệ thống loa 6.1 hoặc 7.1). Dẫu biết âm thanh vòm kỹ thuật số đã thể hiện được vai trò nâng cao chất lượng cho Home Theater, nhưng nếu những ai trong chúng ta không dư dả hầu bao, thì tốt hơn là nên tính toán phân chia ngân sách mua loa dựa theo sở thích nghe nhạc của mình.

"Home Theater Speakers" là một thuật ngữ nói về loại loa mà được thiết kế nhằm mục đích thể hiện các đặc tính "tán âm" (dispersion) (tức gieo rắc âm thanh ra nhiều hướng) và "dải động" (dynamic range) cực kỳ rộng nhằm để nâng cao trải nghiệm Home Theater. Việc tái tạo (hay phát lại) dải động của Home Theater, như là tiếng súng bắn, đụng xe hay những âm thanh tương tự đã đẩy quá trình sản xuất và phát triển loa theo những hướng mà không thể thỏa mãn việc tái tạo hay phát mở âm nhạc (music reproduction). Hậu quả là "resolution" của nhạc (tạm hiểu là độ nét) bị giảm hoặc mất đi.

Loa "home theater" mà mang lại hiệu quả trong trải nghiệm Home Theater nếu dùng để phát mở nhạc thì nghe rất là tệ khi phát ở mức âm lượng vừa phải. Độ chi tiết và độ nét nội tại của bài nhạc thường bị mất đi bởi chính cái loa mà cũng có khả năng gây tổn hại cho thính giác của bạn. Hãy đừng để mấy đoạn demo phim có cảnh hành động hoành tráng hấp dẫn "dụ dỗ" bạn, ảnh hưởng quyết định mua sắm của bạn, bởi chúng được trình chiếu để quảng cáo bán loa "home theater". Các cảnh hành động kiểu như thế thì hiếm có ai mà không thích, nhưng trải nghiệm âm thanh Home Theater cũng đâu chỉ có mỗi "dải động" (tức là đâu phải lúc nào cũng nghe toàn âm thanh súng bắn, cháy nổ ầm ầm…). Điều quan trọng lúc đang xăm xoi nghe ngắm "con hàng" là bạn nên đề nghị người bán hàng phát mở hệ thống đó ở những mức âm lượng sử dụng thực tế, phù hợp với gia cảnh của bạn, ở những mức mà bạn thấy là xem nghe thoải mái với một bộ phim dài cỡ 2 tiếng.



HỎI: NẾU DÙNG LOA NGHE NHẠC (LOA HI-FI) CHO HOME THEATER
THÌ CÓ HAY/ỔN KHÔNG?



ĐÁP:

Trả lời ngay và luôn thì là đấy, nhưng mà trong vòng 5-10 phút trải nghiệm thử hay trình chiếu demo với Home Theater thì "độ nét cao" (high resolution) và chất âm "ấm áp" khó lòng mà đánh giá ngay được, hay nói cách khác là khó thể hiện chính xác các đặc tính vốn có đó ở loại loa Hi-Fi. Trình chiếu demo cho Home Theater thường là diễn ra trong thời gian khá ngắn và toàn là cảnh va chạm, cháy nổ ầm ầm và thảm kịch các kiểu. Đó là lý do vì sao loại loa cho chất âm sắt bén, sáng với tiếng bass "dội" thì tốt hơn với HT.

"Chém" thêm một chút nữa là, những gì mà loa Hi-Fi có thể trình diễn ấn tượng một bộ phim cho dàn Home Theater thì thường phải mất ít nhất 20 phút hoặc hơn, và quá trình trải nghiệm đó thì quả là rất tinh vi, tức không phải lúc nào cũng cảm nhận được sự hấp dẫn ngay và liền lạc như ở loa "home theater". Âm thanh độ nét cao (high resolution sound) giờ đây không còn là yếu tố chính để quan tâm đến nữa, thậm chí là vô nghĩa, bởi bạn sẽ dần bị chìm đắm vào bộ phim đến độ có khi quên phén đi hoặc không nhận ra đặc-tính-rất-có-giá-trị đó của loa Hi-Fi dành cho Home Theater mà phải qua thời gian phát mở khá lâu mới dần "lộ diện" ra.

Về độ sâu của bass thì loa Hi-Fi nói chung là không bằng loa HT, nhưng âm bass của loa Hi-Fi thể hiện chậm hơn và sâu hơn đối với trường hợp âm bass "dội" và "va đập" (chõi) của loa HT.



HỎI: ĐÂU LÀ LOẠI LOA TỐT NHẤT CHO CĂN PHÒNG CỦA TÔI?


ĐÁP:

Để trả lời được câu hỏi này thì đòi hỏi phải có một số thông tin "nền". Bạn có thể đã nhận ra các thông số kỹ thuật là có gì đó tương tự nhau đối với các loại loa từ rẻ nhất đến mắc nhất. Tức là xét đến thông số kỹ thuật thì gần như chẳng có gì để biện minh cho sự khác biệt về giá cả hết.

Quan trọng hơn bất kỳ tham số hiệu năng nào khác, cái mà bạn đang cân nhắc trước sự lựa chọn giữa các dòng loa chính là "độ nét" (resolution hoặc definition) ở cả các tần số cao, trung và trầm. Không như ở mảng video có thể phân biệt được "độ nét" (hay thuật ngữ chính xác là "độ phân giải"), loa phát âm thanh lại không hề có thông số kỹ thuật nào quy định cho "độ nét" cả. Vâng, bạn có thể nghe thấy, cảm nhận được "độ nét" đó, nhưng đâu dễ dàng gì để mà phân định rõ ràng phải không.

Để trả lời câu hỏi đâu là loa tốt nhất cho gian phòng, chúng ta hãy xem xét vấn đề này dựa trên các yếu tố sau: loa tweeter, dải âm trung (midrange) và âm bass. Ngay cả trong một căn phòng nhỏ thì loa tweeter tốt hơn sẽ cho ra âm thanh hay hơn, đối với midrange cũng tương tự như vậy. Chỉ mỗi phần bass mới thật sự gây ra vấn đề âm thanh rì và nọ cho một gian phòng.

Đứng về phía nhà sản xuất thì khi cho ra một bộ loa, họ đã nghiên cứu phát triển dựa trên một loạt các giả định. Nếu dùng âm thanh để mô tả điều đó thì loa là "tiếng kêu" phát ra từ các kỹ sư/nghệ nhân làm loa. Đứng về phía người tiêu dùng, xét về mặt logic thì đa phần người ta ắt sẽ muốn mua một bộ loa lớn cho căn phòng lớn của mình, bởi vì "độ nhạy âm trầm" (bass response) tất nhiên sẽ có được "tiếng kêu" tương ứng theo. Nhưng đối với phòng nhỏ thì rước bộ loa lớn về có thể gây ra dư thừa "tiếng kêu" đó (tức cho ra quá nhiều âm bass).

Vậy nếu phòng bạn nhỏ thì bạn có muốn mua một bộ loa giá thấp hơn và chấp nhận "độ nét" ít đi, để mà có thể giảm bớt đi âm bass không? Đừng! Suy nghĩ kiểu logic như vậy hay lựa chọn thay thế kiểu như vậy là không thuyết phục chút nào đâu.

May thay là âm bass có thể bị triệt tiêu dễ dàng hơn là nó được phát ra. Đã có một vài giải pháp xử lý điện tử, như là chơi bi-amp(lification) khi trong phòng nhỏ có bộ loa có "tiếng kêu" mạnh dành cho phòng lớn. Nhưng giải pháp tốt nhất chính là sắm một bộ loa nhỏ đặt trên chân đứng/kệ cao (standmount) được thiết kế tốt, kết hợp một loa Sub chất lượng có kiểu thùng loa được đóng seal kín mít. Giải pháp này đã trở nên rất phổ biến trong những năm gần đây và cũng là một trong những cách tiếp cận ưa thích nhất của Tiens Hattingh để xử trí một căn phòng khó.

Ở trong một phòng nhỏ hoặc phòng có tỉ lệ kích thước không chuẩn, thì phần bass extension (tạm hiểu là độ trầm mà bass đạt được) lại có hại cho chất lượng âm thanh, nói kiểu nôm na là "tiếng bom giờ đây át tiếng hát". Để giải thích cho vấn đề này thì chúng ta phải nói về chuyện "cộng hưởng" (resonance).

Về cơ bản, bất kỳ khối không khí nào trong một không gian kín mà mỗi khi bị dao động thì sẽ khuếch đại các tần số nhất định nào đó. Việc khuếch đại các tần số như vậy được gọi là cộng hưởng, và những tần số nằm tại vị trí cộng hưởng xảy ra thì được gọi là các "điểm cộng hưởng" của căn phòng. Tần số của một điểm cộng hưởng sẽ được xác định bởi khoảng cách giữa các bức tường trong phòng, và khoảng cách mà càng lớn thì tần số cộng hưởng sẽ càng thấp.

Cộng hưởng gốc (fundamental resonance) được 2 bước tường tiếp nhận tại một tần số mà nửa bước sóng của tần số đó bằng khoảng cách giữa 2 bức tường. Khi một điểm cộng hưởng khác xảy ra tại một bước sóng, thì cộng lại ta có 1,5 bước sóng, và cứ thế khi xuất hiện tiếp một điểm cộng hưởng mới thì nó sẽ xảy ra tại một tần số có bội số của nửa bước sóng.

Công thức tính "điểm cộng hưởng gốc" là 1130/2D, trong đó 1130 là tốc độ trung bình của âm thanh (đơn vị tính feet/sec) khi di chuyển qua không khí tại nhiệt độ căn phòng (tương đương 344 mét/giây), và 2D là khoảng cách giữa 2 bức tường được nhân hai. Nếu tính cho một căn phòng rộng 20 feet (khoảng 6m) thì sẽ có cộng hưởng gốc tại tần số 28.25Hz (tức lấy 1130 chia cho 40), với các điểm cộng hưởng tiếp theo xảy ra tại các tần số 56.5Hz, 84.75, 113Hz và cứ thế tính lên.

Điều này cũng giống như khi bạn thổi vào một cái chai phát ra thành nốt nhạc trầm bổng lên xuống. Âm thanh phát ra như bài nhạc mà bạn nghe được đó không phải do bạn tạo ra, mà chính là các "điểm cộng hưởng" trong cái chai đó tạo ra. Bạn chỉ đơn giản là đang làm khuấy động không khí bên trong không gian khép kín (bên trong chai) một cách gần như là ngẫu nhiên, và cái chai đã khuếch đại các tần số nhất định nào đó mà bạn nghe được dưới dạng nốt nhạc. Tương tự vậy, khi loa lớn phát ra âm thanh khuấy động không khí trong phòng thì sẽ khiến căn phòng đó làm gia tăng các tần số thấp, kết quả là tạo ra tiếng trầm "uỳnh oàng".

Căn phòng càng lớn thì cộng hưởng gốc của phòng càng thấp, và do đó các điểm cộng hưởng sẽ càng gần sát nhau, dày đặc hơn. Các điểm cộng hưởng gần sát nhau là chuyện tốt, tức là nếu chúng xảy ra gần như liên hoàn liên tiếp nhau, thì các điểm cộng hưởng riêng lẻ có thể ít được nghe thấy hơn. Ngược lại, nếu ở trong phòng nhỏ thì các điểm cộng hưởng sẽ bị giãn cách nhau ra rộng hơn trên dải tần (của âm thanh), tạo thành các khoảng trống lớn giữa các tần số cộng hưởng, và do đó ta dễ nghe thấy chúng hơn. Đó là lý do tại sao rất khó để có được âm bass hay trong gian phòng nhỏ.

http://www.hdvietnam.com/diendan/61-thiet-bi-am-thanh/736443-chon-loa-khong-kho-nhung-cau-4.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét