Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

THANH TUYỀN





Ca sỹ Thanh Tuyền kể chuyện "tình sầu"

(Nguoiduatin.vn) - Ca sỹ Thanh Tuyền với những bài hát tình buồn, nỗi buồn người lính chiến đã làm say đắm, nghiêng ngả trái tim của hàng triệu khán giả Sài Gòn trước năm 1975. Sự yêu mến ấy đã nâng bước cho những thành công của Thanh Tuyền, khiến những năm tháng ở hải ngoại trong chị luôn khắc khoải nỗi niềm muốn được trở về hát trên chính quê hương mình.

Sau bao năm nghe Thanh Tuyền hát trong băng, đĩa khán giả cũng được gặp chị giữa Thủ đô vào tháng 12 năm nay. Thanh Tuyền xúc động: "Thanh Tuyền thực sự hạnh phúc khi được hát ở Nhà hát Lớn giữa Thủ đô, trái tim của cả nước. Đây là niềm mơ ước của Thanh Tuyền từ những năm còn trẻ, nay đã thoả ước nguyện". Thời gian của ca sỹ Thanh Tuyền thật gấp gáp, chị sẽ trở lại Mỹ trước Giáng sinh, nên một cuộc hẹn để trò chuyện lâu là rất khó.

Ngược thời gian, Thanh Tuyền nhớ lại thời kỳ còn là cô bé Như Mai sinh sống và học tập ở xứ Đà Lạt sương mù. Cô bé được trời phú cho một giọng hát trong veo, tiếng hát ngân nga như giọng hoạ mi của miền cao nguyên Langbiang. Mẹ chị người Đà Nẵng, bố người Quảng Ngãi nhưng Như Mai được sinh ra ở Đà Lạt. Như Mai yêu ca hát, có khiếu về ca nhạc từ khi còn nhỏ.

Những buổi văn nghệ do trường tổ chức, gần như không bao giờ Như Mai vắng mặt. Cũng chính vì vậy mà khi mới được hơn 10 tuổi, dự thi giải "Thần Đồng" của Đà Lạt vào năm 1959 Như Mai đã đoạt giải nhất với nhạc phẩm "Nắng đẹp miền Nam". Từ đó giấc mộng trở thành ca sỹ nơi Như Mai càng lớn hơn.


Ca sĩ Thanh Tuyền

Ngày ấy, tại Sài Gòn có hãng đĩa nhạc Continental của nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông nổi tiếng. Một lần tình cờ nghe tiếng hát của Thanh Tuyền trên radio, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã cho Mạnh Phát lên Đà Lạt tìm cô bé Như Mai. Mùa hè năm 1964, Như Mai về đến Sài Gòn và nhạc sỹ Mạnh Phát có dịp được nghe chị hát trong một buổi lễ phát phần thưởng do Trường Bùi Thị Xuân tổ chức ở hội trường Hòa Bình. Tại đây ông đã chú ý ngay đến giọng ca này, và đó cũng là người có công khám phá ra giọng hát trong số những giọng hát tiêu biểu của nền tân nhạc Việt Nam sau này để giới thiệu với nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông. May mắn đến với Như Mai, hãng đĩa nhạc Continental của nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông đã mời chị ký giao kèo độc quyền ngay sau khi chân ướt chân ráo từ Đà Lạt về.

Như Mai thật hạnh phúc trước lời đề nghị ấy. Và cô bé Như Mai còn may mắn hơn nữa khi được gia đình cô chấp thuận cho đi theo con đường ca hát, đúng như ước nguyện của cô. Tuy nhiên, vấn đề trở ngại duy nhất là tuổi Như Mai khi đó còn quá nhỏ, nếu phải sống xa gia đình thật là một điều khó khăn. Cuối cùng vấn đề cũng được giải quyết ổn thỏa bằng cách nhạc sỹ Mạnh Phát đề nghị với bố mẹ chị để nhận chị làm con nuôi, và đề nghị trên đã được bố mẹ cô bé chấp thuận.

"Cặp" với Chế Linh ru "tình sầu"

Một phần do giọng hát thiên phú, một phần do nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông đã dồn mọi nỗ lực trong việc "lăng xê" "dòng suối trong của Đà Lạt" trên báo chí cũng như trên đài phát thanh, chỉ trong một thời gian ngắn từ thành thị đến thôn quê, đâu đâu người ta cũng nhắc nhở tới một giọng ca mới Thanh Tuyền.

Từ một "cô bé lọ lem", giọng hát còn non nớt, Thanh Tuyền được hai người thầy rèn giũa, được vợ của nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông chỉ cho nhiều bí quyết khiến giọng hát đạt những đỉnh cao với các nhạc phẩm làm nên tên tuổi chị như "Dấu xưa kỷ niệm", "Nỗi buồn hoa phượng"... Thanh Tuyền gắn mình với những câu chuyện tình buồn dang dở.

Có người nói, “Nỗi buồn hoa phượng” là bài hát ruột của Thanh Tuyền vì nó gắn với tình đầu của chị. Giờ đây, chị chia sẻ rất thật: "Thời gian đó, khoảng 1963-1964, lúc đó tôi là một ca sỹ áo trắng, không phấn son, tôi thường mặc áo dài như học sinh để lên sân khấu, bài hát của nhạc sỹ Thanh Sơn phù hợp với lứa tuổi và cả với hình ảnh của tôi, lời ca dễ thương, âm điệu da diết. Có lẽ bài hát cũng vì vậy mà đi vào ký ức nhiều người và gắn liền với tên tuổi của tôi, thật ra tôi có nhiều bài ruột chứ không phải chỉ bài "Nỗi buồn hoa phượng".

Nhắc đến Thanh Tuyền, nhiều người nhớ đến thời kỳ chị hát cặp với Chế Linh làm nghiêng ngả các vũ trường, quán bar Sài Gòn. Thanh Tuyền nhớ lại, đó là những năm 1967- 1968 thời kỳ Chế Linh đang cộng tác với hãng đĩa Continental. Vì muốn có sự thay đổi và nhất là tránh cho thính giả nhàm chán với những nhạc phẩm đơn ca nên ông đã đưa ra sáng kiến là để Thanh Tuyền song ca với Chế Linh. Đĩa nhạc đầu tiên trong đó có nhạc phẩm "Hái trộm hoa rừng" của Trương Hoàng Xuân được tung ra thị trường và "ăn khách" một cách không ngờ. Những hãng đĩa khác sau đó đã tiếp tục khai thác để mời Thanh Tuyền - Chế Linh hát cặp.

Sự thành công của cặp song ca Chế Linh - Thanh Tuyền một phần nhờ ở hình thức mới lạ, một phần nhờ những nhạc phẩm soạn riêng cho song ca, thích hợp với tâm trạng của những người yêu nhau. Về sau này, Thanh Tuyền tâm sự: "Tôi không biết khi hát với Chế Linh hay như thế nào... có người nói là giọng của chúng tôi phù hợp với nhau... Sau đó tôi mới tìm hiểu ra vì giọng tôi là giọng cao, có thể hát 'note' của giọng nam được, chính vì đó những bài người nam hát với tôi họ rất vui vì họ không phải hạ giọng xuống"... Và vì lẽ đó, cặp song ca này với những tình khúc buồn đã làm mê đắm người nghe nhạc từ trước 1975 cho đến bây giờ.

Mới đây khi Chế Linh về nước làm đêm nhạc, anh đã dí dỏm cho biết, những bài hát song ca với Thanh Tuyền đã làm nổi danh hai người. Nhưng Thanh Tuyền không về hát cặp với Chế Linh nên "không cặp được với cô chị thì bắt cóc cô em". Chế Linh cách đây không lâu đã hát "Mai lỡ mình xa nhau" với Sơn Tuyền (em gái Thanh Tuyền) nhạc phẩm quen thuộc của hai người xưa kia đã từng nổi danh.

Nghệ danh của ca sỹ thường gắn với những câu chuyện riêng của mỗi người và Thanh Tuyền - dòng suối trong - cũng không ngoại lệ. Chị nhớ lại: "Khi về ký độc quyền với hãng đĩa Continental tôi được nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông và nhạc sỹ Mạnh Phát chọn cho tên này để thay thế tên thật. Cái tên Thanh Tuyền mang nhiều ý nghĩa. Tôi đến từ Đà Lạt là nơi có nhiều thác, nhiều suối nên được hai nhạc sỹ trên đặt cho tên là Thanh Tuyền nghĩa là suối nước trong... Nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông và nhạc sỹ Mạnh Phát, thường khoe với mọi người là họ đã khám phá được một dòng suối trong ở Đà Lạt".

Vương Hà - Hương Lan

Bí mật giọng ca làm nghiêng ngả Sài Gòn một thuở

(Nguoiduatin.vn) - Sau 47 năm theo kiếp cầm ca, giọng hát Thanh Tuyền như thôi miên vẫn đắm say nhiều thế hệ nghe nhạc trữ tình. Tiếng hát ấy cất lên từ bản năng được trau chuốt theo năm tháng đi hát.

Thanh Tuyền hát bằng cả trái tim yêu thương dành cho khán giả và "khi tiếng nói cất lên từ sự chân tình tận sâu thẳm tâm hồn, dù không chuẩn bị kỹ nhưng chắc không có gì sai sót để bị trách cứ", chị đã tâm sự như vậy.


Ca sỹ Thanh Tuyền với “Bản tình ca mùa đông”

Thanh sắc vẹn toàn nghiêng ngả Sài thành

Trước năm 1975, trên khắp miền Nam người ta nhắc nhiều đến Thanh Tuyền, cô ca sỹ hát hay như hoạ mi nhưng lại chẳng mấy ai biết mặt. Thanh Tuyền như người yêu trong mộng của bao tâm hồn lãng du. Thời gian, tuổi tác có lưu lại dấu ấn trên khuôn mặt chị nhưng không thể xoá nhoà đi sự thanh tú thuở nào. Thanh Tuyền nói chuyện từ tốn, mạch lạc, giọng chị trầm ấm chứ không như tiếng ca lúc chị cất lên thật nhẹ nhàng cao vút, trong veo như dòng suối bất ngờ gặp thác Cam Ly.

Những người yêu giọng hát của chị, nghe chị hát từ khi mái tóc còn xanh nay đã ngả màu hoa râm, còn với chúng tôi, những người trẻ hôm nay mê hoặc bởi giọng ca mà thời rực rỡ đã xa quá rồi cũng là... ngoại lệ của đêm nhạc. Chính vì vậy, khi chúng tôi nán lại quá nửa đêm để trò chuyện cùng chị, Thanh Tuyền thật sự xúc động, chị nắm chặt tay chúng tôi mà mắt ngấn lệ: "Tôi thật sự hạnh phúc. Đời đi hát chẳng mấy khi vui như vậy, nhất là khi người ca sỹ đã có tuổi".

Trong khoảnh khắc thăng hoa ấy, Thanh Tuyền nhớ về những năm tháng tuổi trẻ rực rỡ, khi mà thanh-sắc của người ca sỹ đạt đến độ chín. Chị kể lại: "Thời kỳ Thanh Tuyền được nhiều người biết đến, dù cộng tác với những hãng đĩa khác, trong số có hãng đĩa Việt Nam, nhưng Thanh Tuyền đã thỏa thuận với nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là vẫn tiếp tục thu thanh một số nhạc phẩm cho hãng đĩa của ông".

Ngày ấy, phương tiện thông tin đại chúng chưa phát triển, ti-vi cũng hiếm hoi nên người nghe nhạc chỉ biết đến giọng hát Thanh Tuyền và hình ảnh chị trên mặt băng đĩa hát. Thanh Tuyền vẫn đi học và vui đùa cùng các bạn mà không bị...xin chữ ký. Một thời gian sau, chị góp mặt lần đầu tiên trong một chương trình nhạc của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương trên đài truyền hình và liên tục trong nhiều chương trình khác. Lúc đó khán thính giả mới biết đến hình ảnh của Thanh Tuyền.

Chị chỉ thu đĩa và hát cho đài phát thanh vì chưa đủ 18 tuổi để hát ở vũ trường. Mãi đến năm 19 tuổi, Thanh Tuyền mới bắt đầu đặt chân vào hát tại các vũ trường. Đầu tiên là vũ trường Tự Do của ông Ngô Văn Cường. Sau đó một thời gian, chị sang cộng tác với chương trình Hoàng Thi Thơ tại vũ trường Maxim's. Đối với những sinh hoạt về đêm của Sài Gòn, Thanh Tuyền đã có một dạo trở thành một tiếng hát rất ăn khách. Như trong năm 1967, có những đêm chị phải hát tới 6 nơi và mỗi nơi chỉ có mặt tối đa chừng nửa tiếng để chạy qua nơi khác cho kịp giờ.

Trong giới văn nghệ sỹ Sài Gòn xưa còn truyền tụng, lúc ở đỉnh cao quyền lực Nguyễn Văn Thiệu cũng rất mê cặp song ca Chế Linh- Thanh Tuyền. Và ông ta ưu ái giọng hát ca sỹ Thanh Tuyền lắm, trên bàn làm việc của Nguyễn Văn Thiệu luôn có băng đĩa hát và hình ảnh của chị. Một con người được yêu mến như vậy chắc chắn sẽ có nhiều người mơ ước được trải nhung gấm dìu nàng bước trên con đường tình ái. Nhưng Thanh Tuyền đến bây giờ vẫn giữ chuyện xưa cho riêng mình.

Chị nói: "Chuyện tình yêu xưa giờ đã thành quá khứ. Tôi vẫn hát, tình chỉ đẹp khi còn dang dở và điều này cũng vận vào tôi như bao người khác. Với tôi tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Tôi bây giờ đã có gia đình hạnh phúc, hãy để quá khứ qua đi và ngủ yên".

Nếu ra đi xin được ru bằng tiếng hát

Thanh Tuyền đã về nước từ năm 2005, đã tổ chức đi hát từ thiện với nghệ sỹ Kim Cương nhiều lần. Chị về âm thầm nên nhiều người không hay biết. Khán giả trong nước đã trót yêu giọng hát Thanh Tuyền và vẫn mong ngóng một ngày được gặp chị trên sân khấu lớn. Còn với Thanh Tuyền, khi còn ở hải ngoại, tâm hồn luôn hướng về quê hương. "Mơ ước của tôi được đi khắp ba miền Nam-Trung- Bắc để hát cho khán giả đã yêu mến giọng hát Thanh Tuyền; được hát từ thiện tại mảnh đất tôi sinh ra- Đà Lạt mộng mơ thì dù có "đi xa" cũng không nuối tiếc", chị tâm sự.


Ca sỹ Thanh Tuyền một thuở

Thanh Tuyền trở về trong "Bản tình ca mùa đông" hát bằng tất cả trái tim, như ngày mai không còn tồn tại. Mỗi khi chị cất giọng hát, khán giả vỗ tay như....cải lương. Mặc dù giọng hát đã ngả sang Thu lâu rồi, nhưng khán giả vẫn yêu bởi Thanh Tuyền đã gợi lại kỷ niệm thời trẻ của bao người qua “Nỗi buồn hoa phượng”, “Đà Lạt hoàng hôn”, “Tình đầu tình cuối”... Chị chia sẻ với khán giả trong hơi thở gấp nhưng lòng người càng yêu hơn, tiếng vỗ tay nhiều hơn nữa nên Thanh Tuyền chỉ biết đáp lại tình yêu lớn ấy bằng giọng hát.

Chị bộc bạch: "Có người hỏi tôi bí quyết để hát hay và được khán giả yêu mến, tôi nói hai chữ bí quyết thì hơi quá mà chẳng có bí quyết đâu! Người nghệ sĩ có nỗi đam mê tha thiết cuồng nhiệt trong khi cất tiếng ca, đó là chìa khóa bí quyết, Thanh Tuyền thường dùng lời hát để diễn tả một trạng thái của tâm hồn nói lên được nỗi đau đớn, vui buồn hay hạnh phúc. Giọng ca Thanh Tuyền giữ được ngày hôm nay là nhờ sự yêu mến dài lâu của khán giả đó thôi".

Trong vòng quay của con tạo sinh-lão-bệnh tử, Thanh Tuyền ngẫm nhiều về ngày mai, chị chia sẻ: "Ngay từ nhỏ bước đầu đi hát, bản tính bình dị, chất phát là bản tính của Thanh Tuyền. Thành danh về nghề ca vì mình đam mê nghệ thuật, khán giả yêu thích nghệ thuật mới đi tìm, Thanh Tuyền và khán giả gặp nhau dưới ánh đèn sân khấu. Sau ánh đèn sân khấu, Thanh Tuyền là người mẹ, người vợ trong gia đình như những người đàn bà bình thường khác.

Thanh Tuyền ước mơ cũng rất bình thường thôi, muốn có những kỷ niệm về đời ca hát, để sau này các con thấy kỷ vật mà nhớ về một thời của mẹ. Thanh Tuyền cũng đã nói với các con rồi, mai kia mẹ ra đi, nhớ mẹ thì đem băng nhạc ra để nghe mẹ hát, như thế đủ rồi. Cát bụi trở về với cát bụi, nắm tro tàn chỉ muốn hướng về nơi dòng sông biển cả quê xưa...".

Thanh Tuyền đã không tránh khỏi xúc động khi biết rằng đến một lúc nào đó chị sẽ không còn được đứng trên sân khấu, dưới ánh đèn màu là những gì gần gũi nhất đối với đời một người ca sỹ. Chị tâm sự: "Khi tuổi còn trẻ, Thanh Tuyền đi hát vì niềm đam mê. Bây giờ, tôi vẫn đi hát show. Tuy nhiên, với tôi không quan trọng hát nhiều hay ít, không phải vì danh lợi nữa mà chủ yếu là vì niềm đam mê và vì sự yêu mến của khán giả. Tôi hát không những để giải tỏa tâm sự của mình mà còn giúp cho người thưởng thức cảm nhận được những rung động để thấy cuộc đời có nhiều ý nghĩa hơn".

Vì lẽ đó, Thanh Tuyền vẫn tiếp tục dấn thân trên con đường nghệ thuật, khán giả vẫn thương yêu, Thanh Tuyền còn sức khoẻ còn mong được cống hiến. Tôi chợt nhớ nhạc phẩm "Phút cuối" chị chia tay khán giả, có khởi đầu sẽ có kết thúc, có gặp gỡ sẽ có chia xa nhưng tiếng hát Thanh Tuyền sẽ còn mãi trong miền nhớ, yêu, say đắm của người nghe nhạc trữ tình xưa...

Vương Hà - Hương Lan
HDVietnam

Thanh Tuyền's Collection by Devil_Woman





COLLECTION


Hiển thị nội dung ẩn

Thanh Tuyền - 36 Năm Tiếng Hát Gửi Người (2001) - [Làng Văn 296]

Thanh Tuyền - Anh Đi Chiến Dịch - [Thanh Tuyền Prod.]

Thanh Tuyền - Cánh Cò Giòng Sông (1997) - [Thanh Tuyền Prod.]

Thanh Tuyền - Chuyện 3 Người - [Thanh Tuyền Prod.]

Thanh Tuyền - Đà Lạt Hoàng Hôn (1996) - [Làng Văn 200]

Thanh Tuyền - Em Còn Nhớ Mùa Xuân (1996) - [Làng Văn 202]

Thanh Tuyền - Gửi Người Ngàn Dặm (1993) - [Thanh Lan 062]

Thanh Tuyền - Hạ Buồn (1996) - [NDBD Gold 017]

Thanh Tuyền - Lá Thư Miền Trung (2010) - [Làng Văn CD]

Thanh Tuyền - Lời Tình Viết Vội (1991) - [Mai Khanh 006]

Thanh Tuyền - Mười Năm Tái Ngộ - [Hải Âu 167]

Thanh Tuyền - Người Ở Đôi Bờ - [Thanh Tuyền Prod.]

Thanh Tuyền - Những Tình Khúc Bất Hủ 2 - [Ca Dao CD]

Thanh Tuyền - Qua Cơn Mê (2010) - [Làng Văn CD]

Thanh Tuyền - Rumba (1992) - [Làng Văn 025]

Thanh Tuyền - Tình Chàng Ý Thiếp (1993) - [Phượng Hoàng 055]

Thanh Tuyền - Tình Khúc Trần Thiện Thanh - [Thanh Tuyền 08]

Thanh Tuyền - Tuyệt Phẩm (1994) - [Thúy Anh 090]

Thanh Tuyền, Chế Linh - Áo Cưới Màu Hoa Cà (1989) - [Làng Văn 051]

Thanh Tuyền, Chế Linh - Chiều Mưa Biên Giới - [Phượng Hoàng 069]

Thanh Tuyền, Chế Linh - Đoạn Tuyệt (1992) - [Làng Văn 117]

Thanh Tuyền, Chế Linh - Đường Xưa Em Đi - [Thúy Anh CD]

Thanh Tuyền, Chế Linh - Ngày Đó Xa Rồi (1990) - [Thanh Lan 007]

Thanh Tuyền, Chế Linh - Ngày Em Còn Bên Tôi (1995) - [Giáng Ngọc CD]

Thanh Tuyền, Chế Linh - Sau Lần Hẹn Cuối (1995) - [Shotguns CD]

Thanh Tuyền, Mỹ Huyền - Mấy Nhịp Cầu Tre (1993) - [Hải Âu 053]




.


http://www.hdvietnam.com/diendan/183-nhac-viet-nam/280461-thanh-tuyens-collection-devil_woman-wav.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét