Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

Quê hương tôi có con sông xanh biếc


Có bao nhiêu con sông chảy ngang qua Việt Nam? Mình chưa thể biết hết, chỉ biết rằng, dường như miền đất nào cũng gắn bó sâu nặng với một dòng sông, và do đó, bất kỳ ai cũng luôn đau đáu trong mình một "con sông quê hương xanh biếc".



Mình sinh ra và lớn lên bên một nhánh của sông Sài Gòn, tâm hồn khó lường như những đợt sóng ngầm trong lòng con sông ấy. Có phải vì thế mà lúc nào mình cũng có một cảm giác miên man bất tận rất khó gọi tên khi đứng bên một dòng sông đang trôi êm đềm trong nắng hanh hao. Cái cảm giác vừa hạnh phúc vừa bất an của con nước từ lạch nhỏ được hòa vào lòng sông lớn, rồi từ đó trôi ra tận biển khơi xa. Trong hành trình của mình cả bọn đã đi qua bao nhiêu dòng sông? Rất nhiều, chẳng thể nhớ hết được!

Từ sông Sài Gòn, mình "trôi" ra tận dòng Đà Rằng chói chang nắng gió...


"Trôi" tiếp đến đầm Thị Nại, bâng khuâng tìm nghe trong gió lộng có còn chút dư âm nào của "sông Kôn mùa lũ" hay tiếng vọng tang thương từ trận thủy chiến của Nhà Tây Sơn cách đây hơn 200 năm? Chẳng thấy, chỉ thấy một miền đầm nước hiền hòa yên bình đang chìm dần trong ánh tà dương...


"Trôi" ngang sông Vệ, sông Trà Khúc trên chiếc xe ca dằn xóc, mơ màng nhớ những sáng hè theo mợ lội bì bõm qua dòng Trà để đi chợ, cố gắng hình dung một lòng sông ăm ắp nước lúc đông về.
Rồi lại "trôi" ngang dòng Thu Bồn nổi tiếng vào một đêm không trăng, "trôi" đến tận cửa Hội An, và ngồi chờ trời sáng bên một nhánh của nó tên gọi sông Hoài.


"Trôi" tiếp đến dòng Hương kiêu kỳ của cố đô, ngược dòng sông tìm đến những lăng tẩm xưa cũ, nơi mà mình tin mình mãi mãi không thể hiểu nổi ước vọng bất tử không hề dấu diếm trong từng thớ gạch rêu phong. Mình thì vẫn cho là khi chết người ta cũng sẽ tan ra như những bong bóng nước một chiều mưa, chẳng cần gì phải tốn đến biết bao nhiêu tiền tài và máu xương để xây những công trình như thế.


Đến dòng Hiền Lương - Bến Hải một trưa nắng, không thể hình dung dòng sông êm ái này khi nó còn là chiến tuyến chia cách Bắc Nam, bây giờ ở đây chỉ còn một cụm tượng người phụ nữ bồng con đứng trông chồng ở bờ Nam - bờ Bến Hải - và cột cờ tổ quốc ở bờ Bắc - bờ Hiền Lương. Bao giờ cũng vậy, phụ nữ và trẻ em luôn là những nạn nhận đáng thương nhất của chiến tranh, của những cuộc chiến mà họ chẳng bao giờ gây ra!


Quảng Trị còn một dòng sông nữa, nổi tiếng không kém (về mặt tang thương), là dòng Thạch Hãn, "dòng sông đỏ" chảy qua Thành cổ Quảng Trị...

Đò xuôi Thạch Hãn ơi chèo nhẹ,
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước,
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm...
(Lê Bá Dương)


Từ Đông Hà - Quảng Trị, chúng mình đến Đồng Hới, và leo lên Trường Sơn để đến với dòng Son duyên dáng, dòng sông chảy qua động Phong Nha. mình vẫn tự hỏi vì sao dòng sông lại tên là Son, khi mà nước của nó xanh ngăn ngắt như nước biển những duềnh, những vịnh miền Trung? Phải chăng vì ở thượng nguồn, con sông chảy qua những lòng đá đỏ một cách kỳ lạ, rực rỡ như màu son trên môi thiếu nữ!




"Xuống núi", tất cả lại cùng vượt đèo Ngang, "trôi" về dòng Gianh lịch sử, nay được nối bởi một cây cầu cao nghễu nghện.
Kế đến là "trôi" tới "sông Lam Nghệ An". Thật ra con sông này là ranh giới tự nhiên giữa Hà Tĩnh và Nghệ An đó chứ, thế nhưng có lẽ nhờ đội bóng xứ Nghệ quá vang danh nên nhắc đến sông Lam, người ta chỉ nghĩ đến Nghệ An mà thôi!


Không thể không nhắc đến dòng sông Mã quê cha, dòng sông mà xa cách nửa đời người, ba mình vẫn nhớ những "buổi trưa hè tỏa bóng xuống lòng sông lấp loáng".

Rời xứ Thanh, cả bọn đến vùng sơn thủy hữu tình Ninh Bình xuôi dòng Ngô Đồng chảy qua Tam Cốc. Bến sông nước trong veo, thấy cả những dải rong đuôi chó xanh rì rầm dưới đáy, nhưng càng về phía "ba cái hang", nước đục dần vì người dân địa phương cấy lúa ven bờ. Mình mơ màng hình dung ra ngày lúa chín, dòng sông này chắc là đẹp lắm! Một dải nước xanh uốn lượn ở giữa, hai bên là hai vạt óng vàng rập rờn theo từng con sóng.




Thế rồi sau khi băng qua bao nhiêu là dòng sông, chúng mình cũng đến với Hồng Hà. Cái nôi của nền văn minh Đại Việt. Sông Hồng tháng ba nước cạn trơ ra những bãi bồi giữa dòng xanh ngát hoa màu và đỏ quạch phù sa. Cả bọn còn có dịp đi ngược sông Hồng lên tận Lào Cai, đi tàu hỏa, nhưng đường tàu chạy gần như song song với con sông này. Sông cạn một cách đau lòng! Có thể vì khi ấy, đã rất nhiều ngày những con suối cấp nước cho nó ở Hoàng Liên Sơn không nhận được giọt mưa nào, nhưng cũng có thể vì những con đập thủy điện ở Vân Nam đang trữ lại lượng nước dồi dào ở phía thượng nguồn, cái thân phận dòng-sông-chung của nó mới thật là khốn khổ! Mình vẫn hằng mơ ước được đến thăm hai tả, hữu ngạn của Hồng Hà là sông Lô ở Đông Bắc và sông Đà ở Tây Bắc, nhưng lần này thì đành lỗi hẹn! Mong rằng một lúc nào đó mình sẽ được choáng ngợp trước "trường ca sông Lô" và tận mắt thấy "người lái đò sông Đà".


Đến đây thì mọi người chia tay, có người trở về, có người đến vùng cực xa xôi, còn mình tìm về những chuyến đò qua sông Đuống, sông Cầu. Sông Đuống, "một dòng lấp lánh" "xanh xanh bãi mía bờ dâu ngô khoai biêng biếc" nay chừng như sắp đánh mất nét duyên quê. Anh bạn địa phương bảo em không đến đúng mùa hoa cải nở nên không thấy đấy thôi, nhưng mình thì e sợ mấy lò nung gạch ven sông sẽ sớm tàn phá hết chút nhan sắc cuối cùng ấy của sông Đuống trước khi mình kịp đến thăm mùa hoa cải. Khúc sông Cầu ở làng gốm Thổ Hà cũng vậy, ô nhiễm bởi rác sinh hoạt và rác từ quá trình sản xuất bún (chứ không phải là gốm!), đục ngầu chứ chẳng có "nước chảy lơ thơ"... Hơi buồn vì chẳng có gì như mình vẫn ấp ủ cả!


... Hôm nay rảnh rỗi, tự nhiên có hứng ngồi lan man về những dòng sông!

-- MD --

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét