Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

10 KỲ QUAN THIÊN NHIÊN THẾ GIỚI CÓ NGUY CƠ BỊ 'XÓA SỔ'

(Petrotimes) - Với sự biến đổi nhanh chóng của khí hậu trái đất, rất nhiều kỳ quan thiên nhiên trên thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ biến mất trong tương lai không xa. Cùng điểm lại những kỳ quan thiên nhiên thế giới với nguy cơ lớn bị xóa bỏ vì chính tác động từ những con người.
1. Quần thể san hô của Úc - Great Barrier Reef
Đây là một quần thể san hô khổng lồ, lớn nhất thế giới bao gồm trên 2.900 rạn san hô đơn lẻ và 900 hòn đảo trải dài hơn 3.000 km và tổng diện tích của quần thể san hô này bao phủ một không gian diện tích mặt nước biển là 344.400 km vuông. Great Barrier Reef nằm trong vùng biển San hô, ngoài khơi vùng duyên hải bang Queensland, phía Đông Bắc đất nước Australia.
Theo Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Australia, quần thể san hô này có nguy cơ sẽ bị xoá sạch vào năm 2030 nếu các chỉ số về khí thải CO2 vẫn tiếp tục gia tăng.
2. Vườn quốc gia Glacier của Hoa Kỳ - Glacier National Park
Vườn quốc gia nằm trên địa phận bang Montana của Mỹ và hai tỉnh của Canada là Alberta và British Columbia. Nơi đây được xem là khu sinh thái đứng đầu của lục địa.
Năm 1850, Vườn quốc gia Glacier của Mỹ có tới 150 sông băng nhưng cho tới hôm nay nó chỉ còn lại 26 nhánh sông mà thôi. Theo ước tính của các nhà khoa học, nếu tình hình khí hậu hiện nay không thay đổi, vào năm 2020 sẽ không còn sông băng nào ở đây.
3. Quần đảo Maldives - The Maldives
Cộng hòa Maldives là quốc đảo gồm một nhóm các đảo san hô ở Ấn Độ Dương với số dân nhỏ nhất châu Á. Quần đảo nhiệt đới giống như thiên đường này rất nổi tiếng với các bãi biển cát trắng và luôn là điểm đến ưa thích của khách du lịch. Đáng tiếc, hiện tượng Trái đất nóng lên có thể sẽ tiêu hủy quần đảo trải dài gần 970km này. 80% quốc đảo chỉ trên mực nước biển 1m, trong khi nước biển ngày càng dâng cao. Với đà tăng của nước biển như hiện nay, Maldives sẽ biến mất vào năm 2050.
Maldives là quốc gia thấp nhất thế giới với mực đất tự nhiên chỉ cao 2,3m so với mặt biển. Chính vì điều này mà tình trạng mực nước biển đang dần dâng lên nhanh chóng đã trở thành mối đe dọa sự tồn tại của Maldives. Chính phủ nước này hy vọng cứu Maldives khỏi bị chìm xuống biển, nếu không chính phủ sẽ buộc phải mua đất từ những nước láng giềng để hơn 380.000 người dân Maldives có chỗ sinh sống khi nhà của họ dần chìm xuống biển.
4. Sông băng Kilimanjaro của Tanzania - Kilimanjaro Glacier
Kilimanjaro là núi lửa dạng tầng không hoạt động nằm ờ đông bắc Tanzania. Với độ cao 5.895m, Kilimanjaro được xem là "Nóc nhà của châu Phi" và cao thứ 4 thế giới. Tên ngọn núi này từng xuất hiện ngay trong đầu đề tác phẩm nổi tiếng "Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro" của văn hào Mỹ Ernest Hemingway.
Một số nhà khoa học cảnh báo các chóp tuyết và sông băng trên núi Kilimanjaro (Tanzania) sẽ hoàn toàn biến mất trong khoảng thời gian 2015-2020, sớm hơn nhiều so với dự đoán 20-50 năm từng được đưa ra 3 năm trước. Đây là một trong những hậu quả của hiện tượng trái đất nóng dần lên.
5. Quần đảo Indonesia - Indonesian Archipelago
Chạy dọc hơn 5.000 km theo đường xích đạo, Indonesia sở hữu tới gần một nửa số lượng đảo trên thế giới. Tuy nhiên, theo các nhà khí tượng thủy văn của nước này, quần đảo Indonesia sẽ mất khoảng 2.000 hòn đảo với khoảng 385.000 km vuông diện tích trước năm 2080. Trước năm 2050, khoảng 1/4 diện tích thủ đô Jakarta sẽ biến mất, trong đó có cả sân bay quốc tế nằm tại thành phố này.
6. Bán đảo Nam Cực - Antarctic Peninsula
Bán đảo Nam Cực là một phần cực Bắc của lục địa Nam Cực. Nó trải dài từ một đường giữa Cape Adams (Weddell Sea) và là một điểm trên đất liền phía nam của quần đảo Eklund.
Theo một nghiên cứu công bố ngày 15/4/2013 của các nhà khoa học, băng Nam cực đang tan chảy với tốc độ nhanh nhất trong 50 năm qua và nhanh gấp 10 lần so với cách đây 600 năm. Diện tích băng đá ở bán đảo Nam Cực đã giảm đi 40% so với trước đây. Nếu tốc độ băng tan không được làm chậm lại, chỉ trong vòng 20-40 năm nữa, sẽ chẳng còn băng tuyết ở Nam Cực. Điều này đồng nghĩa với nhiều loài động vật hoang dã sinh sống tại đây sẽ có nguy cơ tuyệt chủng.
7. Dãy núi Anpơ của Thụy Sĩ - Swiss Alps
Anpơ là một trong những dãy núi lớn nhất, dài nhất châu Âu, kéo dài từ Áo, Ý và Slovenia ở phía Đông, chạy qua Ý, Thụy Sĩ, Liechtenstein và Đức tới Pháp ở phía Tây.
Giờ đây, vào mùa hè, du khách không còn thấy dấu vết của băng tuyết trên đỉnh núi Anpơ sót lại từ mùa đông trước đó nữa. Con sông băng Rhone của dãy Anpơ giờ đây cũng đã thu hẹp và rút ngắn lại so với ngày trước rất nhiều.
8. Rừng đước Sundarbans - Sundarbans Mangroves
Sundarbans là khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới ở Bangladesh và Ấn Độ, với diện tích trên 10.000 km2, rừng đước Sundarbans thực sự là một mê cung khổng lồ, là nơi sinh sống của loài hổ Bengal quý hiếm, những loài động vật độc nhất vô nhị như cá trèo cây.
Hơn 2 triệu dân hiện đang sinh sống trong khu rừng đước này. Việc đánh bắt cá quá nhiều, đốn gỗ bừa bãi đã khiến đất bị rửa trôi xuống lòng sông khiến sình lầy tích tụ ngày một dày dưới đáy sông. Hiện nay, khu rừng đước đang bị đe dọa nghiêm trọng. Theo tính toán của tổ chức UNESCO, cuối thế kỷ 21 này, khoảng 75% diện tích khu rừng sẽ biến mất.
9. Biển chết - The Dead Sea
Biển Chết là nơi thấp nhất trên bề mặt Trái Đất. Nó nằm trên biên giới giữa Bờ Tây, Israel và Jordan trên thung lũng Jordan. Khu vực chứa nước bị hãm kín này có thể coi là một hồ chứa nước có độ mặn cao nhất trên thế giới.
Trong vòng 40 năm qua, mực nước ở biển Chết đã sụt giảm 24 m, diện tích mặt nước đã bị thu hẹp tới 1/3. Nguyên nhân là do Israel, Jordan và Syria đều đang sử dụng nước để cung cấp cho nông nghiệp và sinh hoạt.
10. Băng Bắc Cực - The Arctic Ice Shelf
Louise Allard – một nhà thám hiểm Úc đã tới Bắc Cực trong năm 2006 và phát hiện ra những vết nứt nguy hiểm trên các tảng băng lớn. Mặt băng giờ đây đã trở nên khá mỏng, ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Các nhà khoa học của NASA ước tính rằng Bắc Cực hầu như sẽ không còn băng trong những thập kỷ tới.
Linh Chi (th)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét