Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

Soạn Giả Viễn Châu

MẤY DÒNG TIỂU SỬ:

Huỳnh Trí Bá là tên thật của NSƯT Bảy Bá, tức soạn giả Viễn Châu. Ông sinh năm 1924 trong một gia đình nho học trung nông tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Khi còn học ở trường, ông đã mê đờn ca, cả tân lẫn cổ, thường có mặt trong các buổi đờn ca tài tử, hoặc cùng bạn bè tổ chức đờn ca.

Sự hiểu biết về bài bản cải lương là do ông học lóm chương trình ca cổ ở các dĩa nhựa và đài phát thanh, ngoài ra, ông được dịp làm quen, học hỏi nhiều về đờn ca với nghệ sĩ ở đoàn hát thời xưa như Văn Võ hí ban, bầu Lúa, bầu Phục, bầu Hùng mỗi khi đến địa phương lưu diễn. Đến năm 19 tuổi, ông đàn thạo các loại đàn tranh, violon, guitar và được nhiều người khen ngợi. Ham vui, ông bỏ nhà lên Sài Gòn tìm đến các ban nhạc lừng danh lúc bấy giờ. Nhờ tài hoa nên ông có mặt trong một dàn nhạc cùng với rất nhiều nhạc sĩ tài danh lúc đó như Jean Tịnh (violon), Bảy Hàm (đàn cò), Hai Biểu (tranh), Chín Hòa (kìm)..., là một ban cổ nhạc có tiếng ở đài phát thanh bấy giờ, đàn cho các danh ca lúc đó như: Cô Năm Cần Thơ, Ngọc Nữ, Ba Vĩnh Long, Tư Bé,... Cái tên Bảy Bá được biết từ lúc đó.

Một kỷ niệm đáng nhớ của NS Bảy Bá trong những năm đầu vào nghề: ông thường lui tới những nơi có đờn ca tài tử và quen biết với nhạc sĩ Mười Còn, lúc đó đang đờn cho đoàn Việt kịch Năm Châu. Bất ngờ, trước chuyến lưu diễn ra Hà Nội, nhạc sĩ đàn tranh của đoàn bị bệnh, NS Mười Còn thuyết phục Bảy Bá theo đoàn đi lưu diễn suốt hai tháng rưỡi... nhưng khi vừa về tới Sài Gòn thì một người anh của ông là Huỳnh Thanh Tòng bắt ông về quê, không cho theo đoàn hát nữa...

GIAN NAN BƯỚC CHÂN NGƯỜI NHẠC SĨ

Năm 1946 gia đình ông tham gia kháng chiến, nhưng chỉ một năm sau đó, người anh tên Thanh Tòng của ông bị bắt và chết trong tù, ông phải bỏ xứ trốn lên Sài Gòn, tìm đến đoàn Năm Châu (lúc này đổi tên là đoàn Con Tằm) để tiếp tục làm nghề; nhưng không lâu sau đó ông bị địch bắt, bị tra tấn dã man suốt 18 ngày. Không khai thác được gì, chúng đày ông đi Cẩm Giang. Năm 1949, do bọn lính canh sơ hở, ông trốn thoát và trở về Sài Gòn, lại tìm đến đoàn Con Tằm với cái tên Trương Văn Bảy.

MỘT SỰ NGHIỆP ĐỒ SỘ CÓ TỪ NIỀM ĐAM MÊ

Trong nghề, NS Bảy Bá được các nghệ sĩ đàn anh tận tình giúp đỡ, trong đó có NSND Năm Châu và vợ-NS Kim Cúc. Tuy nhiên, bản thân ông còn có một niềm đam mê cháy bỏng, một trái tim đa cảm và một năng lực sáng tác dồi dào. Hơn 60 năm cầm đàn, cầm bút, sự nghiệp sáng tác của ông đã có hơn 70 vở tuồng và hơn 2.000 bản vọng cổ! Cho tới nay, dù đã bước qua cái tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng ông vẫn miệt mài sáng tác, như con tằm chăm chỉ nhả những đường tơ óng ả cho đời.

Trong sự nghiệp sáng tác đáng nể trọng đó, NS Bảy Bá, soạn giả Viễn Châu còn là cha đẻ của bản tân cổ giao duyên (TCGD). Ông đã nói về những gian nan trong quá trình hình thành bài TCGD: "Lúc đầu có nhiều người không đồng ý, không chịu đưa bản nhạc cho tôi sáng tác lời vọng cổ. Thế là với hiểu viết về âm nhạc của mình, tôi đã tự mày mò viết lấy. Tôi cũng không ngờ khi ra đời, TCGD lại được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Sau này, nhiều nhạc sĩ mới tin tưởng đưa sáng tác của mình cho tôi viết lời vọng cổ...". Thế mới thấy, niềm đam mê âm nhạc (cả tân lẫn cổ) từ thuở thiếu niên đã giúp ông tạo nên một "kỳ duyên" cho hai loại hình tưởng chừng đối nghịch nhau.

Nhiều vở tuồng của ông cho tới nay vẫn được người xem nhắc nhở như: "Nát cánh hoa rừng" (vở đầu tay), "Đường ra biên ải", "Đời cô Nga", "Người mẹ mù", "Viên ngọc rắn thần", "Hoa Mộc Lan", "Con gái Hoa Mộc Lan"... Nhiều kịch bản của ông không chỉ được các đoàn đón dựng mà còn được thu vidéo, audio. Đặc biệt kịch bản "Tình mẫu tử" của ông sáng tác trên 20 năm, vừa được nhóm nghệ sĩ U50, U60 "Những dấu ấn không phai"-Nhà hát Trần Hữu Trang trình diễn và đã thu hút rất đông đảo người xem.

NGƯỜI TẠO DANH CHO NGHỆ SĨ

Năm 1959, nhân đi nghe ca ở quán, ông chú ý tới lối ca của NS Văn Hường. Thế rồi ông có sáng kiến viết bài vọng cổ hài cho Văn Hường thu đĩa. Sáng kiến này tạo sự mới mẻ và gây tiếng vang lớn về bản vọng cổ hài hước, đưa Văn Hường trở thành một ca sĩ vọng cổ hài duyên dáng và độc đáo. Đến nay nhiều người còn nhớ những bài: "Tôi đi làm rể", "Ba chàng rể quý", "Tư Ếch đi Sài Gòn", "Vợ tôi tôi sợ", "Văn Hường nể vợ", "Tâm sự Văn Hường", "Vợ tôi nói tiếng Tây",...

Từ năm 1964, ông mạnh dạn làm một cuộc giao duyên giữa nhạc tân và nhạc cổ. Bản đầu tiên "Chàng là ai?"(Tân nhạc của Nguyễn Hữu Thiết), bản nhạc này do nữ NS Lệ Thủy ca. Ngay lập tức ông thành công với thể loại này vì đĩa bán rất chạy. Dù lúc đó có ý kiến không đồng tình với sự "giao duyên" này, nhưng nhiều thính giả ưa thích nên các hãng đĩa thay nhau ký hợp đồng mời soạn giả Viễn Châu cộng tác. Một số đoàn hát lúc đó cũng theo "mốt" TCGD mà thêm vào khi diễn viên ca vọng cổ.

Thời kỳ bản vọng cổ lên ngôi, các danh ca được người xem ưa thích nhờ làn hơi đẹp, mượt mà, nhưng nội dung bản vọng cổ cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng giúp cho người nghệ sĩ thể hiện giọng ca của mình. Soạn giả Viễn Châu được mệnh danh là "người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được đông đảo người xem yêu thích, như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Tấn Tài với "Mùa xuân của mẹ", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu", Bạch Tuyết với "Hai sắc hoa Ti-gôn", Thanh Nga với "Nguyệt Kiểu xuất gia" và "Hai lối mộng",... Sau giải phóng, tác phẩm của ông vẫn được nhiều người ưa thích với các danh ca khó có người thay thế như: "Người mẹ miền Nam" (NS Thanh Nga), "Tiếng chày trên sóc Bom Bo" (Thanh Kim Huệ), "Nửa mảnh khăn rằn" (Út Bạch Lan),...

* * *

Soạn giả Viễn Châu được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vào năm 1988. Vinh dự đó như một sự khích lệ cho ông tiếp tục sáng tác. Tuy nhiên, điều luôn làm ông cảm thấy phấn khích chính là những người làm nghề, những nghệ sĩ quanh ông vẫn cần sáng tác của ông. Đó niềm vui khi thấy mình vẫn còn có ích cho mọi người, vẫn còn được góp sức làm vui cho đời.

http://www.saigongate.com/tac-gia.aspx?id=853

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét