Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

ĐỒNG THÁP MÙA NƯỚC NỔI

Đồng Tháp mùa nước nổi



Xuyên rừng tràm Gáo Giồng

Từ thành phố Cao Lãnh theo Quốc lộ 30, rẽ phải là con đường xi măng dài chừng 20km đến bến thuyền đi Gáo Giồng. Khách xuống ghe máy đi chừng 30 phút nữa là đến Gáo Giồng - nơi thu hút nhiều du khách đến tham quan. Gáo Giồng có diện tích khoảng 1.700ha, trong đó có 250ha rừng nguyên sinh với những bưng trấp, lung, bàu… “Đồng Tháp Mười thu nhỏ” ấy là nơi sinh sống của rất nhiều loài chim quý hiếm: trích mồng đỏ, cồng cộc, le le, vịt trời… Trong đó, có loài chim nhan điển và diệc lửa được ghi vào sách đỏ thế giới.
Vào mùa nước, thú vị nhất có lẽ là tuyến du lịch bằng xuồng ba lá đến sân chim. Khách cứ 5 người xuống một chiếc xuồng nhỏ. Áo bà ba đủ màu xanh đỏ, các cô gái khăn rằn quấn cổ, đội nón lá xinh xắn bơi xuồng đưa chúng tôi “dạo chơi” xuyên qua những vạt rừng tràm. Giữa dòng kênh dập dờn rong rêu, bèo hoa dâu và nồng nàn hương tràm, tiếng hát cô thôn nữ vang lên ấm áp, ngọt ngào, đằm thắm như mùa bông điên điển phương Nam đang trổ bông. Khách thích thú, mọi người giành lấy dầm, tự tay bơi và còn bơi đua giữa các xuồng. Tiếng cười giòn tan cả một dòng kênh.

   
                      Rất đông du khách đến Gáo Giồng
Xuồng đưa khách đến sân chim rộng khoảng 35ha, ai cũng thỏa sức ngắm nhìn những đàn chim, cò bay ríu rít trên những tán cây. Đứng trên đài quan sát cao 18m mà tôi cảm giác như đứng trên tầng mây, toàn bộ vườn chim và những tán tràm xanh mướt trải dài trước mắt chúng tôi. Gáo Giồng thật sự trở thành ốc đảo giữa mênh mang nước vào mùa nước lên từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch hằng năm. Đến Gáo Giồng mùa này, khi nước từ sông Mê Kông đổ về tràn cả cánh đồng, mới cảm nhận hết vẻ đẹp của mảnh đất phù sa Đồng Tháp... Chúng tôi may mắn được thưởng thức những món đậm đà chất Nam bộ đúng vào mùa nước nổi: lẩu cá linh kho lạc kèm bông điên điển, bông điên điển xào tép, cá rô kho tộ…
Hoang sơ Tràm Chim
Khi đã mê mẩn với con nước ở những dòng kênh nhỏ tại Gáo Giồng, chúng tôi lại được vườn Tràm Chim Tam Nông chào đón bằng cảnh đất trời trắng xóa nước và nước. Nói Tràm Chim là hình ảnh của Đồng Tháp Mười xa xưa hẳn không sai. Mùa khô, đây là những cánh đồng tươi tốt. Tới tháng 7, con nước từ thượng nguồn đổ về nhấn chìm cả cánh đồng.
Đến đây, hứng thú nhất là đi tắc ráng lướt sóng băng băng trên đồng nước. Tắc ráng nổ bành bạch, lao đi như xé nước mở đường. Chúng tôi phải đứng chòng chành trên tắc ráng mới may bắt được vài kiểu ảnh. Háo hức vô cùng. Thỉnh thoảng bắt gặp những đôi cò trắng bay trước mặt, dập dờn trên dòng kênh như hai diễn viên múa đang say sưa thể hiện bản tình ca của riêng mình. Vun vút lướt qua vạt rừng tràm, những vạt cây tre làm vàng óng một khúc kênh, chiếc tắc ráng dừng lại ở khoảng giữa đầm sen. Cả bề mặt nước toàn sen là sen, những búp hồng đang hé nụ, những bông đã mãn khai lấm tấm, xen kẽ giữa hàng ngàn chiếc lá sen xanh. Ai cũng ngẩn ngơ trước vẻ đẹp và hương thơm của đồng sen giữa buổi trưa như thế này!

   
                               Tham quan Tràm Chim
Mọi người lại nhốn nháo vì có tiếng chim xao xác phía trên đầu. Đó là đàn cò ốc hàng trăm con đang chao lượn, kín cả bầu trời xanh thẳm. Ai cũng lanh tay bấm máy ghi lại cảnh hoành tráng này. Băng qua cánh đồng cỏ năng đến đồng lúa trời, cô hướng dẫn viên Nguyễn Thị Ngọc Huyền giải thích: “Người địa phương ở đây còn gọi lúa trời là lúa ma vì nước dâng lên bao nhiêu thì ngọn và hạt lúa vươn cao lên tới đó. Gạo lúa ma rất ngon và dẻo thơm. Hiện tại, Vườn Tràm Chim đang bảo tồn, làm thức ăn cho các loài chim”.
Đến giữa rừng, chiếc tắc ráng dừng lại trước một căn nhà sàn và một đài quan sát cao chót vót, ở độ cao đó, thu vào tầm mắt mọi người khoảng không vô tận của Tràm Chim. Giữa cánh đồng sen bát ngát, từng chiếc lá và cánh sen như hiện ra rõ hơn dưới ống nhòm. Dưới kia, chiếc xuồng ba lá thật bé nhỏ khi len lỏi giữa dòng kênh. Chúng tôi ai nấy đều hứng thú với việc tự chèo xuồng ba lá, hái hoa và những bẹn sen non về cho bữa trưa. Món cá lóc nướng trui ở đây được xem là đặc sản vì được cuốn trong lá sen non hái từ đầm sen, đăng đắng, thơm thơm lại chấm với nước mắm me vừa ngọt vừa chua, khá lạ lùng với khách phương xa. Giữa không gian ấy, lại nhâm nhi mấy ly rượu sen Đồng Tháp, quả không gì bằng.
Anh Đặng Tiên Khoa, nhân viên Vườn quốc gia Tràm Chim cho biết rừng thu hút khoảng 10.000 khách/ năm, hiện tại đang chia ra một số tuyến: tuyến 12km, tuyến 25km, tuyến 36km. “Rừng khá kén khách, chỉ những ai thực sự muốn “khám phá” mới đến. Trước đây, Tràm Chim là khu rừng đặc dụng, toàn bộ đều là rừng cấm, nơi phục hồi sinh thái, là điểm ăn của nhiều loài quý hiếm, trong đó có sếu. Chúng tôi chỉ đưa khách đi tham quan khu rừng. Có một vài hoạt động của du lịch mùa nước nổi như xem chim sinh sản, giăng lưới đêm, giăng câu, đặt lờ, săn chuột…, khách vừa đủ sự trải nghiệm để có thể cảm nhận được Đồng Tháp Mười xa xưa như thế nào”, anh Khoa chia sẻ.
Bài và ảnh: Thiên Tân
- Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng nằm tại ấp 6, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh. Khu du lịch sinh thái này hình thành trên cơ sở rừng tràm Gáo Giồng.
- Vườn quốc gia Tràm Chim ở hạ lưu sông Mê Kông, có diện tích 7.313ha. Thảm thực vật rất phong phú với hơn 130 loài thực vật bậc cao, với 6 quần xã đặc trưng, bao gồm: sen, lúa trời, năng, mồm mốc, cỏ ống, rừng tràm. Hệ chim nước của vườn đa dạng với 231 loài. Đây là nơi cư trú của nhiều loài chim quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam và sách IUCN như: cốc đế, giang sen, già sói đặc biệt là loài sếu đầu đỏ có nguy cơ tuyệt chủng. Ngày 22/5, Vườn quốc gia Tràm Chim chính thức được công nhận là khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét