Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

BÀU TRẮNG - ĐIỂM DU LỊCH HẤP DẪN CỦA BÌNH THUẬN

Đồi Cát Mũi Né là địa điểm thu hút hàng triệu lượt khách du lịch đến với Bình Thuận mỗi năm. Ngoài sa mạc ra, đồi cát nơi đây còn gắn liền với truyền thuyết đẹp về tình mẫu tử mà bất cứ người con nào trên mảnh đất Bình Thuận cũng đều biết đến. Đồi Cát Trắng gắn bó với Bàu Trắng hàng ngàn năm nay. Đồi Cát Trắng đem lại nguồn cát vô tận thì Bàu Trắng lại cho nguồn nước ngọt vô tận.
Giữa mênh mông đồi cát trắng với khí hậu nóng bỏng của vùng sa mạc, một hồ nước tự nhiên hiện ra thật trong xanh, mát rượi lòng người. Bàu Trắng còn gọi là Bạch Hồ, có nguồn nước trong xanh, cảnh vật hữu tình nên Bàu Trắng đã đi vào nhiều bài thơ của các thi sĩ như "Bạch Hồ nhàn thành" của Nguyễn Thông.
Nằm cách thành phố Phan Thiết 62km về phía Đông Bắc, xã Hòa Thắng (huyện Bắc Bình) là một trong những nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất tỉnh, nhưng lại được thiên nhiên ban tặng hai hồ nước ngọt khổng lồ mà người dân thường gọi là Bàu Trắng.
Theo những người dân bản địa, Bàu Ông và Bàu Bà đã có từ bao lâu không ai biết được, có người nói đã ngàn năm. Theo kết quả đo đạc bằng thiết bị định vị gần đây nhất, đáy hồ sâu đến trên 65 thước nước. Có điều lạ lùng là mặc dù nằm giữa một vùng cát, nắng và gió nhưng mực nước hồ không bao giờ cạn. Có người bảo rằng, dưới đáy hồ có một cái hang ăn thông ra biển. Nhưng cũng có câu hỏi ngược lại, nếu thế thì sao nước trong hồ quanh năm vẫn ngọt? Bí mật này cho đến nay vẫn chưa được ai giải thích.
Xưa kia nơi đây là một hồ lớn, sau này người dân đắp đập cát chạy vắt ngang hồ để đi qua. Hồ lớn này từ đó bị chia thành 2 phần: tiểu hồ và đại hồ. Do “Bàu” trong tiếng địa phương nghĩa là “hồ” nên từ rất lâu, người địa phương đã gọi tiểu hồ là Bàu Ông và đại hồ là Bàu Bà. Bàu Bà rộng hơn Bàu Ông và chứa lượng nước nhiều hơn. Bàu Bà có diện tích 70ha, nơi rộng nhất là 500m, độ sâu trung bình là 5m, nơi sâu nhất của Bàu Bà là 19m vào mùa mưa, càng về phía bờ, nước càng cạn dần.
Nằm giữa những triền cát trắng nên Bàu Bà còn được gọi là Bàu Trắng và ngày nay cũng thường được gọi với cái tên Bàu Sen bởi trong hồ vào mùa sen nở, phủ kín cả một vùng hồ. Hệ sinh vật ở Bàu Sen rất phong phú, có nhiều loại cá nước ngọt: cá rô, cá lóc, cá trê, cá trắm cỏ…Ngày xưa, bàu Bà đã từng là nơi sinh sống của cá sấu, nhưng cặp cuối cùng đã bị đánh bắt từ trước năm 1975.
Nhìn từ xa Bàu Ông và Bàu Bà nằm gối đầu nhau tựa hồ đang lơ mơ ngủ trên một vùng đồi cái trắng mênh mông như hoang mạc. Mặt hồ phẳng lặng, trong xanh và không một gợn sóng. Ven bờ hồ được choàng quanh bởi chiếc khăn voan của sen xanh, điểm lấm tấm những cánh sen màu hồng tỏa hương thơm ngan ngát.
Hai bên Bàu Trắng là những rặng phi lao dài chắn bão cát mỗi khi gió to. Đồi Cát Trắng còn gọi là đồi Trinh Nữ, bởi trong hướng nhìn về đồi Cát Trắng cũng thấy tư thế của một người con gái nằm nghiêng mình ẻo lả duỗi đôi chân trần. Người địa phương đặt tên là đồi Trinh Nữ, bởi mãi cho đến nay hầu như con người chưa thực sự khám phá sự trinh nguyên này, và cũng bởi vì màu cát trắng tinh khôi của nó. Trong cái nắng chói chang, những đồi cát hiện lên mông lung chập chờn, như trong cõi thực lẫn cõi mơ.
Khách du lịch đến với đồi Cát Trắng ngoài ngắm Bàu Trắng, đồi Cát ra, còn là nơi để du khách trượt cát, tìm cảm giác mới lạ, xua đi những mệt mỏi trong cuộc sống.  Đến với Bàu Trắng, bạn có thể thuê thuyền máy, thuyền tự chèo hay xe đạp nước để lênh đênh khám phá vẻ đẹp của ốc đảo giữa sa mạc. Bạn cũng có thể tổ chức cắm trại, câu cá dưới khu rừng dương ở phía bờ Bắc hay thuê xe mô tô chinh phục các đồi cát. Cảm giác được lướt băng băng trên những triền cát, chinh phục hết đỉnh đồi này đến đỉnh đồi khác mang đến ngập tràn tiếng cười sảng khoái. Dù các dịch vụ du lịch ở đây chưa phát triển nhưng Bàu Trắng vẫn là điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá Bình Thuận của du khách bốn phương.

Bảo Anh (TTVN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét