TIẾNG HÁT THANH HẢI

(Trích bài viết của Trần Tuyết Hoa).


Rồi một chiều, tôi vừa bước vô Hội Trí thức thì Sơn chạy ra kêu: ”Bạn vô nghe tay ni hát ác lắm”. Và Sơn giới thiệu: Thanh Hải, chuyên viên IBM, ngoại đạo cầm ca, chỉ hát chơi thôi. Trong phòng ăn của Hội, Thanh Hải ôm đàn, cất lên tiếng hát bài Chiều trên quê hương tôi, thì tôi nói ngay: ” Sơn ơi, được rồi. Đây mới là giọng hát Sơn cần tìm”. Giọng Thanh Hải Đà Nẵng hơi lai Huế và rất hợp nhạc Trịnh.
Sơn lại rủ sáng mai đến câu lạc bộ Hội Văn nghệ nghe Thanh Hải hát nữa. Tôi rất thích giọng Thanh Hải hát bài Cánh chim cô đơn và Đời gọi em biết bao lần. Sơn nói: ”Hải nó ‘cảm’ và ‘diễn’ đúng ý mình nhất”. Tôi rất đồng ý, vì có lẽ cùng là nam giới, dễ cảm hơn phụ nữ. Bỗng tôi chợt nhớ đến Khánh Ly và hỏi thẳng thừng: ”Còn Khánh Ly thì sao, vì Sơn vừa nói ‘đúng ý mình nhất’?” Sơn hơi giật mình và đăm chiêu: ”Khánh Ly là của Ca khúc da vàng và một số tình ca thời đó...” Tôi cười khẩy: ”Và Thanh Hải là của bây giờ phải không? Đừng có mới nới cũ đó nghe! Mà tui cũng công nhận đúng là Thanh Hải hát nhạc của Sơn ‘tuyệt chiêu’ rồi. Thôi, đừng cất công đi tìm nữa hí!” Sơn lườm tôi một cái đích đáng: ”Cái tai bạn sao mà ác liệt thiệt!” Tôi cười lại: ”Rứa mới trị nỗi TCS!” Sơn cười ruồi:”Huề!”.
Sau đó không lâu, Hội Trí thức lại cho tổ chức một đêm văn nghệ trình diễn giới thiệu những sáng tác mới của các nghệ sĩ trên, lần này có sự đồng ý của cấp trên nên không còn ai cà khịa nữa. Vé bán giá tượng trưng lấy tiền giúp nạn nhân bảo lụt Đồng bằng sông Cữu Long. Sân khấu ngoài trời 500 chỗ mà khán giả tràn đến cả ngàn người. Mấy em gác cổng chạy vào kêu cứu tôi: ”Chị ơi, toàn sinh viên học sinh không hà, chỉ xin vô đứng sát bờ thành không gây mất trật tự đâu”. Tôi hỏi ý kiến ban tổ chức: cho vào. Cả ngàn người đứng ngồi đầy cứng sân Hội mà im lặng theo dõi như ‘đói khát’ lâu ngày nay được món ăn tinh thần. Trước khi Thanh Hải hát TCS trịnh trọng giới thiệu: giọng ca mới mà Sơn vừa bắt gặp được trong nhóm bạn làm khoa học kỹ thuật, giọng rất ‘ăn’ với nhạc của Sơn. Lần này, Thanh Hải hát cùng Sơn rất nhiều bài, làm mọi người ngạc nhiên theo dõi và luôn trầm trồ thích thú.
Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ kể lại: Hôm đó, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát (ở Hà Nội vào) ghé tai nói nhỏ với tôi: ”Mỹ ơi, bài Như một hòn bi xanh tuyệt quá! Sơn nó đặt vấn đề nhân loại chứ không còn trong vòng quốc gia nữa. Lớn quá! Tuyệt quá! Anh ta sáng tác dễ dàng như lấy từ trong túi ra vậy!”.
Trên sân khấu Sơn say sưa hát Như một hòn bi xanh, Ở trọ, và Thanh Hải với Chiều trên quê hương tôi, Cánh chim cô đơn, Đời gọi em biết bao lần... Khi Thanh Hải hát xong, mọi người đứng lên vổ tay nhiệt liệt. Thành công ngoài sức tưởng tượng. Có đại diện nhiều cơ quan cấp trên tham dự và thấy không có vấn đề gì đáng phê bình! Mọi người ra về, nhóm tổ chức chúng tôi ngồi lại. Anh Thìn khoái chí ôm lấy Sơn mà ‘sướng’! Anh Cầu khề khà cụng ly với Sơn: ”Đã quá mày ơi. Bây giờ cứ yên tâm mà sáng tác”. Và chúng tôi đặt tên cho nhóm là “Nhóm sáng tác mới” do bác sĩ Trương Thìn hướng dẫn.
Thấy khán giả còn thòm thèm, anh Báu và anh Thìn bàn nên làm một buổi ở trường Taberd cũ (nay là trường sư phạm) có cả ngàn chỗ mới đủ cho khán giả của mình. Đêm nay Thanh Hải xuất hiện gần như là cái đinh của chương trình. Hải hát một loạt ca khúc TCS, đặc biệt bài Em còn nhớ hay em đã quên kỳ này Hải hát rất đạt. Chương trình kết thúc rồi mà khán giả cứ đứng lên hoan nghênh đòi bis bis mãi.
Tôi ngồi bên bà cụ thân mẫu anh Thìn, nhìn thấy cụ cứ quẹt nước mắt: ”Chao ôi, tui già ri mà nghe anh nớ hát bắt chảy nước mắt đây nì. Chao! cái giọng chi mà dễ thương và tội rứa...không biết nữa!” Đúng, hôm nay Thanh Hải ra chiêu hết ý, tuyệt thật. Và điều rất bất ngờ đối với tôi là bắt đầu từ hôm đó, bé Thái Hòa của tôi vừa mười tuổi cũng xuýt xoa theo bà cụ: ”Chú đó hát hay quá há má, con cũng muốn khóc nữa!”
Từ ngày TCS về hát ở Hội Trí thức, lần nào tôi đi sinh hoạt cũng chở hai đứa con theo. Em gái Thái Hòa còn nhỏ chưa biết gì, nhưng Thái Hòa đã bắt đầu nghe và có ý kiến, những ý trẻ rất ngây ngô và dễ thương. Lạ một điều là Thái Hòa rất mê chú Thanh Hải, nhất là khi nghe chú Hải hát bài Chiều trên quê hương tôi và Cánh chim cô đơn. Khi nghe Thanh Hải khắc khoải trên sân khấu: ”Đêm từng đêm bay về, quê hương là nỗi nhớ... Giấu nỗi buồn trong cánh...Hẹn hò nơi chốn xa”. Thái Hòa hỏi tôi: ”Con chim làm sao giấu được nỗi buồn trong cánh hả má? Tội nghiệp nó quá!” Tôi giật mình: ”Trời ơi! Con trai tôi mới mười tuổi đã biết cảm TCS rồi!”. Tôi phải cắt nghĩa cho nó hiểu đây là con chim sắt, tức chiếc máy bay, mà người phi công khi lái máy bay xa nhà... muốn giấu nỗi buồn trong cánh máy bay. Thái Hòa thường đi theo nghe TCS với chúng tôi cho đến năm 1990.