Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

Đi giữa mùa hoa


Đi giữa mùa hoa là vì đi giữa mùa xuân mà! Hoa, rất nhiều hoa, nở miên man suốt chiều dài đất nước...

Này là những vạt cúc dại, hồn nhiên khoe sắc trắng đơn sơ của mình dọc đường quốc lộ. Có lẽ phải chọn cúc dại trắng là loài hoa đặc trưng của quốc lộ I, bất kể dưới cái nắng gió hanh hao của miền Trung, hay cái lạnh tái tê mưa phùn gió bấc của miền Bắc, cúc vẫn lặng thầm mà kiên định bám trụ ven đường. Người ta thường trầm trồ trước một vạt dã quỳ vàng nắng tháng tư hay vạt thạch thảo dại tím như chiều buồn man mác, mấy ai nhớ tới những cánh hoa trắng bé nhỏ vô tư này. Thế mà khi chiều buông trên đường Hồ Chí Minh, đi giữa rừng Trường Sơn hoang vắng, nhìn thấy sắc trắng quen thuộc của vạt hoa dại ven đường, tôi đã thấy lòng mình ấm áp và bình tĩnh hơn rất nhiều...


Còn kia, kia là mấy tán hoa xoan đang trầm mặc nhìn những cổ tích còn sót lại của thánh địa Chăm-pa xưa. Lối đi này tương truyền là con đường lát gạch dẫn từ cung điện của vua Chăm ở Trà Kiệu đến thung lũng Mỹ Sơn, nay chỉ còn hoa xoan rơi trên nền gạch vỡ.


Mà dường như chúng tôi đi vào đúng mùa xoan thì phải, xoan nở tràn ven bờ sông Son ở Quảng Bình, xoan hiện diện ở mỗi ngôi làng chúng tôi qua, hình như cứ có làng, có sông là có xoan. Xoan thường đứng một mình, nhưng cũng có khi được trồng thành vườn. Ngang qua những vườn xoan đang nở trắng trời như vậy đôi lần, tôi phát hiện ra rằng, hóa ra mùi hoa xoan thơm nhưng có vị đăng đắng, nồng nồng dân dã chứ không hẳn là thật thơm tho như tôi tưởng tượng.


"Tháng ba hoa gạo". Màu đỏ thắm rực rỡ này làm mấy đứa chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng thích thú khi lần đầu nhìn thấy ở lối lên thăm mộ bà Hoàng Thị Loan. Dường như cũng biết cả bọn chưa bao giờ nhìn thấy một cây gạo đương mùa ra hoa cả, cây hoa này đã hào phóng tặng chúng tôi cả một vòm tràn đầy hoa là hoa thật đẹp. Hoa trên cành, hoa vây quanh gốc, hoa vương vãi những lối đi.





Tôi cứ tưởng cây gạo đó phải là cây gạo đẹp nhất mà tôi được thấy... Cho đến khi tôi bắt gặp một cây gạo già, đứng một mình giữa bãi bồi xanh mượt mà ven sông Đuống. Thân cây cằn cỗi mốc meo vẫn vươn những cành khẳng khiu của nó đâm toạc nền trời bàng bạc. Và trên mỗi cành là những đốm lửa cuối xuân như cố nhen lên chút ấm áp cho một ngày mưa phùn. Gặp cây gạo ấy cho ta cảm giác như gặp một cụ bà Bắc Bộ răng đen, chít khăn mỏ quạ, da dẻ đầy những nếp ngang nếp dọc, đương thong thả ngồi sưởi nắng trước sân nhà mình - tức là, ta cảm thấy như gặp một nhân chứng của thời gian. Thật không may là thói quen đểnh đoảng không cho phép tôi lưu lại hình ảnh ấy, tôi đành kính cẩn lặng im mà ghi nhớ tất cả chiều kích không gian của buổi hội ngộ bất ngờ, cả bầu trời, cả gió lạnh mưa phùn và tất nhiên là cây gạo già ấy.

Suốt những dặm xa, tôi bắt gặp không biết bao nhiêu là hoa mà kể, mỗi loài hoa đem đến một dáng vẻ, một tính cách rất riêng. Có loài dịu dàng quen thuộc pense...



Có loài lạ lẫm không biết tên, như những bông hoa tím mọc ven lối lên Fan này chẳng hạn.



Có bông trang dân dã.



Cũng có hải đường đài các trang nghiêm.



Thích nhất là lên Sapa, "thị trấn trong mây" là cả một vườn hoa lớn. Không còn hoa đào vì đã cạn ngày xuân, nhưng Sapa vẫn đón chúng tôi với những ngôi nhà tường đá, có hàng rào loa kèn, mái vòm hồng tường vi và những đóa thumbergia viền quanh chân tường...


Các bé gái ở Sapa còn có một trò chơi rất dễ thương, các em hái thật nhiều hoa cúc, rồi tết chúng lại thành những vòng hoa như thế này.



Chắc chúng đang mơ thành công chúa ngồi đây mà!
Xem kìa, Sapa còn có những thảm cỏ êm mượt điểm xuyết mấy nhành bồ công anh rung rinh trong gió nữa.



Và loài hoa mà tôi muốn nói đến nhiều nhất chính là hoa này.



Đỗ quyên trên đỉnh Fansipan đấy! Bạch Mã cũng rất nổi tiếng với đỗ quyên, nhưng nếu đỗ quyên rừng Bạch Mã chỉ có màu đỏ thì đỉnh Fan có hẳn năm màu: trắng, đỏ, vàng, hồng và tím. Đỗ quyên quả là một loài cây kỳ lạ, thời tiết ở Fan hà khắc là thế, nào gió giật, nào khô hạn, nào nắng cháy (có nắng mà... vẫn rất lạnh đấy nhé!), mùa rét thì còn có mưa mây, sương mù nữa chứ, thế mà cây vẫn vững vàng đu mình cheo leo trên những vách đá. Cây lại còn trổ hoa thật rực rỡ như để thỏa lòng ngưỡng mộ của khách leo Fan.







Tôi sẽ khép lại bài viết này bằng việc kể về mùi hương ngọt ngào của hoa vàng anh. Hoa mọc giữa Trường Sơn hoang vắng, ven một suối nước trong veo. Tôi thật không biết làm sao hoa lại được gọi là vàng anh vì thật ra, hoa màu đỏ! Nhưng, hương thơm đằm thắm của hoa cứ gợi cho tôi nhớ về nàng Tấm thơm thảo thủy chung trong truyện cổ tích. Mùi hương giờ đã bay xa, tôi chỉ kịp giữ lại cho mình một nhành vàng anh ép khô trong sách, nhành hoa dù đã lìa cây lìa rừng mà vẫn "diệp bất ly chi, hoa bất ly đài".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét