Căn chỉnh HDTV bằng đĩa AVSHD tại một sự kiện của HDvietnam.


Rất nhiều người hiện nay nghĩ rằng mua một chiếc TV tức là họ đang mua chất lượng hình ảnh. Điều này hoàn toàn sai, bởi chi thật nhiều tiền để mua một chiếc TV, tức là bạn đang có thêm nhiều CƠ HỘI để nhận được những hình ảnh tốt hơn, chứ không phải là bạn sẽ nhận được chất lượng hình ảnh tốt hơn. Và việc tận dụng cơ hội này hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân lẫn kiến thức của bạn, chứ không phụ thuộc vào số tiền bạn đã mất cho nhà sản xuất.


Một điều mà hầu hết chúng ta không nhận ra, đó là TV càng cao cấp thì càng được trang bị thêm nhiều công nghệ "thừa thãi" và làm cho chất lượng hình ảnh đi xa với tín hiệu gốc hơn. Ví dụ như công nghệ làm sắc nét hình ảnh hay tăng cường màu sắc, các công nghệ này thực chất là sử dụng một vài thuật toán nhỏ để khiến hình ảnh trở nên sặc sỡ và giả tạo...

Nói vậy không có nghĩa là chúng ta đang đánh đồng giữa TV cao cấp và TV sơ cấp, bởi sự khác biệt về chất lượng hình ảnh giữa chúng vẫn là rất lớn. Ở đây, HDvietnam muốn nói rằng: nếu bạn muốn thưởng thức phim ảnh theo đúng nghĩa videophile, hãy tắt hết các công nghệ phụ trợ và bắt tay vào tự cân chỉnh cho các thông số sơ đẳng. Đây cơ hội duy nhất để bạn tận dụng hết hiệu năng của một chiếc TV.

Đầu tiên, trước khi bắt tay vào công việc calibration TV, bạn sẽ phải nắm vững hết các thuật ngữ cơ bản. Đừng vội coi thường, đây chính là nền tảng quyết định tới sự thành công hay thất bại trên con đường chinh phục đỉnh cao videophile sắp tới.



Chế độ hình ảnh (Picture Mode)

Chế độ hình ảnh chính là những hệ thống thông số sơ đẳng nhất mà nhà sản xuất đã tạo ra. Thông thường, để xem phim chúng ta sẽ chọn chế độ Movie hoặc Cinema, đây là 2 chế độ có khả năng tiệm cận cao nhất với điểm chính xác của hình ảnh. Trong khi đó, Vivid hoặc Sports là các chế độ nằm xa nhất số với điểm chính xác của hình ảnh.

Ở chế độ Movie, hình ảnh nhận được sẽ hơi ấm (mềm, nhuốm đỏ), và có vẻ trông hơi lạ nhưng nó lại gần với màu sắc mà bạn thường thấy ở trong các rạp chiếu phim.


Độ tương phản (Contrast)

Về cơ bản, độ tương phản chính là sự khác biệt giữa độ sáng cao nhất và độ tối cao nhất của một màn hình. Hay đơn giản hơn, độ sáng = màu trắng/màu đen. Ví dụ: một màn hình có khả năng tạo ra màu trắng có độ sáng là 1000 foot-lambert và màu đen là 0,1 foot-lambert thì độ tương phản của nó sẽ là 1000:0,1 hay 10.000:1. Ngoài ra, còn có độ tương phản động và độ tương phản tĩnh, tuy nhiên, trong phạm vi bài viết về calibration chúng ta sẽ tạm gác vấn đề này sang một bên.

Trong tất cả các thông số của một chiếc TV thì độ tương phản luôn là thông số đáng để quan tâm nhất. Nhưng xin nhớ: tất cả các con số liên quan đến độ tương phản hiện nay đều là vô nghĩa. Lý do ư? Hãy chờ bài viết khác trên HDvietnam.

Trong quá trình calibration, Contrast ảnh hưởng rất lớn đến chi tiết trong vùng sáng. Nếu thiết lập thông số độ tương phản quá cao, bạn sẽ mất đi các chi tiết (hãy nhìn những đám mây trắng, những mảng tuyết... chúng dường như là liền một khối). Ngược lại, nếu thiết lập quá thấp, hình ảnh trông thiếu sắc thái và tối.


Độ sáng (Brightness)

Không giống như độ tương phản, độ sáng thường chi phối nhiều đến chi tiết ở vùng tối. Nếu thiết lập quá thấp, bạn sẽ mất đi nhiều chi tiết ở trong vùng tối, và lúc này có thể chúng ta không còn thấy khuy của chiếc áo vét, hay không còn thấy những chiếc lá cây rơi rụng ở dưới bóng râm nữa... Còn nếu kéo lên quá cao, hình ảnh trở nên nhợt nhạt, màu đen bị rửa trôi và trông giống như màu xám.


Màu sắc (Color)

Màu sắc (Color) thực chất là thông số dùng để kiểm soát độ bão hòa màu sắc (Color Saturation) của TV. Nếu thông số này quá cao, màu sắc trông sặc sỡ và giả tạo (cái này là dễ mắc phải lắm ạ). Ngược lại, nếu thiết lập quá thấp, màu sắc trông sẽ nhợt nhạt và thiếu sức sống.

Thông thường, để căn chỉnh Color, chúng ta sẽ phải sử dụng các hình ảnh mẫu và một tấm lọc màu xanh (blue). Tuy nhiên, cũng có một số chiếc TV cho phép người dùng can thiệp vào thông số này dựa trên một chế độ đặc biệt, được gọi là chế độ màu xanh (blue mode). Để truy cập vào Blue Mode thường thì các bạn sẽ phải vào sâu bên trong menu thiết lập (hãy thử xem TV nhà bạn có không nhé!).


Tint

Tint là thông số sẽ khiến cho hình ảnh trên chiếc TV của bạn nhuốm màu xanh lục hoặc màu đỏ. Giống như Color, bạn sẽ chỉ căn chỉnh chính xác được thông số Tint khi có một tấm lọc màu xanh kết hợp với một hình ảnh mẫu.

Nhìn chung, nếu calibration bằng mắt thì các bạn không nên đụng đến Color Tint. Hai thông số này tương đối chính xác nếu như bạn chọn chế độ Movie hoặc Cinema để xem.


Căn chỉnh độ nét bằng đĩa AVSHD.


Độ nét (Sharpness)

Nói là độ nét, thế nhưng về bản chất thì Sharpness sẽ không làm cho hình ảnh trên TV trở nên nét hơn (đa số chúng ta đều hiểu theo nghĩa này). Thay vào đó, độ nét sẽ kiểm soát khả năng "tăng cường cạnh" (edge enhancement) của hình ảnh hoặc tạo ra những đường nét cạnh cho các chi tiết tối.

Nếu tăng Sharpness lên quá cao, bạn sẽ thấy hình ảnh giống như có một lớp hào quang nhẹ bao quanh, nhìn lâu khá nhức mắt. Thông thường, hiệu ứng Sharpness cao sẽ "được lòng" hầu hết mọi người, chúng tạo ra các đường nét giả tạo. Tuy nhiên, nếu là một videophile thực thụ, bạn sẽ không lạm dụng độ nét mà thường giảm xuống một con số rất thấp - thậm chí nhiều người còn tắt luôn.

Có thể bạn sẽ thấy điều này là kỳ lạ, nhưng sự thật là việc giảm độ nét sẽ khiến cho hình ảnh trở nên nhẹ nhàng, dễ chịu và gần với tín hiệu gốc hơn.

(Thực chất thông số Tint và Sharpness là 2 đứa con rơi còn sót lại của công nghệ màn hình CRT).


Nhiệt độ màu (Color Temperature)

Tên gọi đã nói lên tất cả, nhiệt độ màu là thông số kiểm soát độ ấm - lạnh của hình ảnh, hay nói cách khác, nó khiến cho hình ảnh trở nên nhuốm đỏ (ấm) hoặc nhuốm xanh (lạnh). Trong đa số trường hợp, nhiệt độ màu đã được nhà sản xuất thiết lập tương đối chính xác ở chế độ Warm hoặc Medium (ở một số TV, nhưng nói chung là hiếm gặp).

Có thể bạn sẽ thấy chuyển sang chế độ Warm (ấm) màu sẽ hơi nhuốm đỏ và trông... là lạ. Nhưng sự thật là ở chế độ Movie hoặc Cinema, nhà sản xuất đã lựa chọn Warm cho nhiệt độ màu, và nó gần với tín hiệu gốc hơn. Do đó, nếu TV của bạn hiện đang chọn chế độ nhiệt độ màu khác, hãy chuyển sang chế độ Warm (hoặc Medium, nếu có), và làm quen với nó dần đi.


Đèn nền (Backlight)

Thông số này chỉ có trên TV LCD (nhưng không phải tất cả đều hỗ trợ đâu nhé!), và giúp điều tiết công suất sáng của đèn nền. Nếu các bạn chỉnh thông số backlight thấp, màu đen sẽ sâu hơn, và giúp cho màn hình trở nên dễ chịu hơn ở trong màn đêm. Tuy nhiên, ở trong môi trường sáng, nếu bạn tăng công suất sáng của đèn nền lên thì độ sâu của màu đen dường như tốt hơn và màn hình đỡ phản chiếu ánh sáng hơn.


Cell Light

Một số dòng TV Plasma của Samsung được trang một tính năng có tên gọi là Cell Light. Về cơ bản, Cell Light tương tự như Backlight của TV LCD, giúp kiểm soát công suất sáng tổng thể của màn hình. Và cũng giống như Backlight, nếu Cell Light được thiết lập thấp thì màu đen sâu hơn, đỡ tốn điện hơn, nhưng lại làm cho hình ảnh bị mờ đi.


Giảm nhiễu (Noise Reduction)

Với nguồn phim, có 2 kiểu nhiễu hình ảnh, một kiểu là do nguồn phim không tốt (có thể là do nguồn DVD, Youtube...) và một kiểu nguồn phim đã có nhiễu sẵn từ khâu sản xuất (do đạo diễn thêm vào để che đậy hiệu ứng hoặc tăng tính nghệ thuật cho phim).

Với kiểu nhiễu hình thứ nhất, bạn có thể sử dụng chức năng giảm nhiễu của TV để xử lý. Hầu hết TV hiện nay đều có khả năng khử nhiễu khá tốt, hình ảnh rất mượt mà. Tuy nhiên, lời khuyên là các bạn không nên lạm dụng Noise Reduction. Giống như Sharpness, hãy giảm Noise Reduction xuống hết mức có thể để giữ nguyên tín hiệu gốc. Nếu tín hiệu gốc của bạn không tốt, hãy khắc phục ở ngay đó, thay vì dùng TV để làm cho hình ảnh trở nên giả tạo.

Với kiểu nhiễu thứ hai, đơn giản là bạn không cần giảm nhiễu, hãy thưởng thức, bởi đó là điện ảnh đích thực.


Chế độ phim (Film Mode)

Rất hiếm khi bạn phải đụng đến thiết lập này. Đây là cách thức mà chiếc TV của bạn đối xử với tốc độ khung hình của các bộ phim hay các chương trình TV. Lời khuyên là hãy để Film Mode ở chế độ tự động.


Dynamic Contrast

Chức năng Dynamic Contrast có mặt trên hầu hết những chiếc TV của anh em HDvietnam. Về lý thuyết, Dynamic Contrast sẽ tự động căn chỉnh chính xác độ tương phản và độ sáng trong thời gian thực của TV. Trong thực tế, tính năng này mang đến hình ảnh không chính xác và đôi khi trông tệ hại đến khủng khiếp.

Do đó, giải pháp tốt nhất là vô hiệu hóa Dynamic Contrast.



Bây giờ, sau khi đã nắm bắt sơ bộ về cá khái niệm cơ bản để calibration một chiếc TV, chúng ta sẽ tìm hiểu xem tại sao sẽ phải calibration TV và làm cách nào để thực hiện.