Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

VỀ TÂY THIÊN TẮM SUỐI THỈNH KINH

Nếu ai đã từng nghe về Tây Thiên như 1 địa điểm du lịch sinh thái, có suối mát có rừng thẳm, khung cảnh đẹp như tranh vẽ thì khi đến Tây Thiên còn ngỡ ngàng về giá trị tâm linh huyền diệu. Hơn nữa trong những ngày hè oi ả, có nơi nào hơn nơi này khi chỉ cách Hà Nội chưa đầy trăm cây số là được thả mình theo mây gió.

 
Qua cổng tam quan đứng giữa trời, dừng chân đầu tiên của khách là đền Thỏng được xây dựng từ rất lâu. Ngay trước đền là cây đa chín cội ngả bóng mát xuống Hữu Huyền Cung (đền Thỏng). Phía sau là dòng suối Giải Oan (còn gọi là Bát Nhã Tuyền). Bóng đa vút tận trời xanh tỏa mát cả một vùng rộng lớn. Và sau bóng đa bên sân đền bạn còn ngạc nhiên hơn khi thấy một bóng ngôi chùa lạ! Lạ vì ngôi chùa này có nét rất riêng, là chỗ tu tập của một thiền phái Phật gia bắt nguồn từ tận xứ Tây Tạng, theo dòng truyền thừa Drukpa với những triết lý nhân sinh lạ lẫm và cũng chỉ có các ni cô theo tu đạo nơi này.
 
 
 
Qua đền Thỏng, đi bộ men theo bờ suối hay nếu muốn bạn cũng có thể chọn đi xe điện theo đường núi mới mở để tới đền Cậu, cũng là trạm cáp treo lên đỉnh. Quãng đường từ đền Thỏng tới đền Cậu chỉ khoảng hơn 1km với hai hàng cây xanh mát, những mái nhà dân lúp xúp xen lẫn trong sắc xanh của những vườn rau dọc con suối nhỏ. Người ta lên đền Cậu để cầu tài, cầu phúc, lộc, thọ và những nguyện ước tốt đẹp về tình duyên và con cái. Cũng là nguyện ước của nhiều người khi đến với Tây Thiên.
 
 
Tiếp tục cuộc hành trình từ đền Cậu, đi thêm khoảng 2 km nữa sẽ đến đền Cô. Cảnh sắc nơi đây thanh nhã, khoáng đãng và yên bình mát mẻ. Dòng suối Giải Oan cùng giếng nước cổ sát chân đền tăng thêm vẻ thanh tịnh cho không gian nơi đây. Từ đền Cô, men theo một lối rẽ quanh co qua các khe suối nhỏ, các gốc cây già sẽ tới Tịnh thất Tây Thiên. Cảnh vật nơi đây tinh khôi, nguyên sơ và u tịch.
 
 
Tịnh thất Tây Thiên ban đầu chỉ là một thảo am nhỏ của ba sư cô trẻ ẩn tu, sau đó phát triển rộng rãi theo pháp môn Mật tông Tây Tạng của dòng truyền thừa Drukpa nhưng chỉ nhận sư nữ (ni cô). Giờ đây Tịnh thất là ngôi nhà của hơn 100 ni sư. Dòng truyền thừa này đã có lịch sử 803 năm, qua 12 đời Pháp vương với vô số hành giả, trải rộng từ á sang Âu. Đã có 12 vị ni sư Tây Thiên được cử đi cầu pháp, thọ học các nghi quỹ và pháp tu Mật tông ở một ni viện tại Nepal. Nếu có thời gian bạn có thể xin phép nghỉ lại Tịnh thất, học đạo và hưởng buổi đêm trong tĩnh mịch với tiếng reo không dứt của suối nước, của tiếng gió rì rào, tiếng côn trùng...  một trải nghiệm thật lạ.
 
 
Ngược lên phía trên là Thác Bạc - dòng nước thơm của núi rừng Tây Thiên. Từ độ cao hơn 40 m nước đổ xuống trắng xóa như dát bạc, chảy ra hợp lưu với suối vàng ở Hồ Sen rồi chảy ra khe Giải Oan. Đi ngược tiếp lên, du khách tới Đầm Sen, Ao Dứa, núi Rùng Rình, nơi đây còn lưu giữ một hệ động thực vật rất có giá trị. Từ đây, du khách đi bộ ngược lên khoảng 3 km nữa sẽ tới chùa Đồng Cổ, đúc toàn bằng đồng tốt. Trong chùa thờ hai tượng Phật, cho tới nay niên đại và lai lịch về hai pho tượng này vẫn là một bí ẩn mà các nhà khảo cổ học chưa tìm ra lời giải.
 
 
Con đường du khảo lên Tây Thiên đẹp như một bức tranh thủy mặc, cao, xa vời vợi. Đường men theo các lối mòn ngay bên bờ suối. Lên cao, phong cảnh khiến người chinh phục ngạc nhiên với từng đoạn đường khác nhau chạy song song và đan xen với suối, trùng điệp cây rừng tỏa bóng mát. Suối Tây Thiên nằm lọt giữa hai bờ vách núi hút lên trời cao, dốc ngược liên tiếp với vô vàn những khối đá tảng vuông vức to hơn những chiếc xe lu chặn ngang dòng nước âm vang đêm ngày. Hành trình leo dốc, lội suối, xuyên rừng chinh phục độ cao từ 54 - 1.100m so với mặt nước biển khiến những đôi chân du khách tê cứng, rã rời mà rất lý thú. Và tuyệt hơn là cứ mệt ở đâu, bạn có thể lội phăng ngay xuống dòng suối mát bơi lội thỏa thích.
 
 
Đi chơi chốn này không quá mệt mỏi mà lại được sống giữa thiên nhiên, cứ đi chừng mười lăm phút lại nghỉ một lần, để cho gió ngàn thổi ráo mồ hôi, để thả sức ngắm cảnh núi rừng hùng vĩ, để cho tiếng suối thác ầm ầm thấm vào buồng gan lá phổi. Chờ cho đầu gối, bắp đùi hết mỏi rồi lại đi tiếp. Đúng vào những lúc mệt không kịp thở, đầu váng mắt hoa, tưởng như không thể nào có thể đi nữa thì bên sườn núi đã thấy có các lối mòn rẽ ngang hoặc các bậc thang xếp đá tảng. Đó là các con đường dẫn vào các ngôi đền miếu nhỏ xinh, rêu phong nép dưới um tùm cổ thụ (đền Cậu, đền Cô Bé, Tịnh thất và nhiều dấu tích di chỉ khác). Những bóng đèn chùa dọc lối lên cho ta thấy ấm cúng thân mật lạ lùng. Càng đi càng hăng hái để tìm lên chùa Thượng Tây Thiên cho thỏa lòng tín mộ. Trước một vùng rộng lớn núi non liên hoàn, rừng cây thâm u rậm rạp, có suối chảy, thác reo, cảnh trí u nhã, thanh tịnh khiến lòng người không thể thanh khiết hơn.
 
 
Khu danh thắng Tây Thiên rộng khoảng 150 ha, nằm trên sườn ngọn núi Thạch Bàn thuộc dãy Tam Đảo nổi tiếng với hệ động thực vật phong phú. Rừng Tây Thiên có những cây thông đã sống đến ngàn năm tuổi. Hệ động vật Tây Thiên cũng khá phong phú, có 4 lớp, 26 bộ, 86 họ và 281 loài, trong đó có những loài động vật quý hiếm như rùa vàng, gà lôi trắng, voọc đen má trắng, voọc mũi hếch, cá cóc Tam Đảo… Sự đa dạng sinh học cùng với hệ thống các đình chùa có giá trị văn hóa và khảo cổ khiến Tây Thiên có sức hấp dẫn lớn với khách du lịch và các nhà nghiên cứu. Cuộc hành trình lần lượt đưa du khách đến với hệ thống đền chùa Tây Thiên: Đền Trình, đền Thỏng, Chùa Thiên Ân, đền Cậu, đền Cô Bé, Tịnh thất, chùa cổ Phù Nghì, đền Cô Chín, đền Thượng và chùa Thượng Tây Thiên. 
 
 
 
 
 
 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét