Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

Ngập tràn phim về “tam nông”: Ngô nghê hóa hình ảnh nông dân

Giai đoạn gần đây, phim về đề tài “tam nông” nở rộ. Khán giả nông thôn vui vì họ không bị bỏ quên, nhưng vẫn buồn vì nhiều phim “ngô nghê hóa” người nông dân hoặc làm méo mó họ.
Ca sĩ Thanh Ngọc vào vai một cô gái nghèo trong “Chuyện xứ dừa”.

Ngô nghê hóa hình ảnh nông dân
Mô típ một gia đình nông dân bán hết của cải, đất đai bỏ lên thành phố lập nghiệp rồi trở thành ngu ngơ, khờ khạo trước những mánh khóe và cuộc sống thành thị đã được khá nhiều phim tập trung khai thác.
Chẳng hạn 40 tập phim “Gia đình số đỏ” của đạo diễn kiêm biên kịch Văn Công Tiễn, Hãng phim Đại Nam hay 35 tập phim “Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa” do đạo diễn Hồ Ngọc Xum dàn dựng từ kịch bản Đinh Thiên Phúc đều đưa đến hình tượng những người nông dân bị “ngô nghê hóa”.
Gia đình Hai Phát trong phim “Gia đình số đỏ” lên đất Sài Thành bằng chiếc xe tự chế kiểu trên là ghe, dưới là xe hơi, cồng kềnh và không giống ai, vậy mà họ cứ đi nghênh ngang giữa phố xá, chẳng bị cảnh sát giao thông nào thăm hỏi.
Họ đi đến đâu cũng ngạc nhiên, chỉ trỏ rồi ô a há hốc mồm trước cảnh tượng rất bình thường ở phố. Con trai ông Hai Phát nhờ tiền lừa được từ một phụ nữ mà mở được hẳn một tòa soạn báo, không hiểu chuyện này xảy ra ở thời nào?
Khán giả Vũ Văn Long ở thị trấn Chờ (Yên Phong, Bắc Ninh) cho biết: “Xem những thể loại phim theo thể loại hài hước này, tôi thấy tội nghiệp cho hình ảnh người nông dân quá. Người làm phim cứ lợi dụng phim hài để biến người nông dân lên phố ngơ ngẩn chẳng khác gì người ngoài hành tinh lạc xuống trái đất. Họ có thể lam lũ cực khổ, nhưng làm gì tới nỗi lên Sài Gòn mà như người nguyên thuỷ lạc vào thế giới hiện đại.
Trong phim “Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa”, nhà ông Hai Lúa bỏ mấy chục triệu ra mua một chiếc TV xong rồi cãi nhau vì không biết bật lên như thế nào. Không biết bán ruộng được bao nhiêu mà mua xe hơi cho con đi học, bỏ tiền ra thành lập công ty xong mới hỏi nhau “Giờ ta kinh doanh gì nhỉ?”. Đó là những điều phi lý”.
Chính nghệ sĩ Trung Dân - một diễn viên trong phim “Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa” cũng đã hơn một lần thừa nhận, anh rất dị ứng với các bộ phim thể hiện người nông dân lên phố như những người khờ khạo, đến cái máy sấy tóc cũng không biết sử dụng và kịch bản tập trung vào chi tiết dạng đó để lấy tiếng cười. Biến người nông dân chân chất thật thà thành người khờ khạo nơi thành phố để người xem cười cợt thực chất là một sự xúc phạm.
Nông dân “giả hiệu”
Điểm qua hàng loạt những bộ phim về nông thôn, nông dân trong giai đoạn gần đây ở khu vực phía Nam như “Về quê cưới vợ”, “Cá rô, em yêu anh”, “Tay chơi miệt vườn”, “Chuyện tình làng hoa”, “Chuyện xứ dừa”, “Chàng mập nghĩa tình”… có thể thấy đó là những bộ phim về nông dân “giả hiệu”. Tức là kịch bản xảy ra ở khu vực nông thôn, nhưng góc nhìn, cách khai thác đề tài lại nghiêng về những vấn đề của người thành phố.
Trong “Tay chơi miệt vườn”, chuyện về 3 ông nông dân Tổ, Giá và Thống bỗng nhiên nhận được tiền tỷ đền bù đất nhưng không biết sử dụng thế nào. Và 3 “hai lúa” trăm phần trăm này bỗng trở thành những con người khác, sành sỏi lõi đời. Chưa kể lời thoại trong phim quá hoa mỹ, sáo rỗng, thực sự xa lạ với cách nói năng chân chất của người miền Tây. 
Khán giả Đỗ Trung Tuyền (Hà Đông, Hà Nội) nhận xét: “Nhiều chi tiết trong phim về tam nông khiến khán giả thấy rất “chỏi”, chẳng hạn trong phim “Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa”, đây là một gia đình chân chất ở vùng quê, nhưng trên vách nhà lại dán đầy ảnh nhóm nhạc Super Junior của Hàn Quốc, chứng tỏ phần hiện trường rất ẩu, gây phản cảm cho người xem”.
Nhiều bộ phim đề tài nông thôn nhưng các tình tiết thực sự nông thôn và diễn xuất làm ra chất người nông dân hoàn toàn vắng bóng. Nhiều khán giả cho biết họ xem “Chuyện xứ dừa” từ đầu đến cuối thấy khó chịu vì diễn viên nữ chính ca sĩ Thanh Ngọc vào vai Lài- cô gái nghèo nhất vùng mà tóc tai, hóa trang luôn nuột nà từ đầu đến chân, đích thị ra dáng là một người đẹp ăn trắng mặc trơn ở phố.
Hay bà mẹ của Út Vân trong phim “Về quê cưới vợ”, nhân vật luôn tự xưng mình là một người đàn bà quê kiểng chân chất nhưng thực ra, ngoại hình của bà trăm phần trăm là người phố.
Nếu so sánh hai mảng phim về tam nông của các hãng phim phía Bắc và phía Nam có thể thấy phim phía Bắc làm “chất” hơn, chăm chút hơn nhưng đề tài thường nghèo nàn, có phần gượng. Phim phía Nam thì cốt truyện phong phú, thiên biến vạn hóa nhưng cách làm lại hơi ẩu và chưa có những câu chuyện xúc động sâu xa về người quê.
Khán giả nông thôn vẫn đang khao khát những bộ phim hay về nông thôn được làm cẩn trọng, nghiêm túc, nói được những trăn trở, khát khao của họ trong cuộc sống hiện tại chứ không phải dạng phim chỉ lấy “tam nông” làm cái cớ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét