Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

Kinh nghiệm: TRỊ HO VỚI RAU TẦN DÀY LÁ.

Ho là triệu chứng của nhiều bệnh; Là một phản xạ của các cơ ở hệ hô hấp và một số cơ khác trong cơ thể, khi bị các dị thể kích thích làm khởi động một loạt các phản ứng sinh ra ho, nhằm mục đích tống dị thể ra ngoài. Các tác nhân này có thể là do: Viêm họng, viêm phế quản, viêm xoang mũi, lao phổi, bụi bặm, không khí lạnh hay nóng quá, cảm cúm, đàm thấp, khí độc, khói thuốc lá, khối u…

=> Đọc thêm.

Chữa trị ho cũng khó khăn không kém gì các bệnh khác. Thầy thuốc khi gặp bệnh nhân có ho thường rất e dè, khó quyết đoán, nhất là với trẻ em, người lớn tuổi, người hư nhược. Chúng tôi thường sử dụng rau tần dày lá (Húng chanh), để chữa ho, rất có hiệu quả.

1/ RAU TẦN DÀY LÁ (Húng Chanh).

Rau Tần dày lá có tên khoa học Coleus amboinicus Lour hay Coleur aromaticus Bebenth. Họ bạc hà (Lamiaceae). Chi Coleur Lour có khoảng 200 loài, được phân bố ở vùng á nhiệt đới và cận nhiệt đới Châu Á, Châu Phi và một số Đảo ở Thái Bình Dương.  Ở Việt Nam có 3 loài. Tra từ điển dược liệu Trung quốc không thấy tên loài cây này.

Rau Tần Dày lá, có lẽ người Việt tiếp thu từ người Chăm. Vì người Chăm trước đây, nhân dân thường gọi là người Tần hay người Hời. Rau của người Tần có lá dày nên gọi là rau Tần dày lá. Rau Tần dày lá dùng làm gia vị và làm thuốc trị ho, trị viêm nhiễm khuẩn rất tốt.

Lá rau tần dày lá (Húng chanh) chứa tinh dầu, thành phần chính là Cavacrol, Thymol.

Theo tự điển” Cây thuốc và động vật làm thuốc” của Viện Dược Liệu Việt nam, xuất bản năm 2004” thì: “Tinh dầu Tần dày lá có tác dụng ức chế mạnh các vi khuẩn như: Trực khuẩn mycoides, trực khuẩn subtilis, trực khuẩn lao, trực khuẩn lỵ Flexner, tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn shiga, trực khuẩn thương hàn, phế cầu khuẩn, nấm candida albicans, diệt amip Entamocba moshkowskii, ức chế trực khuẩn coli, liên cầu khuẩn, trực khuẩn bạch hầu và trực khuẩn ho gà.

Cao nước rau tần dày lá (húng chanh) có tác dụng ức chế sự phát triễn của phế cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn vàng. Như vậy, tác dụng kháng khuẩn của Tần Dày lá không chỉ do tinh dầu, mà còn do những thành phần khác chứa trong cao nước như flavon, acid nhân thơm, tanin… Rau Tần dày lá có tác dụng ức chế hoạt tính gây co thắt cơ trơn ruột cô lập của histamin và acétycholin.

-  Tánh vị và công năng: Tần dày lá có vị the cay gắt là do nhiều tinh dầu cavarol, hơi chua, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng lợi phế, trừ đờm, giải cảm, phát hãn, thoái nhiệt, tiêu độc.

-  Công dụng: Lá dùng như trà, giúp ăn dễ tiêu, trị đau bao tử, trợ tim. Trị cảm cúm, ho suyễn, viêm họng, kinh phong, viêm đường tiểu, chảy máu cam.

Liều dùng 10 - 20 g lá tươi/ ngày. Dùng trong thuốc sắc, thuốc xông hay giã nát uống. Lá Rau Tần tươi giả nát, đắp lên vết thương do rắn cắn, bò cạp cắn…”.

Ở Quảng Ngãi, trước kia nhân dân có thói quen khi bị cảm, sốt thì dùng lá rau tần dày lá, giả dập, thoa lên vùng lưng, chà mạnh, sẽ nổi lên những đốm đỏ, người ta chích lễ những nốt đỏ, nặng máu, để trị bệnh rất hay..

Ở Ấn độ, Rau Tần dày lá chữa các bệnh nhiễm trùng đường tiều, bệnh về ngứa, các bệnh về hô hấp, giảm trọng. Nước sắc lá Rau Tần được dùng chữa Ho hen mãn tính. Lá Rau Tần chữa viêm họng, ho gà, khản tiếng, ho do cảm mạo, ho đờm, ho do cảm lạnh.

Theo báo Nature Médecin, đăng ngày 8/4/2007, các nhà khoa học nhận thấy sử dụng rau Tần dày lá phối hợp với kháng sinh, để trị viêm bàng quang và viêm đường tiểu thì hiệu quả giết chết vi khuẩn E.Coli sẽ được tăng lên gấp bội. Vi khuẩn E.Coli được xem là nguyên nhân của nhiễm trùng bàng quang. Bàng quang gồm nhiều túi nhỏ và vi khuẩn có thể vào đây trú ẩn khỏi thuốc kháng sinh. Thử nghiệm trên chuột cho thấy chất forskolin trong rau Tần dày lá, đẩy E.Coli ra ngoài túi để kháng sinh tiêu diệt.

2/ Rau Tần dày lá chữa Ho:

Rau Tần dày lá dùng độc vị hay phối hợp với một số vị thuốc khác để chữa ho, đều tốt.

a/ Bài thuốc Siro rau Tần dày lá, Chanh, Gừng:

-    Rau tần dày lá tươi (húng chanh)        10  lá.

-    Trái chanh (xắc lát) …                            1 quả.

-    Gừng tươi (xắc lát)          ….                   1 củ

-    Đường phèn hay mật ong …             vừa phải.

Tất cả cho vào chén, đem chưng cách thuỷ, lấy nước sirop trong chén uống dần.

- Công dụng: Ho do viêm họng, cảm thời khí, viêm phế quản mãn tính.

Chúng tôi chữa trẻ em ho gà, ho suyễn (do dùng nhiều kháng sinh), dùng với “Lý Trung Hoàn” (Đảng sâm, Bạch truật, Càn cương, Cam thảo), rất hiệu quả.

b/ Phối hợp Rau Tần dày lá với một số phương thang chữa ho:

Chúng tôi sử dụng Rau Tần Dày lá như một “trùy pháp” (Thuốc được thêm vào để tăng hiệu quả chữa bệnh) để chữa trị Ho.

-   Ho do cảm: Dùng Bài “Sâm tô ẩm” gia (trùy pháp) rau Tần dày lá. sắc uống,

-   Ho có nhiều đàm là thấp: Dùng “Chỉ khái thang” gia bán hạ 10 g, tang bạch bì 10g, tế tân 8g, rau Tần 10 lá tươi.

-   Ho không có đàm là do táo thấp khí uất, dùng “Chỉ khái thang” gia mạch môn 15g, thiên môn 15g, kiết cánh 10g, qua lâu nhân 10g, bá tử nhân 10g, rau tần 10 lá…để nhuận đàm.

-   Ho do viêm nhiệt:  Dùng “Cầm liên Tứ vật thang” gia Rau Tần, cỏ chỉ thiên, kim ngân hoa, cỏ mực…. Sắc uống.

- Ho do ăn không tiêu, tỳ kém: Khí nghịch sinh ho làm mi mắt sưng, thường ho nhiều vào lúc gần sáng. Phải bổ tỳ thổ để sinh phế kim. Dùng bài "Lý Trung thang” (Đảng sâm 10g, Bạch truật 10g, càn cương 5g, chích cam thảo10g), gia Sơn tra 10g, thần khúc 10g, sa nhân 5g, la bạt tử 5g, liên kiều 5g, rau tần tười 10 lá.

-    Ho do hư lao: Nên kết hợp Đông Tây y. Dùng “Bát tiên trường tho” (Tức Lục vị thêm Mạch môn, Ngũ vị) gia Đảng sâm, Huỳnh kỳ, Thiên môm, Mạch môn, Bá bộ, Nghệ, Rau Tần dày lá tươi, để bổ phế, tiêu viêm, nâng thể trạng.

-   Ho do viêm xoang mũi: Dùng thang “ Cửu vị khương hoạt”gia , Cỏ Cức lợn 10g, Cỏ Lưỡi rắn 10g, Cây Mè đất 10g, Thương nhỉ tử 10g (gĩa dập), Hoàng liên 5g. Rau tần dày lá tươi 10 lá. Nước nhứt: Cho thuốc vào ấm, đổ 3,5 chén nước, nấu sôi, đem xông. Khi thuốc nguội, tiếp tục sắc còn 1 chén, uống. Nước nhì: Cũng làm như  nước nhứt. Sắc nước nào uống nước ấy. Liện tục mỗi đợt 10 thang. Tùy theo nặng nhẹ, mà dùng từ 30 – 50 thang.

Rau Tần Dày Lá (Húng chanh), có mùi thơm, làm gia vi trong rau sống hay trong tô mì tôm, làm tăng vị thơm ngon, kích thích tiêu hoá. Rau Tần còn là vị thuốc qúy trong chữa trị ho, viêm đường tiểu, viêm họng, viêm phế quản… Rau Tần dày lá rất dễ trồng, phát triển nhanh, lại chịu hạn tốt. Mỗi gia đình nên có vài chậu để sử dụng làm gia vị và làm thuốc./.

Lương  y Trần Sỹ.
Nhà thuốc Nguyên Hùng Đường.
8 Lê Hồng Phong, Tp Phan Thiết, Bình Thuận.
ĐT: 0988170818 -0623823505.
Email: Sy.nguyenhungbt.tran@gmail.com

Đăng SK&ĐS Cuối tuần – Số 445- Tháng 7/2007.

Ghi chú: Các bài thuốc trong bài:

1- Sâm Tô Ẩm: Sa sâm 10g, tô diệp 10g, trần bì 10g, bán hạ 10g, phục linh 10g, cam thảo 10g, cát căn 10g, kiết cánh 10g, chỉ xác 10g, tiền hồ 10g, sài hồ 10g, mộc hương 10g. Gia Càn cương, Nhục quế hay Đương qui, Thục địa.

2/ Chỉ Khái Tán: Kiết cánh 10g, kinh giới 10g, tô diệp 10g, bá bộ 10g, bạch tiền 10g, chích thảo 10g, trần bì 10g, tử uyển 10g. Sắc uống hay tán bột, uống làn 10g.

3/ Tứ Âm Tiển: Sa sâm 10g, Phục linh 10g, cam thào 10g, mạch môn 10g, bạch thược 10g, sanh địa 10g, gia đương qui 10g, gừng 3 lát. Sắc uống.

4/ Tứ Vật Nhị Trần Thang: Thục địa 15g, Bạch thược 10g, xuyên khung 10g, đương qui 10g, trần bì 10g, bán hạ 10g, gia trúc lịch, khương trấp.

5/ Ngủ Vi  Dị Công Tán: Sa sâm 10g, phục linh 10g, bạch trật 10g, chích thảo 10g, trần bì 10g, bán hạ 10g, biển đậu 10g, hương phụ 10g. (tức lục quân  gia biển đậu, hương phụ).

6/ Cầm Liên Tứ Vật Thang: Thục địa 10g, bạch thược 10g, xuyên khung 10g, đương qui 10g, hoàng cầm 10g, hoàng liên 6g, mạch môn 10g. Sắc uống.

 

http://transybt.com/index.php?option=com_content&view=article&id=44:kinh-nghim-tr-ho-vi-rau-tn-day-la&catid=2:benh-hoc&Itemid=3 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét