Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Hành trình nhiếp ảnh của những người đi 'săn' chân trời

Hai tác giả trẻ Nguyễn Huy Trung Dũng và Vi Khoa vừa hoàn thiện "công trình" chụp toàn cảnh Hà Nội nhìn từ tòa nhà cao nhất Việt Nam Keangnam Landmark Towers.
>'Dòng sông người' ở Mỹ Đình qua ảnh panorama 1,9 Gpx

Tác giả Trung Dũng, kiến trúc sư sinh năm 1973 và hiện là Giám đốc điều hành một công ty về đèn trang trí ở Hà Nội, chia sẻ bài viết "Câu chuyện nhiếp ảnh của người đi săn chân trời", giúp người đọc phần nào hình dung được quá trình công phu và vất vả để chụp và ghép ảnh panorama có dung lượng lên đến hàng gigapixel:
Dù không kiếm sống bằng nghề ảnh, tôi đam mê cầm máy từ năm 1989 và duyên nghiệp đưa tôi đến với ảnh toàn cảnh phân giải cao, cho tôi cơ hội ngắm nhìn và giới thiệu quê hương tới bè bạn khắp nơi trên thế giới.
Hà Nội đang trong giai đoạn bùng nổ xây dựng và chẳng mấy chốc mà chúng ta không nhận ra nơi mình đã sống. Vi vậy, tôi và Vi Khoa quyết tâm sớm thực hiện ảnh toàn cảnh (panorama) lớn đầu tiên cho Hà Nội.
Ảnh panorama Hà Nội nhìn từ tòa nhà cao nhất Việt Nam
Đường Phạm Hùng - Toàn cảnh phía Tây Bắc Hà Nội (ảnh 9,9 Gigapixel).
Đại Lộ Thăng Long - Toàn cảnh phía Tây Nam Hà Nội (ảnh 5,6 Gigapixel).
Ngay sau khi ra mắt tấm hình Gigapixel chụp Hồ Gươm nhằm chào mừng Đại Lễ 1.000 năm Thăng Long, chúng tôi bắt đầu thực hiện chương trình trọng điểm: "Ảnh toàn cảnh Hà Nội nhìn từ Keangnam, tòa nhà cao nhất Việt Nam". Tòa tháp có độ cao sàn mái 324 m và ở vị trí trung tâm giữa hai nửa đã và đang phát triển của Hà Nội. Theo kế hoạch, tòa nhà sẽ xây xong phần thô vào tháng tư, đúng vào đầu mùa gió Lào thổi, thời điểm mơ ước để có bầu trời trong - điều kiện quan trọng để chụp được toàn cảnh.

Chuẩn bị

Keangnam Hanoi Landmark Towers cao dần cùng với niềm háo hức tăng lên mỗi ngày trong chúng tôi. Chúng tôi vẫn tiếp tục đến các điểm cao bấm máy để giữ gìn phong độ, nuôi dưỡng thói quen tác nghiệp và để tích lũy kinh nghiệm cho "trận chiến quyết định". Mấy đứa trẻ quen dần với thói quen mới của bố: mở mắt là mở cửa ngó trời mây. Chúng tôi dần thuộc quy luật bay hơi - tụ mây ở Hà Nội cứ như những nhà khí tượng thực thụ. Từ tháng 10/2010 đến 4/2011, sau gần 200 ngày quan sát bầu trời, chúng tôi cũng hiểu được rằng ở Hà Nội, số ngày trời trong để chụp ảnh toàn cảnh chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Niềm háo hức chuyển sang tâm trạng bồn chồn. Vi Khoa phải thay đổi lịch ra Hà Nội công tác tới bốn lần chỉ vì thời tiết "không giống" với dự tính.
Keangnam Hanoi Lanmark towers.
Keangnam Hanoi Lanmark Towers.
Càng gần tới "giờ G", kinh nghiệm cao bao nhiêu thì thử thách tới nhiều bấy nhiêu. Thực tế cho thấy, chỉ khi nào xây xong phần thô, công trường trên mái Keangnam mới giảm bớt mật độ thi công và khi đó mới có thể vào chụp. Trong vòng 1 tháng kể từ lúc này, nếu không chụp được thì cũng không còn cơ hội vì khi vách kính chắn mái đã hoàn thành thì không còn chỗ đặt máy. Chưa kể, trong 30 ngày quý giá đó, chúng tôi chỉ có thể chụp vào chủ nhật, là ngày công trường giãn thợ. Tức chúng tôi chỉ có 4 ngày, tương đương 4 cơ hội để chinh phục "công chúa" thời tiết đỏng đảnh không chiều lòng người. Mỗi khi bản tin thời tiết kết thúc, mọi người vui mừng vì ngày mai mát mẻ thì chúng tôi rầu rĩ. Chúng tôi cầu gió Lào như Chu Du cầu gió đông.

Buổi chụp chuẩn bị trước

8h sáng ngày 8/5, những tia nắng mặt trời mới ló ra, báo hiệu cho chúng tôi một ngày khó khăn (giá tín hiệu này đến từ 5h30 thì chúng tôi đã tức tốc lên đường). Nhiệt độ là 35 độ và nếu chụp dưới đất, cảnh trời mây hôm nay thật tuyệt vời. Nhưng ở trên cao giờ này, với tầm nhìn dưới 8 km, Hà Nội mới chỉ có "nửa cảnh".
Chờ đợi lúc này không chỉ mất an toàn bởi sức khỏe giảm sút mà độ chi tiết cảnh chụp cũng giảm theo, vì để chụp "chi tiết mức tele 400 mm" cần thời gian chụp trên 3 giờ. Tới 15h chiều, mây trắng bắt đầu vãn và quang cảnh trong dần, phù hợp với việc chụp ở độ cao 30 tầng. Nhưng ở tầng 72 lại hoàn toàn khác. Cảnh chính trải sâu tới trên 15 km, nêu nếu vẫn không nhìn thấy gì thì chẳng thể xứng tầm tòa nhà cao nhất Việt Nam. Chúng tôi đang phải đối diện với các giới hạn của công nghệ và giờ đây chỉ có thể chụp với mức chi tiết của tele 200 mm, bởi kinh nghiệm cảnh báo chỉ còn gần hai giờ chụp vì có thể có dông hướng tây cuối chiều.
Chụp ảnh toàn cảnh Hà Nội.
Chụp ảnh toàn cảnh Hà Nội.
Cảnh xa đang dần hiện ra, dù còn rất mờ nhưng độ tương phản của cảnh đã đủ để thấy chi tiết nếu dùng phần mềm xử lý sau này. Chúng tôi lập tức triển khai nhanh chóng và thuần thục như bác sĩ trong phòng mổ. Chân máy, cân bằng trục quay, robot Gigapan, lắp máy, hệ thống chống rung, chống gió, dây nối tín hiệu, thiết lập các thông số… tuần tự và đầy đủ. Phải nói rằng chụp ảnh cỡ gigapixel là một công việc phức tạp và khắc nghiệt. Chỉ thiếu một chi tiết máy hay thực hiện sai một quy trình là có thể phá hỏng cả buổi chụp và mất ngay cơ hội mà không biết có còn lần sau để sửa chữa hay không.
Hai anh em tập trung cao độ cho từng tấm hình - từng mảnh ghép của ma trận ảnh - đảm bảo không để mất nét, không vướng bóng mây, không để gió giật làm rung máy và cố gắng không để sót lỗi nào. Mười tấm, trăm tấm, rồi hai trăm tấm... máy quay sang phải thì người chụp chuyển qua trái. Chúng tôi cẩn thận từng bước chân chỗ đứng vì đang ở ngay trên "bờ vực thẳm". Dòng thứ nhất, thứ hai, thứ mười… đến khi robot báo "done" (hoàn thành), hai anh em thở phào nhẹ nhõm vì ông trời thương không đẩy giông tới sớm. Tuy mệt, chúng tôi phải nhanh nhanh thu dọn nếu không muốn gặp sét.

Buổi chụp không chuẩn bị trước

Ngày 14/6, gió giật đùng đùng. Khi cơn giông đầu mùa như những làn đạn xéo xuống dòng người đang hối hả tìm chỗ trú là lúc tôi khấp khởi hy vọng, hùng dũng áo mưa xe máy từ phía đông thành phố tiến về Keangnam. Giông đầu mùa vào chiều sớm thế này hiếm lắm, mỗi năm chỉ có đôi lần. Gác hết mọi việc lại và lên đường vì những tấm ảnh đã chụp được mấy buổi trước tuy đã thể hiện được toàn cảnh thành phố, nhưng vẫn còn thiếu một phần quan trọng: Chân trời.
Miêu tả thế địa linh của thành phố này phải có rồng chầu hổ phục. Sông Hồng như dải lụa hiền của người mẹ đã cuốn quanh tấm ảnh, nhưng hình ảnh của vua Ông (núi Ba Vì) và vua Bà (núi Viên Nam) vẫn nằm bí ẩn trong mây mù xa xa. Những ngọn núi bảo vệ cho phong thủy thành phố giống như triều đình trong cung cấm, ẩn hiện khó lường. Chỉ có khoảnh khắc sau lúc giông tố thế này, trời Hà Nội mới đủ trong để "triều đình" ấy lộ diện rõ ràng. Phải chụp bằng được dung nhan của họ là quyết tâm của chúng tôi.
Xe đến đầu đường Lê Văn Lương thì mưa ngớt. Nhận ra đỉnh núi Đồi Bù (phía tây nam Hà Nội) đen thẫm, tôi nắm chặt tay lắc nhẹ trong niềm sung sướng vì phán đoán của mình đã thành sự thực. Nhanh chóng làm thủ tục qua cửa rồi lên thang máy, anh bạn kỹ sư trong công trường ghé tai tôi nói nhỏ: "Từ ngày làm ở đây đến giờ là lần đầu tiên thấy núi rõ thế này anh ạ".
Dông đầu mùa nhìn từ Keangnam.
Dông đầu mùa nhìn từ Keangnam.
Cảm giác của tôi khi bước ra sân thượng giống như bước vào sân rồng. Đủ cả vua Ông vua Bà. Đủ cả hai tả hữu tướng quân Tam Đảo và Đồi Bù hai bên. Trời trong đến độ thấy được cả hậu tướng - rặng núi Lưỡi Hái phía Thanh Sơn (Phú Thọ). Sông núi nước non liền một dải, nắng chiếu ngược trên đỉnh núi sau mưa trong và sáng như ngọc trên vương miện. Được một mình trên đỉnh tháp ngắm quê hương trong khoảnh khắc quý báu này, tôi cảm nhận được đó chính là phần thưởng dành cho những người cầm máy - những khoảnh khắc chiêm ngưỡng một lần để nhớ suốt đời.
Bỗng dưng phía xa một tia sét đánh ngang trời. Đang đứng trong vùng an toàn của kim thu sét, nhưng luồng điện của nó phả vào tê cả mặt. Từ phía nam, những đám mây đen của cơn giông đang trườn dọc theo vách kính rồi đổi hướng quay ngang vượt qua mái nhà. Cảnh vật bỗng mờ mịt, hình xa thoắt ẩn thoắt hiện cùng với gió mây, tôi hiểu, mình chỉ được ngắm, chưa được chụp.
Núi Ba Vì sau cơn dông.
Núi Ba Vì sau cơn dông.

Quá trình xử lý ảnh

Các chi tiết của cảnh dần hiện ra trước mắt chúng tôi sau từng cái click chuột. Sự trùng hợp rất thú vị là đợt chụp ảnh này đúng vào mùa hoa hè nở. Đâu đâu cũng thấy phượng nở đỏ rực khắp các con đường. Hoa bằng lăng tím, hoa muồng vàng rực rỡ như tô điểm thêm cho không khí hè năng động. Vi Khoa vừa làm vừa chỉ cho tôi xem tòa nhà Kinh Đô (cách Keangnam 8 km) lúc lấy nét hầu như không nhìn thấy gì, nay qua cân chỉnh level trên phần mềm Capture One Pro đã nhìn rõ.
Chụp ảnh đã mệt, làm ảnh tinh từ ảnh thô sau đó còn mệt hơn. Dù công đoạn này có thể qua loa vì còn phải chỉnh sửa lại, chúng tôi vẫn thực hiện kỹ vì không cho phép mình bỏ sót bất cứ thông tin nào mà cảm biến ghi nhận được.
Ghép ảnh và sửa lỗi trên phần mềm Autopanogiga 2.52.
Một tấm ảnh toàn cảnh thường được chụp bằng hàng ngàn tấm hình nhỏ trong một quang cảnh rất rộng, nơi mà ánh sáng biến thiên liên tục. Vì vậy, để có thể ghép chúng lại thành một khối thống nhất, chúng tôi phải sửa nhiệt độ màu, mức sáng, độ tương phản… đồng đều tất cả theo cả cột và hàng của ma trận ảnh. Để có một tấm ảnh ghép chất lượng cao, việc này phải làm tỉ mỉ và rất mỏi mắt. Chưa kể có những bộ ảnh chụp trong thời tiết xấu và chúng tôi phải làm lại nhiều lần.
Máy tính là chiếc máy trạm (workstation) 2 chip Xeon mới được Vi Khoa bổ sung thêm RAM và chuyển từ thành phố Hồ Chí Minh ra phục vụ cho dự án. Thiếu nó, chúng tôi không thể làm việc hiệu quả. Máy mạnh là vậy, nhưng thời gian ghép ảnh vẫn phải tính bằng nhiều giờ. Thậm chí, qua bước ghép thử, nếu chưa ưng sẽ phải làm lại từ đầu.

Kết quả

Sau 9 tháng vận hành chương trình, nhiều lần lên đỉnh tháp, chụp hơn mười ngàn tấm hình các loại, chúng tôi thu được 3 tấm thành phẩm. Với mục tiêu ban đầu là một tấm (toàn cảnh 360 độ) thì 3 tấm lại là quá nhiều và quá… dở, nhưng đó là tất cả khả năng và thực tế cho phép.
Hai tác giả Trung Dũng và Dương Vi Khoa trên đỉnh tòa tháp Keangnam Hanoi Lanmark Towers.
Hai tác giả Trung Dũng (trái) và Vi Khoa trên đỉnh tòa tháp Keangnam Hanoi Lanmark Towers.
Điều làm chúng tôi bằng lòng với kết quả là ghi hình được hết cảnh xung quanh tòa tháp. Với gần 20 gigapixel thông tin hình ảnh, chúng tôi hy vọng mang đến cái nhìn tổng thể và chân thực cho tất cả những ai quan tâm đến Hà Nội. Điều chưa bằng lòng là chúng tôi chưa thể hiện trọn vẹn được đường chân trời Hà Nội và quang cảnh quan trọng của thành phố chưa thể hiện được bằng độ chi tiết cao nhất (mức tele 400 mm).
Tại trang hanoi1000.vn/72, bạn có thể trỏ chuột máy tính vào ô (+) để xem chi tiết hình ảnh. Xin được lượng thứ về những lỗi kỹ thuật làm người xem chưa hài lòng. Một vài lỗi là do chúng tôi cố tình để lại với dụng ý thể hiện những khó khăn gặp phải của kỹ thuật ghép hình này.
Một số địa danh Hà Nội nhìn từ Keangnam
Nguyễn Huy Trung Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét